Xây dựng NTM: Những kết quả bước đầu & khó khăn, vướng mắc

Đăng lúc: Thứ năm - 04/09/2014 07:53
Tiền Giang đã và đang cùng với cả nước khẩn trương xây dựng nông thôn mới (NTM), phấn đấu đến cuối năm 2015 có ít nhất 11 xã điểm đạt 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM; 19 xã đạt 15/19 tiêu chí; các xã còn lại đạt trên 10 tiêu chí, khiến cho phong trào ngày càng trở nên sôi nổi hơn. 

NHỮNG KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU

Sau hơn 3 năm thực hiện xây dựng NTM từ mọi nguồn lực xã hội: điện, đường, trường, trạm, chợ nông thôn, nhà văn hóa... đều được đầu tư thỏa đáng, bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi mới, đồng loạt 139 xã trên toàn tỉnh đạt từ 4 - 15 tiêu chí và thực hiện xây dựng NTM với chủ trương làm đến đâu dứt điểm đến đó để phát huy hiệu quả đầu tư.

Tính đến nay, xã Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho) cơ bản đạt 17/19 tiêu chí; xã Tân Thanh (huyện Cái Bè) đạt 15 tiêu chí; 11 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 94 xã đạt từ 6 - 9 tiêu chí; 32 xã đạt dưới 6 tiêu chí.

Từ năm 2011 - 2013, tỉnh đã bố trí khoảng 1.564 tỷ đồng để xây dựng NTM (gồm các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu Quốc gia, vốn cân đối ngân sách địa phương, vốn từ xổ số kiến thiết…); trong đó tập trung chủ yếu cho 11 xã điểm và 19 xã diện. Bộ mặt xã hội có nhiều thay đổi, nhiều người dân cũng rất phấn khởi trước sự thay đổi từng ngày trên quê hương từ khi tiến hành xây dựng NTM.

Ông Đỗ Thành Đức, xã Tân Thanh, huyện Cái Bè phấn khởi cho biết: “Từ khi phát động xây dựng NTM, tôi thấy bộ mặt nông thôn đã có sự thay đổi rõ rệt, giao thông được đầu tư đúng mức, trường học đảm bảo nhu cầu học tập của học sinh, các dự án, chương trình cũng được quan tâm đầu tư thỏa đáng, từng bước mang lại lợi ít thiết thực cho nhân dân...”.

Sản xuất đã có bước phát triển nhưng giá cả còn bấp bênh, chất lượng chưa cao.
Sản xuất đã có bước phát triển nhưng giá cả còn bấp bênh, chất lượng chưa cao.

Theo ban chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh thì tiêu chí giao thông đang trên đà phát triển thuận lợi nhất, mặc dù chưa đạt kết quả cao nhưng được sự hưởng ứng nhiệt liệt của nhân dân. Nhiều người dân đứng ra làm tuyên truyền viên vận động bà con mạnh dạn hiến đất, di dời hàng rào, góp ngày công lao động, tạo nên những con đường khang trang, sạch đẹp để phát triển kinh tế.

Từ đó, xuất hiện nhiều công trình mang dấu ấn tập thể, mang nét đẹp chung của cả cộng đồng. Bởi họ ý thức được rằng, giao thông phát triển sẽ làm nên một diện mạo mới cho xã hội, xóa bỏ cảnh lầy lội ở vùng quê, mở ra hướng phát triển mới gắn liền với những tuyến đường liên xã, liên huyện, là cầu nối thông thương giữa các tỉnh với nhau.

Ông Nguyễn Hữu Phước, xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây phấn khởi cho biết: “Đường đi tới đâu tôi sẵn sàng hiến đất tới đó. Đây là những con đường của nhân dân, phục vụ nhu cầu đi lại của bà con và sự phát triển chung của tỉnh nhà.

Nhiều hộ gia đình chưa đồng thuận trong việc đóng góp đất để xây dựng các công trình, tôi sẵn sàng vận động, giải thích ý nghĩa, tác dụng của từng công trình. Nếu 1 ngày vận động không được thì 2 ngày, mình không được nản chí. Chính điều đó đã giúp tôi thành công với công việc tuyên truyền xây dựng NTM trong thời gian qua”.

NHỮNG KHÓ KHĂN, HẠN CHẾ

Có thể nói, kết quả đạt được bước đầu của việc xây dựng NTM đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nhìn chung tiến độ thực hiện còn khá chậm, phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc trong đẩy nhanh tiến độ nâng chất các tiêu chí xây dựng NTM.

