Trằn trọc ngày, đêm trên các sở đáy sông Cầu

Đăng lúc: Thứ bảy - 31/07/2010 14:57
Trằn trọc ngày, đêm trên các sở đáy sông Cầu

Trằn trọc ngày, đêm trên các sở đáy sông Cầu

Công việc và cuộc sống của họ gắn liền với túp lều chơ vơ đóng trên trụ đáy cheo leo cao hàng chục thước cắm giữa biển. Cái sợ lớn nhất của họ là cơn giận dữ của biển khi những cơn bão đổ ập đến. Đây là một vài nét chấm phá trong bức tranh miêu tả nỗi nhọc nhằn của những người đóng đáy (gọi là bạn đáy) sông Cầu ở xã Vàm Láng, huyện Gò Công Đông.

* Nhọc nhằn nghề bạn đáy

4 giờ 30 phút, xách theo cái áo phao cứu hộ của trạm kiểm soát biên phòng Vàm Láng (huyện Gò Công Đông), tôi ra cầu tàu, leo lên chiếc ghe của anh Tý (chủ một sở đáy sông Cầu) nhắm hướng cửa biển tiến thẳng. Đằng sau mui nghe, 6 người bạn đáy với người già nhất là 63 tuổi, trẻ nhất là 19 tuổi, chen chúc nằm gối đầu trên những túi quần áo cá nhân tranh thủ ngủ trong lúc chờ đến hàng đáy. Trước mũi ghe nằm trên đống lưới là những thùng chứa nước ngọt và vài xô đựng gạo, thực phẩm cho bạn đáy trong những ngày sống dưới biển để giữ đáy.

Vừa dõi mắt về phía trước để nhắm hướng lái ghe, anh Tý (31 tuổi) vừa kể chuyện đóng đáy sông Cầu: Nghề đóng đáy sông Cầu ở xã Vàm Láng là nghề cha truyền con nối, đến đời tui là đời thứ ba của dòng họ sống bằng nghề này. 15 tuổi, tui đã biết nhảy xuống ghe theo cha và các anh ra biển đóng đáy. Ông già năm nay đã lớn tuổi nên giao tui quản lý sở đáy với 12 "khẩu đáy" (miệng đáy) này. Tui có 12 bạn đáy phụ thường xuyên với tiền lương 2 triệu đồng/tháng; mỗi tháng ra biển đóng đáy 2 con nước (mỗi con nước kéo dài 12 ngày). Bữa nay đi là đầu con nước nên chúng tôi phải tranh thủ ra sớm để thả lưới. Địa điểm thả lưới sông Cầu nằm ở ngoài cửa biển, cách đất liền gần chục hải lý.

Sau khi chạy được gần một giờ, mặt trời đỏ ối đã bắt đầu ló dạng dưới chân trời thì các bạn đáy đã thức dậy, ăn sáng qua loa bằng những hộp cơm mà anh Tý mua ở cảng cá mang theo, uống vội ngụm nước mưa và kiểm tra lại các tay lưới, dây thừng... Lúc này, trên biển đã sáng rõ mặt người, cho thấy bạn đáy là những người rắn chắc với màu nước da màu đen sạm nắng gió. Bạn đáy phải là người khỏe mạnh, bơi giỏi để có thể chống chọi được với những cơn say sóng và còn phải lặn sâu xuống đáy biển để cắm giềng lưới. Anh Ba Đợt (53 tuổi) rít một hơi thuốc, nói: Tui biết đi đóng đáy từ năm 19 tuổi, trước đây lặn sâu thuộc dạng "siêu" trong đám bạn đáy, nhưng vài năm trở lại đây không còn lặn sâu và dài hơi được nữa vì thấy ù tai, nhức đầu quá! Hầu hết cơ thể và tay chân bạn đáy đều có nhiều vết chai, sẹo vì thường xuyên bị cắt bởi các con hàu, con thôn đeo kín ở các dây chằng, trụ đáy khi thả lưới hoặc kéo lưới.

6 giờ 30 phút, chúng tôi đến sở đáy của anh Tý với những trụ đáy to hơn vòng tay người lớn được cắm chênh chếch xuống biển với dây chằng hai phía. Các sở đáy sông Cầu nằm ở cửa biển giáp ranh giữa ba tỉnh Tiền Giang - TP.Hồ Chí Minh - Bà Rịa Vũng Tàu nên từ phía chòi canh nhìn về phía Vũng Tàu khá rõ. Theo các bạn đáy, từ điểm đóng sở đáy đến Vũng Tàu chỉ còn xa chừng 30 km. Đến nơi, mặc dù được anh em giúp đỡ nhiệt tình, nhưng tôi phải vất vả lắm mới đu dây để leo lên chòi canh nằm trên mặt nước biển hơn chục mét. "May là thời tiết đang vào mùa nam nên biển yên, ông đu dây lên chòi được chứ vào mùa chướng, sóng biển lớn thì phải bỏ vào cần xé rồi kéo lên", bạn đáy Sáu Du đứng ở mũi ghe, nói vọng lên.

