Chạy thận nhân tạo: Cung chưa đáp ứng cầu

Đăng lúc: Thứ năm - 09/10/2014 09:00
Những năm gần đây, bệnh nhân suy thận mãn ngày càng xuất hiện nhiều, kéo theo nhu cầu chạy thận nhân tạo ngày càng lớn. Trong khi đó khả năng đáp ứng của các cơ sở y tế có giới hạn. Đây là cái khó của người thầy thuốc và là nỗi lo của bệnh nhân.

TẠI SAO PHẢI CHẠY THẬN?

Thận làm nhiệm vụ lọc máu và chất lỏng trong cơ thể. Trong quá trình làm việc, thận giúp đào thải các chất độc và nước qua đường tiết niệu, cân bằng môi trường axit/kiềm. Ngoài ra, thận còn có thể sinh ra một số loại hormon có ích cho cơ thể, trong đó có hormon erythorpoietin giúp hình thành nên các tế bào máu. Điều này có nghĩa là, khi thận không khỏe mạnh sẽ kéo theo sự suy yếu của sức khỏe con người.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo đang có chiều hướng trẻ hóa.
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo đang có chiều hướng trẻ hóa.

Để duy trì sự sống cho bệnh nhân suy thận mãn tính giai đoạn cuối (khả năng lọc của thận còn dưới 10%), có 3 giải pháp được bác sĩ đề xuất là: Ghép thận, lọc màng bụng và chạy thận nhân tạo. Theo Bác sĩ Lê Thanh Bình, Trưởng khoa Cấp cứu - Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và hạn chế riêng.

Với giải pháp phẫu thuật thay thận, bệnh nhân sẽ có cuộc sống như người bình thường; tuy nhiên cái khó của giải pháp này là chi phí rất cao, khoảng 1 tỷ đồng cho việc ghép thận và bệnh nhân phải uống thuốc chống thảy ghép mỗi ngày với chi phí không rẻ.

Với phương pháp lọc màng bụng, bệnh nhân có thể tự lọc tại nhà, chỉ cần đến bệnh viện mỗi tháng 1 lần, nhưng phương pháp này có nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Với phương pháp chạy thận nhân tạo, cách 1 ngày bệnh nhân phải đến bệnh viện 1 lần và mỗi lần mất thời gian khoảng 4 giờ. So về ưu điểm và nhược điểm của 3 phương pháp trên, chạy thận nhân tạo là giải pháp được chọn lựa phổ biến nhất hiện nay.

NHU CẦU LỚN

Bệnh suy thận diễn biến rất âm thầm, khó nhận biết nếu như người bệnh không khám sức khỏe và có những xét nghiệm cơ bản về huyết học, tiết niệu định kỳ. Do đó, bệnh nhân suy thận thường được phát hiện muộn khi đã có biểu hiện như ăn không ngon, mệt bất thường, đi tiểu nhiều, uống nhiều nước, tiểu khó, tiểu máu, tiểu đục, đau bụng, đau dọc theo vùng cột sống thắt lưng, cao huyết áp, phù nề hay bị chuột rút...

Hiện tại, toàn tỉnh có 61 máy chạy thận nhân tạo, trong đó Bệnh viện 120 có 35 máy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh 15 máy và Khu khám bệnh chất lượng cao của bệnh viện này có 11 máy… Bệnh viện 120 và Khu khám bệnh chất lượng cao Bệnh viện Đa khoa tỉnh máy hoạt động 3 ca mỗi ngày.

Riêng Khoa Cấp cứu - Thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh phải hoạt động liên tục 4 ca mỗi ngày, bắt đầu từ 4 giờ và kết thúc lúc 22 giờ 30 phút. Dù các bệnh viện đã rất nỗ lực nhưng cũng chỉ đáp ứng được cho khoảng 420 bệnh nhân.

