Điều trị và phòng tránh thoát vị đĩa đệm

Đăng lúc: Thứ tư - 17/12/2014 16:10
Thoát vị đĩa đệm là căn bệnh rất thường gặp hiện nay. Người bị bệnh này thường gánh chịu những cơn đau đớn về xương khớp trong sinh hoạt hàng ngày. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện phẫu thuật thành công bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Trước đây bệnh này phải chuyển lên tuyến trên điều trị. 

CĂN BỆNH THƯỜNG GẶP

Trong lúc chạy xe máy, bất ngờ bị ngã xe xuống ruộng, ông H.M. cố gắng kéo xe lên. Do cố gắng kéo vật nặng quá sức nên ông bị đau đớn dữ dội ở vùng cột sống thắt lưng. Bác sĩ chẩn đoán ông bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Việt kiểm tra vết mổ cho bệnh nhân Nguyễn Văn Lữ sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm tại Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Việt kiểm tra vết mổ cho bệnh nhân Nguyễn Văn Lữ sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm tại Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Nghe tin ở thị trấn Cái Bè có một thầy lang có thể điều trị khỏi bệnh thoát vị đĩa đệm nhờ nắn lại cột sống và đắp thuốc gia truyền, ông H.M. được gia đình đưa đến. Tuy nhiên, sau khi được thầy lang nắn bóp, chỉnh sửa cột sống, bệnh của ông không những không thuyên giảm mà còn trầm trọng hơn. Sau đó ông được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để phẫu thuật và phải mất hơn 4 tháng mới hồi phục vận động hoàn toàn.

Trường hợp của chị Kim C. thì khác. Trong lúc tập thể dục với chiếc máy làm tan mỡ bụng, bất ngờ chị bị đổ sụp khi thực hiện động tác gập người về phía trước. Đau đớn không thể đứng được nữa, chị Kim C. được người thân đưa đến bệnh viện và được bác sĩ chẩn đoán bị thoát vị đĩa đệm. Chị được bác sĩ điều trị tích cực bằng thuốc kết hợp với vật lý trị liệu trong một thời gian dài mới bình phục.

Trong khi đó, khác với ông H.M. và chị Kim C., nhiều bệnh nhân đau lưng mãn tính, tê tay đến bệnh viện khám cũng được chẩn đoán là thoát vị đĩa đệm. Căn bệnh này đang xuất hiện ngày càng nhiều và gây nên những tác hại xấu cho sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh.

VÌ SAO MẮC BỆNH?

Nguyên nhân của bệnh thoát vị đĩa đệm được bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp giải thích: Đĩa đệm được cấu tạo 3 thành phần gồm nhân nhầy, vòng sợi sụn rất dẻo có độ co giãn rất cao và ở giữa là 1 nhân nhầy.

Nhờ tính chất đàn hồi nên đĩa đệm làm nhiệm vụ như một bộ phận giảm xóc, giúp cho cột sống thực hiện chức năng vận động của mình (cúi, ngửa, nghiêng...) một cách mềm dẻo. Khi vòng sợi bao quanh bị rách, nhân nhầy thoát ra khỏi vị trí giữa 2 đốt sống, thường là về phía sau, gây chèn ép tủy sống hoặc các rễ thần kinh.

Hiện tượng trên gọi là thoát vị đĩa đệm. Theo nhiều nghiên cứu của giới y khoa, thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân chủ yếu chiếm tới 80% các trường hợp đau cột sống thắt lưng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thoát vị đĩa đệm như chấn thương, tư thế ngồi không đúng, mang vác nặng, thoái hóa đĩa đệm… Tùy theo vị trí đĩa đệm thoát vị, người bệnh có thể có các triệu chứng khác nhau, chẳng hạn:

Thoát vị đĩa đệm ở vùng cột sống thắt lưng hay gặp nhất, gây đau thắt lưng cấp hay mạn tính, đau thần kinh tọa 1 hay cả 2 bên, đau thần kinh đùi bì; thoát vị đĩa đệm cột sống cổ gây đau cổ, đau vai gáy, đau cánh tay: hội chứng cổ - vai - cánh tay.