Thực tế cũng phải nhìn nhận rằng, các khó khăn, hạn chế trong xây dựng NTM ở các xã điểm, xã diện có nguyên nhân không nhỏ từ chính quyền cơ sở. Đó là trông chờ vào nguồn lực đầu tư từ cấp trên; chưa khơi dậy và phát huy hết nguồn lực nội tại...

Việc xây dựng, tổ chức các mô hình sản xuất theo cộng đồng còn nhiều khó khăn; việc triển khai thực hiện các tiêu chí chưa đồng bộ; chưa khơi dậy nhận thức, nội lực, tiềm năng của địa phương, cộng đồng dân cư. Các địa phương tuy có kế hoạch cụ thể cho từng cán bộ phụ trách từng tiêu chí nhưng thiếu kiểm tra, đôn đốc; còn trông chờ vào nguồn vốn Nhà nước…

Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh cho biết: “Một số cán bộ phụ trách xây dựng NTM của địa phương còn chưa chủ động, chưa ý thức được vai trò, tác dụng của việc xây dựng NTM.

Khi tiến hành xây dựng NTM gặp những tiêu chí cần nhiều nguồn vốn thì lơ là, nản chí khi chưa vận động được nguồn kinh phí. Từ đó, dẫn đến kết quả trong xây dựng NTM của một số địa phương chưa phát huy được hiệu quả, tiến độ thi công thực hiện các công trình, tiêu chí còn chậm…”.

Bên cạnh đó, theo Ban chỉ đạo xây dựng NTM thì nhiều cán bộ địa phương khi thực hiện xây dựng NTM, do trình độ hạn chế nên chưa năng động trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn làm đồ án quy hoạch. Nhiều xã chưa thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xây dựng khu dân cư mới, chưa huy động được nguồn vốn tín dụng, chưa phát huy nội lực của cơ sở về tạo nguồn vốn xây dựng NTM. Có nơi chưa có cán bộ chuyên trách để tổng hợp, đề xuất về lĩnh vực xây dựng NTM...

Nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng các công trình giao thông nông thôn.
Nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng các công trình giao thông nông thôn.

Đặc biệt hiện nay, công tác xây dựng NTM tại các địa phương trong tỉnh đang gặp khó khăn chung là các tiêu chí cần sự đầu tư về nguồn vốn như: Tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa; tiêu chí về chợ nông thôn… Khó khăn nổi trội đang gặp hiện nay là ở tiêu chí số 10 “Nâng cao thu nhập cho nông dân”.

Sản xuất đã có bước phát triển, song vẫn còn bấp bênh, mức thu nhập của nông dân chưa có bước phát triển đáng kể, sản phẩm do nông dân làm ra chưa cải thiện được chất lượng, giá cả nông sản còn bấp bênh, bị tiểu thương ép giá hoặc không cạnh tranh nổi với các nông sản cùng loại.

Ông Nguyễn Ngọc Điệp, cho biết thêm: “Để tháo gỡ khó khăn trong tiêu chí này, Ban chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh sẽ cố gắng tìm đầu ra cho từng loại nông sản, xây dựng những mô hình hay, những cách làm sáng tạo, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng.

Từ đó sẽ hình thành nên những vùng chuyên canh khác nhau và xây dựng từng loại sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP để có thể bao tiêu, xuất khẩu ra thị trường nước ngoài; đồng thời hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn kết hợp với giới thiệu việc làm sau khi đào tạo. Đẩy mạnh phát triển các làng nghề và khôi phục làng nghề truyền thống, qua đó tạo việc làm cho người lao động”.

Với những kết quả đạt được trong thời gian qua phần nào cho thấy chủ trương xây dựng NTM của Đảng và Nhà nước được sự đồng tình từ trong nội bộ cấp ủy Đảng đến tận đảng viên, từ các cấp hội đến từng người dân.

Ở từng địa phương tuy còn có những khó khăn khác nhau, nhưng với tinh thần trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, nhất định thời gian tới bộ mặt nông thôn của tỉnh sẽ có nhiều đổi thay đáng kể.

Văn Minh
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 435
  • Khách viếng thăm: 433
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 25586
  • Tháng hiện tại: 1891365
  • Tổng lượt truy cập: 48265492