 Thật vậy, đối với bạn đáy, việc leo lên chòi và đi lại trên những sợi dây kẽm (gồm 6 sợi kẽm nhỏ xoắn lại) căng dọc theo hàng trụ đáy là đơn giản trong thời gian ban ngày cũng như ban đêm. Mỗi sở đáy có hai chòi canh nằm ở hai đầu trụ đáy được làm kiểu cầu treo khá kiên cố; mỗi chòi đủ chỗ ăn, ngủ cho 3-4 người bạn đáy. Trên chòi có bếp, xoong nồi để nấu ăn. Giữa chòi có treo hai cái võng để bạn đáy nằm ngủ, đặc biệt có các phao cứu sinh bằng mốp xốp phòng ngừa mưa to, sóng lớn làm sập chòi canh.

* Gian nan kiếm sống trên đầu bọt nước

Sau khi chuyển các thứ vật dụng, thực phẩm lên chòi, anh Tý cùng các bạn đáy chạy ghe đến miệng đáy chưa có lưới để xổ lưới đã vá xuống nước rồi leo lên giàn đáy để thả lưới. Mỗi bạn đáy phụ trách 2 miệng nên việc ai nấy làm gồm các khâu kiểm tra miệng lưới, các đục (đuôi lưới cuối đáy), mối dây... rồi thả lưới đang phơi trên giàn xuống nước. Trong khâu thả lưới, cực nhất là lúc dằn miệng đáy phải sát với chân trụ đáy dưới đáy biển vì nếu không, cá tôm sẽ không vào lưới. Vì vậy, trong suốt quá trình thả lưới, các bạn đáy phần lớn đều cởi trần, lặn hụp dưới nước nhiều lần. Sát chòi canh của tôi, anh Sáu Du thả lưới ở miệng đáy thứ hai thì bị rối nên phải kiểm tra lại bằng cách đánh đu lắc lư trên sợi dây kẽm như làm xiếc! Ở những miệng đáy còn lại , anh Ba Đợt, anh Dương, Tùng, Mưa (con anh Sáu Du) cùng các bạn đáy khác đi lại thoăn thoắt trên sợi dây kẽm, thỉnh thoảng lại ùm xuống nước để dằn miệng...

Qua hơn hai giờ vật lộn với sóng biển của thủy triều đang lên, các bạn đáy đã hoàn tất việc thả lưới. Họ leo lên chòi, tắm qua loa bằng vài gáo nước ngọt mang từ đất liền ra rồi bắt tay vào nấu bữa ăn trưa. Bữa cơm đầu tiên thả lưới của con nước, chủ sở đáy chuẩn bị hai con vịt làm sẵn để nấu cháo cúng ở hai đầu sở đáy. Ở chòi có tôi ở, anh Tý vo gạo, nấu cháo rồi dọn ra trên nền chòi kèm theo trái cây, giấy tiền vàng bạc, gạo, muối... để "cúng biển" nhằm cầu cho bắt được nhiều tôm cá (đây là nghi lễ theo phong tục của những người đi biển). Sau khi ăn uống xong, các bạn đáy nằm nghỉ chờ đến 3 giờ chiều nước giật ròng thì xuống kéo lưới "đổ đục" (thu hoạch tôm cá) lần thứ nhất. Anh Tý điều khiển ghe chạy phía sau đuôi sở đáy để các bạn đáy dùng hệ thống ròng rọc kéo "đục" (đuôi đáy) lên ghe rồi tháo dây buộc ở cuối đáy để đổ tôm, cá vào những giỏ (cần xé) để trong lòng ghe. Lưới của các sở đáy sông Cầu chủ yếu để bắt con ruốc là loại tôm nhỏ dùng để làm thức ăn cho tôm, cá sau khi phơi khô. Theo quy ước của chủ sở đáy và bạn đáy là ruốc thuộc về chủ, còn tôm, cá lớn thuộc về bạn đáy. Cách phân chia cũng rất dễ hiểu, tôm cá trong miệng đáy do ai thả lưới thì thuộc về người đó. Trong lần đổ lưới đầu tiên, chủ sở đáy thu được 6 giỏ ruốc, 6 bạn đáy được bắt 7 con cá xương xanh vài kg trở lên, hai rổ ghẹ trứng, tôm tít và vài kg mực có trong lưới. Thế là bữa cơm chiều của các bạn đáy có cá xương xanh nấu chua, kho mặn; ghẹ trứng, tôm tích luộc chấm muối tiêu! Anh Dương (33 tuổi), nói vui trong bữa cơm chiều, "tụi tui ở đây ăn toàn đồ biển tươi như vậy đó! Có bữa gặp nhiều "mồi bén" như cá nâu, cá dứa, cá ngát, cua biển nữa". Thực ra, tôi nhận biết, vì có khách nên các bạn đáy hào phóng như vậy chứ thực tế thì họ đều "thắt lưng buộc bụng", để dành cá, tôm kiếm được (ướp vào thùng đá) mang vào đất liền cho gia đình để vợ con bán kiếm thêm tiền chợ!

