Cảnh giác với cao huyết áp ở trẻ em

Đăng lúc: Thứ hai - 24/08/2015 07:48
Tăng huyết áp là một bệnh rất thường gặp ở người lớn, nhưng cũng có thể xảy ra ở trẻ em. Hiện nay, tăng huyết áp ở trẻ em ngày càng gia tăng cùng với chiều hướng gia tăng bệnh béo phì (một số khảo sát cho kết quả khoảng 5 - 10% trẻ béo phì có tăng huyết áp). Bác sĩ chuyên khoa II Trần Xuân Mai, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho biết:

Có 3 nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát thường gặp ở trẻ em: Bệnh nhu mô thận, bệnh mạch máu thận và hẹp eo động mạch chủ. Tuổi càng nhỏ bệnh tăng huyết áp càng nặng và có nguyên nhân rõ ràng, giải quyết nguyên nhân thường đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả, tránh được các tai biến do tăng huyết áp gây ra và bệnh có thể khỏi hoàn toàn.

Riêng tăng huyết áp nguyên phát có thể do nhiều yếu tố như: Bệnh thận hoặc di truyền, béo phì, chế độ ăn, stress. Ở trẻ béo phì, chậm tăng trưởng, nhiễm trùng tiểu tái phát, tiểu máu, bệnh thận bẩm sinh hoặc tiền sử gia đình có người bệnh thận bẩm sinh nên nghĩ đến chứng tăng huyết áp, theo dõi huyết áp để phát hiện và điều trị sớm tình trạng tăng huyết áp nếu có.

* PV: Phương pháp điều trị bệnh tăng huyết áp ở trẻ em như thế nào?

* BS.CKII Trần Xuân Mai: Đối với những trẻ bị tăng huyết áp thứ phát, chỉ cần điều trị dứt nguyên nhân thì bệnh sẽ khỏi. Đối với tăng huyết áp nguyên phát ở trẻ em thì không cần dùng thuốc. Biện pháp điều trị hiệu quả là duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý, không để trẻ thừa cân - béo phì. Chỉ số khối cơ thể BMI (BMI = cân nặng (kg)/chiều cao x chiều cao (m) nên từ 20 - 25. Giảm cân, duy trì cân nặng ở mức trung bình sẽ giảm rất đáng kể tăng huyết áp hoặc nguy cơ tăng huyết áp ở trẻ em.

* PV: Bác sĩ có lời khuyên gì đối với những bậc cha mẹ đang nuôi con nhỏ?

* BS.CKII Trần Xuân Mai: Các bậc cha mẹ cần lưu ý 3 vấn đề sau để chăm sóc tốt sức khỏe con em, đặc biệt là phòng ngừa nguy cơ bệnh tăng huyết áp ở trẻ:

Chế độ ăn: Trẻ em rất thích ăn các thức ăn có vị ngọt, mặn, các loại thức ăn nhanh. Đây là những thức ăn giàu mỡ, muối, đường, nếu sử dụng lâu dài sẽ làm tăng nguy cơ bệnh tăng huyết áp. Vì vậy nên hạn chế cho trẻ ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn, nhiều mỡ, muối. Lượng muối ăn hàng ngày của trẻ nên hạn chế, chỉ khoảng 1,5g là vừa. Tăng cường cho trẻ ăn thực phẩm giàu chất xơ, tươi sống như rau xanh, quả chín...

Tăng cường hoạt động thể chất: Ở trẻ béo phì, nguy cơ tăng huyết áp rất cao. Những trẻ này thích ăn nhiều - đặc biệt là thức ăn nhanh, nghiện xem ti vi, chơi game, lười hoạt động thể lực. Để giảm cân, ổn định huyết áp, cần cho trẻ tăng cường hoạt động thể lực đều đặn 30 - 60 phút/ngày với nhiều hình thức như tập thể dục, chơi thể thao, sinh hoạt ngoài trời, hạn chế chơi game, xem tivi vì trẻ em chơi game, xem tivi trên 2 giờ/lần cũng làm tăng nguy cơ tăng huyết áp.

Giảm stress: Ngoài tác động về ăn uống, thể chất, stress cũng là nguyên nhân tiềm ẩn của tăng huyết áp như: Gia đình không hạnh phúc, thần kinh căng thẳng, tinh thần bị tổn thương, luôn sống trong sợ hãi… Vì vậy, cần tạo cho trẻ môi trường sống thân thiện, vui vẻ, yêu thương và tôn trọng lẫn nhau; giảm áp lực học tập, cho trẻ học và chơi phù hợp với độ tuổi.

* PV: Đối với trẻ bình thường thì tập thể dục bao nhiêu là đủ, thưa bác sĩ?

* BS.CKII Trần Xuân Mai: Việc tập thể dục mang lại sức khỏe tốt, tính kiên trì nhẫn nại cao, xương chắc khỏe, giúp giảm được bệnh mỡ trong máu và bệnh huyết áp. Tuy nhiên, những trẻ có cân nặng bình thường mà tập theo chế độ của trẻ béo phì thì không mang lại kết quả trên. Chúng ta không thể áp đặt cho trẻ tập thể dục hoặc tham gia các hoạt động thể chất. Có thể chúng ta nghĩ như vậy là tốt cho trẻ, nhưng với con trẻ chưa chắc đã là tốt.

Trẻ nhỏ vận động nhiều hơn người lớn, vì thế không nên ép trẻ tập thể dục liền mạch 30 phút. Đừng nên bắt ép trẻ phải tập bài này hay bài khác chỉ để tránh cho trẻ bị bệnh béo phì. Đừng nên biến trẻ thành cái máy tập, trẻ sẽ có cảm giác sợ tập thể dục và coi đó là sự tù túng.

Có nhiều cha mẹ khuyên con cái nên tham gia các hoạt động thể chất như đi bộ, đi xe đạp hoặc đi bơi. Thực ra, trẻ vận động khác người lớn. Chưa có một tài liệu nào chứng minh rằng những vận động thể chất ở người lớn thì tốt cho trẻ. Vì thế, các bậc cha mẹ nên để cho trẻ tự lựa chọn hình thức vận động phù hợp với thể lực và niềm yêu thích của trẻ. Đừng nên suy nghĩ rằng bài tập này tốt và ép trẻ làm theo khi mà bản thân trẻ không muốn. Hãy cứ để trẻ tự vận động theo cách mà trẻ muốn.

* PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

Mai Hà
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 420
  • Khách viếng thăm: 414
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 64928
  • Tháng hiện tại: 2229588
  • Tổng lượt truy cập: 46196821