BS. Lê Đăng Ngạn, PGĐ TTYTDP tỉnh: Không hoang mang, cũng đừng chủ quan với sởi

Đăng lúc: Thứ sáu - 02/05/2014 23:28
Bệnh sởi bùng phát ở nhiều tỉnh, thành và đã có một số trường hợp tử vong khiến người dân lo ngại. Tại Tiền Giang, số bệnh nhân mắc sởi không nhiều. Tuy nhiên, sự quay trở lại của bệnh sởi là điều đáng quan tâm. Nữ là đối tượng mắc sởi nhiều nhất.

CẦN TIÊM NGỪA ĐỦ MŨI

Thông tin từ Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 97 ca sốt phát ban, trong đó kết quả xét nghiệm huyết thanh có 27 ca dương tính với sởi, không ghi nhận trường hợp nào có biến chứng nặng và không có tử vong.

Theo bác sĩ Lê Đăng Ngạn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, sở dĩ số lượng người mắc sởi của tỉnh không cao so với nhiều địa phương khác là nhờ thực hiện tốt công tác tiêm chủng. Tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng sởi qua các năm của tỉnh luôn đạt từ 96 - 99,6%. Hiện tỉnh đang tổ chức tiêm vét vắc xin sởi đối với trẻ em từ 10 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi. Toàn tỉnh có 5.037 trẻ em thuộc diện phải tiêm vét vắc xin sởi, trong đó 2.395 trẻ cần tiêm mũi 1 và 2.642 trẻ cần tiêm nhắc mũi 2.

Tỉnh tổ chức 2 đợt tiêm vét đồng thời với đợt tiêm chủng mở rộng của tỉnh (từ ngày 25 đến 30) trong tháng 3 và tháng 4-2014. Kết quả, trong đợt tháng 3 đã tiêm được 44,55% đối tượng tiêm mũi 1 và 47,16% đối tượng tiêm mũi 2. Còn 3 huyện là Tân Phước, Tân Phú Đông và Châu Thành chưa tổ chức tiêm vét đầy đủ tại các xã trong tháng 3. Dự kiến trong đợt tiêm chủng tháng 4 sẽ đảm bảo tiêm vắc xin sởi cho trên 90% đối tượng trẻ cần được tiêm vét.

Về tiền sử tiêm ngừa vắc xin sởi, có 3 trẻ chưa đến tuổi tiêm ngừa sởi, 17 trường hợp chưa tiêm ngừa, 5 trường hợp tiêm ngừa 1 mũi và chỉ có 1 trường hợp tiêm ngừa đủ 2 mũi. Như vậy, có thể khẳng định, tiêm ngừa đủ mũi là giải pháp tối ưu để ngăn ngừa sởi.

Tuy nhiên, tình hình bệnh sởi tại Tiền Giang có những đặc điểm khác biệt so với cả nước. Cụ thể, theo phân tích độ tuổi, có 11 trong tổng số 27 ca bệnh sởi ở Tiền Giang là người lớn, trong khi trên toàn quốc 80% người mắc sởi là trẻ em dưới 4 tuổi.

Bác sĩ Võ Thành Nhơn, Trưởng khoa Nhiễm - Bệnh viện Đa khoa tỉnh lưu ý thêm, nữ là đối tượng chiếm đa số trong các trường hợp sốt phát ban cũng như mắc sởi tại Tiền Giang hiện nay.

SẴN SÀNG ỨNG PHÓ

Bác sĩ Hoàng Thọ Mẫn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, bệnh viện đã có công văn chỉ đạo các khoa, phòng chuẩn bị việc khám, phân luồng điều trị, chuẩn bị phòng cách ly và các phương tiện, thuốc men, hóa chất để chăm sóc và điều trị tốt cho bệnh nhân.

Đặc biệt, tại Khoa Nhi và Khoa Nhiễm đều có phòng cách ly, các bệnh nhân sốt phát ban hoặc nghi ngờ sởi đều được bố trì nằm điều trị tại khu vực này để tránh lây chéo cho các bệnh nhân khác.

Bệnh viện cũng có đủ vitamin A 200.000 đơn vị để dự phòng biến chứng do thiếu vitamin A cho bệnh nhân sởi. Bệnh viện cũng đã áp dụng phác đồ điều trị sởi do Bộ Y tế ban hành.

Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy, công tác điều trị bệnh sởi cũng được bệnh viện chuẩn bị tốt. Bệnh viện có phòng cách ly tại Khoa Nhiễm, các bệnh nhân sốt phát ban được chuyển đến nằm điều trị tại đây. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã khám và điều trị khỏi cho 15 trường hợp bệnh sởi lâm sàng, trong đó có 10 ca là dân của địa phương khác.

Bệnh viện Đa khoa huyện Cái Bè cũng tổ chức tốt việc bố trí phòng cách ly, thuốc, phương tiện cho việc điều trị sởi cũng như các bệnh truyền nhiễm khác. Đến thời điểm này, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị 10 ca sốt phát ban, các bệnh nhân này được cách ly điều trị và xuất viện ổn.

Dự báo về tình hình bệnh sởi trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, bác sĩ Lê Đăng Ngạn cho rằng: “Trong một vài tháng tới, bệnh sởi vẫn có thể tiếp tục xảy ra rải rác hoặc thành dịch trên quy mô nhỏ và vừa tại một số địa phương, đặc biệt là những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp vào những năm trước đây và những vùng có biến động dân cư cao. Bệnh chủ yếu xảy ra ở nhóm đối tượng dưới 10 tuổi chưa được tiêm vắc xin sởi hoặc tiêm chưa đủ mũi”.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Linh, Phó Giám đốc Sở Y tế khẳng định, đến thời điểm này tình hình bệnh sởi trên địa bàn tỉnh vẫn nằm trong khả năng kiểm soát của ngành. Bệnh xuất hiện rải rác tại các địa phương và chưa xuất hiện ổ dịch. Song song với công tác chủ động phòng dịch, hệ điều trị của ngành cũng đã chuẩn bị cơ sở vật chất, thuốc và nhân lực để sẵn sàng điều trị khi có bệnh nhân sởi. Do đó, với tình hình bệnh sởi diễn biến phức tạp như hiện nay, chúng ta không hoang mang, cũng đừng chủ quan.

Thủy Hà
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

BS. Lê Đăng Ngạn

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 249
  • Khách viếng thăm: 248
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 33228
  • Tháng hiện tại: 2265778
  • Tổng lượt truy cập: 46233011