Toàn tỉnh vẫn còn lại khoảng 400 bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn cuối có nhu cầu chạy thận nhân tạo, nhưng các bệnh viện trong tỉnh không đáp ứng được do không đủ thiết bị. Đây là điều hết sức ray rứt lương tâm của người thầy thuốc, vì chính họ biết rằng, chỉ cần ngưng chạy thận 1 đến 2 lần thì bệnh nhân sẽ chết. Đối với bệnh nhân và gia đình họ, đây là nỗi khổ tâm và là gánh nặng kinh tế khủng khiếp.

Nhiều bệnh nhân do không thể chạy thận ở tỉnh nên phải lên TP. Hồ Chí Minh chạy thận. Chị L.M, 38 tuổi, nhà ở huyện Chợ Gạo cho biết, mười mấy năm qua, cứ mỗi tuần 3 lần chị phải đi xe đò lên Bệnh viện Chợ Rẫy chạy thận. Trừ chi phí bảo hiểm y tế thanh toán, mỗi tháng chị đóng cho bệnh viện hơn 6 triệu đồng, đó là chưa kể tiền xe.

Các bệnh viện công lập ở TP. Hồ Chí Minh cũng quá tải, người may mắn thì được chạy thận trong bệnh viện, người không được chạy thận trong bệnh viện thì phải đến các cơ sở điều trị tư nhân chạy thận với chi phí quá lớn và họ đã đành bó tay chịu chết vì nhà nghèo, không thể kham nổi.

Được biết, khi bệnh suy thận được phát hiện ở giai đoạn đầu, bệnh nhân sẽ được điều trị bảo tồn thận với chi phí thấp hơn rất nhiều so với chi phí chạy thận nhân tạo. Nếu bệnh được phát hiện và điều trị sớm thì phải 5 - 10 năm sau bệnh nhân mới phải chạy thận, trong khi nếu bệnh không được phát hiện và điều trị sớm thì sẽ chuyển nặng rất nhanh.

KHÓ ĐÁP ỨNG

Nhu cầu của bệnh nhân chạy thận nhân tạo hiện tại còn rất lớn, nhưng để giải quyết nhu cầu này, cơ sở điều trị gặp “khó đủ thứ”, trong đó khó khăn nhất là tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Hiện tại về nhân lực, Khu thận nhân tạo của bệnh viện có 15 máy, hoạt động 4 ca/ngày, phục vụ 140 bệnh nhân, nhưng chỉ có 2 bác sĩ kiêm nhiệm, trong khi đó quy định của ngành là phải có 1 bác sĩ chuyên trách phụ trách 40 bệnh nhân. Vì phục vụ lượng bệnh nhân quá lớn, máy hoạt động liên tục, không có thời gian bảo dưỡng nên máy móc hư hỏng thường xuyên.

Về kinh phí hoạt động, bệnh viện đang phải bù lỗ một số tiền rất lớn để duy trì hoạt động của khu thận nhân tạo. Bởi vì chi phí thật của 1 lần chạy thận khoảng 600.000 đồng, trong khi bảo hiểm y tế chỉ thanh toán với mức giá 460.000 đồng.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh không được phép thu thêm phí đối với người chạy thận như những bệnh viện khác (thu từ 150.000 đồng đến 170.000 đồng/lần) để bù vào khoản chênh lệch giữa chi phí thật và giá của bảo hiểm y tế. Cho nên bình quân mỗi ngày bệnh viện phải bù chi phí hoạt động cho Khu thận nhân tạo khoảng 8,4 triệu đồng.

Do hoạt động lỗ nên bệnh viện không thể bỏ ra một khoản chi phí lớn (trên 400 triệu đồng/máy) để đầu tư thêm máy lọc thận phục vụ bệnh nhân. Do đó, việc giải quyết nhu cầu của bệnh nhân chạy thận nhân tạo là rất khó khăn nếu như những khó khăn trên của bệnh viện không được giải quyết.

Thủy Hà
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 412
  • Khách viếng thăm: 410
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 8651
  • Tháng hiện tại: 1874430
  • Tổng lượt truy cập: 48248557