Thị trấn Cai Lậy - một góc nhìn về tương lai

Đăng lúc: Thứ hai - 17/05/2010 07:36
Trong năm 2010, tại thị trấn Cai Lậy có nhiều thông tin được dư luận quan tâm chia sẻ, đó là tin thị trấn chuẩn bị lên đô thị loại V, rồi từ thị trấn sẽ trở thành thị xã... "Lên đời", có lẽ đó là tất yếu trong quá trình phát triển của một địa phương, đồng thời tạo niềm phấn khởi cho bà con được hưởng lợi, kể cả những người yêu mến nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình nay đang công tác hoặc sinh sống ở những "phương trời xứ lạ", nhưng vẫn một lòng kỳ vọng về quê nhà. Mong mỏi ấy rất chính đáng.

 Đến thị trấn Cai Lậy có thể thấy rằng, sau 35 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, thị trấn Cai Lậy đã tiến một bước khá dài trên đường phát triển. Hạ tầng đô thị được kiện toàn kết nối với mạng lưới giao thông thủy bộ thuận tiện của toàn vùng. Từ đó, giúp thị trấn trở thành một điểm sáng đầy tiềm lực, không thể không tính tới trong sự phát triển chung của tỉnh Tiền Giang cũng như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tương lai. Còn hiện tại, với việc đưa vào hoạt động chợ Cai Lậy mới, rồi UBND thị trấn Cai Lậy, Kho bạc nhà nước huyện Cai Lậy, Trường THPT Đốc Binh Kiều, Trung tâm Y tế dự phòng huyện Cai Lậy mới,... kèm theo việc đầu tư nâng cấp hệ thống đường giao thông, cho phép người ta nhìn ra thị trấn Cai Lậy đang hướng sự phát triển đô thị về phía Đông, nơi tiếp giáp với những xã Tân Hội, Nhị Mỹ cũng là những địa bàn thuộc về thị xã Cai Lậy tương lai.

Cũng nên nhớ một chút về những năm tháng chưa xa xôi lắm - ngày miền Nam mới được giải phóng, thị trấn Cai Lậy cũng giống như nhiều địa phương khác trong tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đó là qui mô nhỏ hẹp, hạ tầng đô thị thiếu và yếu. Chỉ nói riêng khoản nước máy phục vụ sinh hoạt của nhân dân thôi thì chỉ ở khu vực nội ô rất nhỏ có đường ống dẫn nước đến tận hộ gia đình, còn lại đều lệ thuộc vào nước kênh rạch hoặc phải gánh nước từ vòi nước công cộng về xài. Ở lứa tuổi trên dưới 50 như tôi bây giờ, nhiều người không thể nào quên vòi nước công cộng trước cổng bệnh viện cũ nay đã trở thành khu dân cư và công viên dưới chân cầu Cai Lậy. Tại vòi nước này, mỗi buổi sớm mai mà buổi nào cũng như buổi nào cả một hàng dài những chị, những em chờ đến lượt mình lấy nước. Những gánh nước nặng nề cứ cong theo nhịp đòn gánh và làm còng lưng những cô gái lao động má lúm đồng tiền chưa từng trong đời nghĩ đến một chút phấn, son hồng làm đẹp. Hay như đường Ba Dừa nối thị trấn với các thị tứ, các xã nằm phía Nam tiếp giáp với sông Tiền lổn nhổn đá, cục to cục nhỏ, bụi đỏ mờ trời mà ai cũng gọi là "con đường đau khổ"...

Hơn 35 năm giải phóng, những "đau khổ" rồi cũng nhanh chóng qua đi. Đường Ba Dừa đã được nâng cấp, tráng nhựa phẳng lì, trở thành tỉnh lộ nối với lộ Mộc Hóa, với Quốc lộ 1A và hệ thống giao thông toàn vùng chằng chịt như mạng nhện. Thành pháo binh ngày nào, nơi Mỹ ngụy gieo rắc bao nhiêu tội ác cũng đã được cải tạo lại, xây dựng thành chợ Tam Long - một ngôi chợ chuyên bán gia cầm và các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ dân sinh. Như vậy, thị trấn Cai Lậy hiện có hai ngôi chợ đẹp, bề thế: chợ Cai Lậy và chợ Tam Long. Chợ Cai Lậy có hai nhà lồng gồm nhà lồng dành bán hàng tiêu dùng có 263 kiốt và nhà lồng bán hàng thực phẩm tươi sống có 539 quầy sạp. Chợ Tam Long có 96 hộ mua bán, kinh doanh những mặt hàng như: tạp hóa, rau quả, ăn uống giải khát và gia súc, gia  cầm...

Nhìn lại, diện mạo thị trấn Cai Lậy ngày nay có thật nhiều nét đổi thay. Trong nội ô đang qui hoạch 2 công viên cây xanh mới, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, thể dục thể thao dưỡng sinh rèn luyện sức khỏe cho mọi tầng lớp nhân dân. Ngoại ô thì nhiều địa bàn rục rịch nhập về để thành lập nên thị xã Cai Lậy mới với mơ ước đổi đời: Thanh Hòa, Tân Bình, Nhị Mỹ, Tân Hội... Thế nhưng, có một vấn đề đặt ra ở đây là định hướng phát triển tương lai như thế nào và biện pháp nào để cụ thể hóa, biến những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống. Nếu trước đây, thị trấn Cai Lậy chỉ là một thị trấn nhỏ,  nối thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây Nam bộ thì ngày nay đã có thật nhiều đổi khác. Đón trước những thời cơ và vận hội mới, thị trấn xác định cơ cấu kinh tế của mình là thương mại - dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp chất lượng cao. Đó cũng là những lĩnh vực huyện xác định sẽ ưu tiên đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, mở mang hạ tầng đô thị, kiến thiết trường học, bệnh viện,... đưa nơi đây trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội phồn thịnh phía Tây tỉnh Tiền Giang. Từ góc nhìn đó, các nhà hoạch định chiến lược, các cơ quan hữu quan triển khai những giải pháp và bước đi phù hợp cho giai đoạn 5 năm, 10 năm tới...với mục tiêu xuyên suốt là đưa Cai Lậy trở thành một trong những đô thị mới, có tiềm lực phát triển mạnh mẽ, bền vững và xanh - sạch - đẹp như ước ao của mọi người, mọi nhà. Những giải pháp ấy cần được khẩn trương triển khai ngay từ bây giờ.

Văn Kỳ Thanh
(Theo tiengiang.gov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 221
  • Khách viếng thăm: 214
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 8427
  • Tháng hiện tại: 2240977
  • Tổng lượt truy cập: 46208210