Trường hợp nặng, đĩa đệm chèn ép vào tủy sống gây yếu cánh tay, chân hoặc bị hội chứng đuôi ngựa gây liệt chi, bí tiểu tiện…

Có 3 hội chứng đuôi ngựa tùy theo tầng thoát vị đĩa đệm, có các hội chứng khác nhau: Hội chứng đuôi ngựa trên làm liệt ngoại vi toàn bộ ở 2 chân, rối loạn cảm giác 2 chân từ nếp bẹn trở xuống, rối loạn cơ thắt kiểu ngoại vi. Thể này ít gặp vì thoát vị đĩa đệm ở đoạn cao (L1 - L2 và L2 - L3) ít có điều kiện xảy ra;

Hội chứng đuôi ngựa dưới do thoát vị đĩa đệm L5 - S1, có rối loạn cơ thắt kiểu ngoại vi, rối loạn cảm giác vùng đáy chậu, không có liệt hoặc chỉ liệt một số động tác của bàn chân (rễ L5, S1, S2);

Hội chứng đuôi ngựa giữa, thường gặp do thoát vị đĩa đệm L3 - L4 và L4 - L5, làm liệt gấp cẳng chân, liệt các động tác của bàn chân và ngón chân, mất cảm giác toàn bộ ngón chân, toàn bộ cẳng chân, bàn chân, mặt sau đùi, mông và rối loạn cơ thắt kiểu ngoại vi.

ĐIỀU TRỊ KHÔNG ĐƠN GIẢN

Bác sĩ Võ Văn Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Trước đây bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng phải chuyển lên tuyến trên điều trị, vì để điều trị bệnh này đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của thiết bị y tế hiện đại để chẩn đoán chính xác vị trí và mức độ của bệnh.

Nhờ kết quả hình ảnh của máy chụp cộng hưởng từ (MRI) được bệnh viện mới đưa vào sử dụng, giúp bác sĩ chẩn đoán tốt các bệnh lý về thần kinh, sọ não, cột sống, bệnh lý về cơ, xương, khớp…, đặc biệt là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Từ giữa tháng 4, bệnh viện đã chính thức nhận phẫu thuật cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm, sau nửa tháng đã phẫu thuật 3 trường hợp”.

Bệnh nhân được phẫu thuật đầu tiên là anh Mai Văn Huấn, sinh năm 1971, ngụ ấp Hòa Thinh, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy. Anh Huấn nhập viện trong tình trạng đau dữ dội vùng thắt lưng, không đi đứng được, bí tiểu và được chẩn đoán bị hội chứng chùm đuôi ngựa. Kết quả chụp MRI phát hiện anh Huấn bị thoát vị đĩa đệm ở đốt sống thắt lưng L4-L5, bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu. Sau phẫu thuật, anh Huấn đã bình phục.

Anh Nguyễn Văn Lữ, ngụ ấp Tân Thuận, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo là bệnh nhân thoát vị đĩa đệm thứ 2 được Bệnh viện Đa khoa tỉnh phẫu thuật điều trị. Anh Lữ chia sẻ: “Tôi mừng quá, đi đứng được rồi. Hôm nhập viện, tôi bị đau dữ dội vùng cột sống thắt lưng lan xuống chân, không đi được. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị thoát vị đĩa đệm L3-L4 và L4-L5”.

Theo Bác sĩ Nguyễn Quốc Việt, Phó Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, người trực tiếp phẫu thuật cho các bệnh nhân trên, việc phẫu thuật thoát vị đĩa đệm đòi hỏi sự hỗ trợ của thiết bị hiện đại. Việc tiếp nhận điều trị của bệnh viện tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng. Trung bình chi phí điều trị 1 ca thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng của bệnh viện tỉnh chỉ tốn khoảng 5 triệu đồng, trong khi nếu điều trị ở bệnh viện tuyến trên bệnh nhân phải tốn gấp 4 - 5 lần.

Bác sĩ Việt cho biết, điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm phải mất nhiều thời gian và bệnh rất dễ tái phát sau điều trị. Do đó, để phòng bệnh, mọi người cần rèn luyện để có được cơ thể khỏe mạnh và đặc biệt là 1 cột sống vững chắc ngay từ tuổi trẻ bằng chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý; giữ gìn tư thế cột sống đúng trong lao động, học tập cũng như sinh hoạt hàng ngày; tránh cúi người khiêng vác vật nặng; tránh mọi chấn thương cho cột sống.

Thủy Hà
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 370
  • Khách viếng thăm: 368
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 67653
  • Tháng hiện tại: 1709066
  • Tổng lượt truy cập: 48083193