Triển vọng cây cam sành Mỹ lợi A

Đăng lúc: Thứ tư - 07/07/2010 09:31
Có thể nói chưa năm nào người trồng cam sành xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè lại phấn khởi như năm nay vì trúng mùa, trúng giá. Một hecta trồng cam sành cho lợi nhuận trên 100 triệu đồng một năm, cao gấp nhiều lần so với lúa. Lãnh đạo địa phương đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ nông dân sản xuất cam sành theo tiêu chí đạt hiệu quả cao và bền vững hơn.

Toàn xã Mỹ Lợi A hiện có 1.200 hecta trồng cam sành. Hai ấp Lợi Tường và Lợi Nhơn là nơi trồng đầu tiên và hiện chiếm phần lớn diện tích trồng cam sành của toàn xã. Phần lớn các vườn cam sành ở xã Mỹ Lợi A đều có tiền thân là đất sản xuất lúa, thế nhưng, xã Mỹ Lợi A là một trong những vùng đất thường xuyên bị ngập lũ của huyện Cái Bè nên 10 năm trước nông dân ở đây sản xuất lúa rất bấp bênh, đời sống người dân gặp gặp nhiều khó khăn, do lợi nhuận từ cây lúa không cao.

Ban đầu chỉ có vài hộ nông dân nhạy bén chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng cam sành. Qua sản xuất thực tế, cam sành thích hợp với thổ nhưỡng và phát triển tốt, giá bán cam sành những năm đầu mặc dù chưa cao ngất ngưởng như bây giờ, nhưng cũng ở mức cao so với các loại trái cây khác nên sau khi trừ đi chi phí, nông dân có nguồn thu nhập ổn định. Triển vọng này đã kích thích nông dân mở rộng diện tích trồng cam sành trên vùng đất ngập lũ này và nhờ đó, cuộc sống của bà con cũng ổn định hơn.

Ông Ngô Văn Bé Em, ấp Lợi Tường chỉ có 3 công đất sản xuất lúa, nhưng gia đình ông lại có đến 8 nhân khẩu. Mỗi năm, ông Em thu được từ ruộng lúa vài chục triệu đồng, nhưng chi phí sản xuất lúa lại cao, nên sau khi trừ đi chi phí có năm huề vốn. Cuộc sống gia đình ông thuộc diện hộ nghèo. Năm 2000, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, ông Em mạnh dạn chuyển toàn bộ đất trồng lúa của gia đình sang trồng cam sành. Những năm đầu, ông Em cũng rất lúng túng trong việc chăm sóc và phòng trừ dịch hại cho cam. Không nản lòng, ông tích cực tìm tòi, học hỏi, tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, nên vài năm sau vườn cam của ông trở thành vườn cây kiểu mẫu để bà con trong vùng đến học tập và chia sẻ kinh nghiệm trồng cam sành. Mỗi một công đất trồng cam sành, ông Em thu được không dưới 20 triệu đồng/năm. Từ lợi nhuận tích lũy được từ cam sành, ông Em hiện mở rộng diện tích lên 3 ha và vừa qua ông vinh dự được nhận giải thưởng "Nhà vườn sáng tạo" trong khuôn khổ Festival trái cây Việt Nam lần thứ nhất - năm 2010 tại Tiền Giang.

Cam sành là cây trồng mới trên vùng đất Mỹ Lợi A và lúc đầu được nông dân trồng một cách tự phát, thế nhưng, từ hiệu quả kinh tế rõ rệt đạt được mỗi năm một cao hơn, lãnh đạo địa phương đã đưa cây cam sành vào cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở thế chủ lực. Xã Mỹ Lợi A đã hoàn thành đê bao khép kín, kiện toàn hệ thống thủy lợi,... tạo kiều kiện thuận lợi cho nhà vườn phát triển cây cam sành, đồng thời thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ về vốn, về khoa học kỹ thuật,... để nông dân thuận lợi hơn trong sản xuất và sản xuất đạt năng suất, chất lượng cao hơn. Ông Lê Văn Thơm, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lợi A cho biết: "Xã đang nỗ lực tìm đầu ra để trái cam sành Mỹ Lợi A tiêu thụ dễ dàng hơn. Hiện Tổ hợp tác cam sành Mỹ Lợi A tuy còn non trẻ, nhưng cũng góp sức rất nhiều về tiêu thụ trái cam sành cho địa phương!".

Đặc biệt, Festival trái cây Việt Nam lần thứ nhất vừa qua đã mở ra triển vọng mới cho trái cam sành Mỹ lợi A. Ông Lê Văn Thơm cho biết: "Trong một tuần diễn ra lễ hội, Tổ hợp tác cam sành Mỹ Lợi A bán được trên 3 tấn cam sành, vượt 50% so với dự kiến ban đầu. Sau lễ hội, rất nhiều thương lái đến vùng cam sành Mỹ Lợi A mua cam với giá cao. Hiện tại, nhà vườn bán cam sành 22.000 đồng/kg, tăng thêm 2.000 đồng/kg so với tháng trước". Theo nhận định của thương lái, giá bán cam sành vẫn còn tăng cao trong điều kiện thời tiết nắng gắt, nhiệt độ cao như hiện nay. Còn theo kinh nghiệm của nhà vườn thì giá cam sành sẽ tăng rất cao ở thời điểm tháng 5 và tháng 6 âm lịch, vì lúc này phần lớn các vườn cam đã kết thúc mùa sản xuất trái vụ. Đây chính là động lực để nông dân đầu tư công sức và tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật để sản xuất ra những trái cam sành ngon nhất phục vụ người tiêu dùng.

Sản xuất có định hướng, năng suất các vườn cam sành xã Mỹ Lợi A tăng từ 25 tấn/ha/năm của năm 2005 lên trên 30 tấn/ha/năm. Đặc biệt nông dân đang tích cực áp dụng quy trình sản xuất cam sành theo tiêu chuẩn GAP để tiến tới xây dựng thương hiệu cam sành Mỹ Lợi A... Nghị quyết của xã Mỹ Lợi A giai đoạn 2010-2015 xác định cam sành là cây trồng chủ lực trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp địa phương, phấn đấu đến năm 2015, diện tích trồng cam sành xã Mỹ Lợi A sẽ đạt 1.800 hecta. Các vườn cam được xây dựng theo hướng chuyên canh, tạo vùng nguyên liệu lớn và nhà vườn sản xuất theo tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, truy nguyên nguồn gốc để tiến tới xuất khẩu loại trái cây giàu vitamin này.

Kim Nữ
(Theo tiengiang.gov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 453
  • Khách viếng thăm: 451
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 97034
  • Tháng hiện tại: 1962813
  • Tổng lượt truy cập: 48336940