Sau bữa cơm chiều, chờ thủy triều lên, các bạn đáy sửa những miệng đáy vào đúng vị trí ngược lại đón lấy con nước lớn và nằm nghỉ chờ đến lúc đổ đục lần thứ hai (sớm nhất là vào 22 giờ). Cách giải trí duy nhất của bạn đáy vào buổi tối trên chòi canh là nghe tin tức từ chiếc radio mang theo, hút thuốc hoặc uống trà. Bên ấm trà dã chiến nấu trong cái ấm đen màu khói củi, anh Sáu Du (45 tuổi) đã có hơn 20 năm trong nghề, trầm ngâm: Nghề bạn đáy là vậy đó, tuy cực nhưng mà vui, làm riết đâm quen, ở nhà ngồi không thấy bứt rứt, khó chịu lắm nên khi lên ghe ra biển là thấy thoải mái! Tuy nhiên, điều mà dân bạn đáy tụi tui ngán nhất là khi bão đến! Nếu chủ sở đáy không cho ghe ra rước bạn vào bờ kịp mà ở lại chòi là coi như khó sống sót nếu như chòi ngã, không kịp nắm các phao cứu sinh. Cơn bão số 9 năm 2006 vừa qua, anh Ba Cợt (43 tuổi, xã Vàm Láng) không chịu vào bờ, quyết ở lại chòi canh nên bị sóng đánh sập chòi, cuốn mất xác! Lúc đó, tui và mấy anh em ở sở đáy nghe bão là xuống nghe, bỏ đáy chạy vào bờ liền nên thoát nạn. Hiện nay, nhờ thông tin liên lạc được thuận lợi nên bạn đáy đều được gia đình và chủ sở đáy báo bão qua điện thoại di động (ai cũng có) hoặc nhận biết từ tín hiệu báo bão của trạm kiểm soát Bộ đội biên phòng nên kịp thời chủ động vào bờ tránh bão.

22 giờ, các bạn đáy đổ đục lần thứ hai. Lúc này, trời vào đêm, biển lại có sóng nên công việc vất vả hơn lúc chiều. Sau gần một giờ chật vật, các bạn đáy đã thu hoạch được thêm 6 giỏ ruốc nữa và một số tôm, cá, bạch tuộc. Tất cả giỏ ruốc được chuyển sang chiếc ghe khác chở vào bờ, một số bạn đáy tiếp tục leo trở lên trên chòi canh ngủ giữ giàn đáy đến trưa ngày hôm sau thì lại tiếp tục đổ đục... cho đến hết con nước rồi mới vào bờ. Trên đường về, chiếc ghe chúng tôi bị một cơn mưa lớn xối xả ụp xuống làm mọi người phải chui vào khoang máy để tránh mưa. Một số bạn đáy trở vào bờ từ một sở đáy khác (bà con của anh Tý) có tuổi đời còn rất trẻ (khoảng 17-18 tuổi) với vẻ mặt còn mệt mỏi sau một ngày thả lưới, ngồi sát vào nhau tránh mưa nhưng vẫn lạc quan: "Mưa này, tôm cá sẽ chạy nhiều lắm đây!"

Được biết, hầu hết thanh niên ở xã Vàm Láng đều chỉ học chưa hết bậc học trung học cơ sở là đã nghỉ học, theo ghe đi đóng đáy để kiếm tiền - bởi vì phần lớn gia đình sống bằng nghề làm bạn đáy đều không đủ tiền cho con đi học để kiếm nghề khác với hy vọng đổi đời. Do vậy, có một thực tế đáng buồn ở xóm Đáy sông Cầu ở xã Vàm Láng là cái vòng luẩn quẩn giữa các thế hệ là bám biển để sống vì nếu lên bờ, họ cũng không biết tìm đâu ra một nghề khác để ổn định cuộc sống cho cả gia đình.

Theo thống kê của xã Vàm Láng, 80% trong tổng số 16.326 người dân trong xã là theo nghề biển. Toàn xã có 443 phương tiện đánh bắt thủy sản, trong đó có 253 phương tiện cào khơi, 102 phương tiện cào gần bờ, 13 ghe lưới tuyến cạn và 76 phương tiện đóng đáy sông Cầu (với 882 khẩu đáy). Một cán bộ của xã Vàm Láng nhận xét: Mặc dù nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt cũng như nghề đáy thường xuyên đối mặt với những rủi ro khi bão đến, biển động nhưng bạn đáy vẫn bám biển mưu sinh vì đây là nghề truyền thống lâu đời.

Phùng Long
(Theo tiengiang.gov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 350
  • Hôm nay: 24138
  • Tháng hiện tại: 2305795
  • Tổng lượt truy cập: 48679922