Thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG: Thành quả và thách thức

Đăng lúc: Thứ sáu - 11/07/2014 08:45
Trong thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trên từng lĩnh vực. Kết quả, nhiều chỉ tiêu đã đạt kết quả cao hơn mong đợi. 

Có điều, trong từng mục tiêu vẫn còn có những chỉ tiêu cụ thể chưa đạt so với kế hoạch đề ra, có chỉ tiêu đạt nhưng chưa vững chắc; đặc biệt dù có những tác động tích cực về chính sách chung và có những chuyển biến trong nhận thức nhưng tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý so với mục tiêu đề ra vẫn còn khoảng cách tương đối lớn.

HOÀN THÀNH NHIỀU CHỈ TIÊU

Tỉnh đã thực hiện mục tiêu “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước đảm bảo sự tham gia bình đẳng giữa nam, nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo” đạt kết quả cao hơn mong đợi. Liên tục trong nhiều năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể tích cực vận động, hỗ trợ các điều kiện để phụ nữ dưới 40 tuổi học diện chống mù chữ.

Đến nay, tỷ lệ biết chữ của độ tuổi dưới 40 trên phạm vi toàn tỉnh, kể cả 4 xã khó khăn nhất của huyện Tân Phú Đông đều đạt tỷ lệ 100% so với chỉ tiêu là 99,9% vào năm 2015. Việc bình đẳng giới trong giáo dục phổ thông khá tốt, tỷ lệ học sinh nam và nữ ở các cấp học gần tương đương nhau. Riêng giáo dục đại học và sau đại học, tuy tỷ lệ nữ thấp hơn nam nhưng hàng năm đều có tăng lên.

Đào tạo nghề và tạo việc làm cho phụ nữ là hoạt động thiết thực để rút ngắn khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế.
Đào tạo nghề và tạo việc làm cho phụ nữ là hoạt động thiết thực để rút ngắn khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế.

Mục tiêu “Đảm bảo bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe” thực hiện khá tốt. Mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản đã phủ khắp các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Ngành Y tế đã mở nhiều lớp đào tạo về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bác sĩ sản, nữ hộ sinh từ tuyến tỉnh đến tuyến xã và bổ sung nhiều thiết bị y tế hiện đại, kỹ thuật cao nhằm phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời nên đã giảm tỷ lệ phụ nữ mắc các bệnh phụ khoa. Công tác tư vấn tại các cơ sở y tế được chú trọng.

Tại các trạm y tế có phòng tư vấn giúp cho đối tượng tư vấn hiểu biết về giới tính, về chăm sóc sức khỏe sinh sản và tiếp cận dễ dàng, thuận tiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản có chất lượng. Với những điều kiện trên đã góp phần thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu về thực hiện các quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Trong đó, tỷ số giới tính khi sinh 6 tháng đầu năm nay của tỉnh là 108.3 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái (năm 2013 là 110.67 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái); tỷ lệ tử vong mẹ liên quan đến thai sản giảm từ 16.3/100.000 năm 2013 xuống còn 0/100.000 tính thời điểm hiện tại; phụ nữ có thai nhiễm HIV giảm 0,75% so với năm 2013 và 100% được chăm sóc, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm đang dần rút ngắn, phụ nữ nghèo ở nông thôn được tạo điều kiện tiếp cận đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động. Các ngành, các cấp cũng đã nỗ lực tạo cơ hội cho phụ nữ có việc làm, phát triển kinh tế thông qua các nguồn vốn giải quyết việc làm và các dự án của các tổ chức phi chính phủ... Qua đó giúp cho chị em phụ nữ tăng thêm thu nhập nhằm ổn định đời sống của bản thân và gia đình.

RÀO CẢN ĐỊNH KIẾN

Định kiến giới và tư tưởng trọng nam, khinh nữ vẫn còn tồn tại trong đời sống xã hội. Tư tưởng này có ở tất cả mọi tầng lớp xã hội, không phân biệt tôn giáo, dân tộc và địa vị xã hội, cá biệt ở một số cán bộ các cấp, các ngành cũng chưa nhận thức đúng về giới, chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, điều hành công việc trên cơ sở bình đẳng giới. Do vậy, trong quá trình thực hiện bình đẳng giới vẫn còn một số bất cập.

Trên thực tế, ở tỉnh ta vẫn còn một khoảng cách khá lớn trong lĩnh vực chính trị giữa nam và nữ. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của mục tiêu “tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị” đạt được chưa cao.

Hiện tại cấp ủy tỉnh chỉ có 3 nữ trong tổng số 55 người, chiếm tỷ lệ 5,45% (giảm 8,83% so với đầu nhiệm kỳ), còn quá thấp so với chỉ tiêu đề ra là 15% trở lên. Tỷ lệ nữ trong cấp ủy huyện cũng chỉ chiếm tỷ lệ 11,76%, không đạt so với chỉ tiêu; chỉ có tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cơ sở đạt 16,33% (tăng 1,33%).

Tỷ lệ nữ Đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2011 - 2016 đạt 20% (so với nhiệm kỳ 2004 - 2011 giảm 2,22%). Tỷ lệ nữ tham gia Hội đồng nhân dân cấp huyện và cấp xã nhiệm kỳ 2011 - 2016 đều tăng so với nhiệm kỳ trước, riêng cấp tỉnh giảm 1,12% so với nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ nữ tham gia UBND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 có tăng so với nhiệm kỳ trước nhưng nhìn chung vẫn còn thấp, đặc biệt là ở cấp huyện chỉ đạt 2,5%.

Toàn tỉnh tỷ lệ nữ lãnh đạo ở cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội chiếm 24,87% (trong đó cấp tỉnh là 30,93%, cấp huyện là 18,82%). Trong khi đó mục tiêu đề ra của tỉnh là đến năm 2015 phấn đấu đạt 50% các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ; 70% cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ nếu cơ quan, tổ chức có tỷ lệ nữ cán bộ, công chức, người lao động chiếm từ 30% trở lên.

Sự hạn chế về số lượng phụ nữ tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo sẽ làm ảnh hưởng đến công tác hoạch định chính sách ở địa phương trên cơ sở bình đẳng giới.

Theo đánh giá của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, nhận thức về giới và bình đẳng giới trong thời gian qua tuy đã có sự chuyển biến đáng kể, nhưng vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức xem việc học tập, tìm hiểu về giới và bình đẳng giới là việc của phụ nữ, trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ và của Ban nữ công, từ đó ít quan tâm tham gia tập huấn, hội thảo, tọa đàm liên quan đến nội dung này, dẫn đến nhận thức về giới và thực hiện bình đẳng giới có lúc có nơi chưa đạt yêu cầu cao.

Trong xây dựng các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương còn một số nơi chưa thực hiên tốt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết 11-NQ/TW và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nên đã làm hạn chế kết quả thực hiện mục tiêu Quốc gia về bình đẳng giới hàng năm.

Thủy Hà
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 419
  • Khách viếng thăm: 416
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 61748
  • Tháng hiện tại: 1810648
  • Tổng lượt truy cập: 48184775