Ông Trần Thế Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang: 'Tiền Giang, điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư'

Đăng lúc: Thứ hai - 30/08/2010 13:07
Ông Trần Thế Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang

Ông Trần Thế Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang

Sự ra đời của đường cao tốc Trung Lương - TP. Hồ Chí Minh đã rút ngắn khoảng cách giữa Tiền Giang và trung tâm kinh tế - văn hóa lớn nhất nước. Điều đó tạo cho Tiền Giang có sức hấp dẫn đặc biệt đối với các nhà đầu tư. Ông Trần Thế Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh đã có cuộc trao đổi với báo chí xoay quanh vấn đề thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội để nâng cao đời sống nhân dân.

*PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò, vị thế của Tiền Giang trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long? Trong thời gian qua, tỉnh đã phát huy vai trò, vị thế đó cũng như những lợi thế và tiềm năng của mình như thế nào, thưa ông?

* Ông Trần Thế Ngọc: Tiền Giang có lợi thế là vùng giao thoa giữa 2 địa bàn kinh tế lớn của cả nước: Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là tỉnh liền kề với thành phố Hồ Chí Minh, có các trục giao thông kinh tế quan trọng như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 50, Quốc lộ 60, Quốc lộ 30... và mới đây là tuyến đường cao tốc TP.HCM- Trung Lương hoàn thành kết hợp với hệ thống đường thủy như sông Tiền, sông Chợ Gạo, Cảng Mỹ Tho,... đã tạo thế và lực mới để tỉnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Phát huy những lợi thế đó, trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp quan trọng, đạt kết quả tích cực, nhất là từ năm 2005 Tiền Giang được gia nhập Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn sau luôn cao hơn giai đoạn trước, bình quân tăng 8,1% giai đoạn 1996- 2000; 9%/năm giai đoạn 2001- 2005 và giai đoạn 2006- 2010 dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 11%/năm.

Thu nhập bình quân đầu người được cải thiện đáng kể, từ 478 USD năm 2005, tăng lên 969 USD năm 2009, dự kiến năm 2010 đạt 1.100 USD. Bên cạnh việc phát triển kinh tế vườn, chăn nuôi, thủy sản vốn là thế mạnh của tỉnh, việc tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại- dịch vụ cũng là mũi nhọn chỉ đạo của tỉnh, nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa- hiện đại hóa.

Về tình hình thu hút đầu tư, sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Tiền Giang được tổ chức vào cuối tháng 1 năm 2010, đã có hơn 50 nhà đầu tư đến tỉnh để tìm hiểu về môi trường đầu tư và đăng ký đầu tư vào tỉnh.

Đến nay, đã cấp giấy chứng nhận đầu tư 12 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.892 tỷ đồng. Tập trung các lĩnh vực như: sản xuất công nghiệp có 6 dự án với vốn đăng ký 650 tỷ đồng; kinh doanh nhà ở thương mại 3 dự án, vốn 472 tỷ đồng; dịch vụ du lịch và nghỉ dưỡng 02 dự án vốn 1.530 tỷ đồng và đầu tư tuyến ống cấp nước 01 dự án vốn 368 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát 14 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 18.000 tỷ đồng.

* PV: Thưa ông, để tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế hiện nay và những năm tiếp theo, tỉnh sẽ ưu tiên và tập trung thực hiện các giải pháp gì?

* Ông Trần Thế Ngọc: Ngoài các giải pháp phải tập trung thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ theo từng thời kỳ, thời điểm, để tạo đột phá trong phát triển, tỉnh sẽ tập trung vào 6 nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, huy động nguồn lực đầu tư phát triển nhanh công nghiệp - dịch vụ - đô thị, đặc biệt là hỗ trợ các tập đoàn kinh tế lớn nhanh chóng triển khai các dự án đầu tư vào khu vực Gò Công, khu vực Đông Nam Tân Phước. Đặc biệt, tỉnh đang nghiên cứu chủ trương Quy hoạch khu kinh tế phía Đông thành khu kinh tế biển trọng điểm quốc gia. Chủ trương này đã báo cáo Chính phủ và nếu được chấp thuận, tỉnh sẽ xây dựng một khu vực kinh tế trên bao gồm hệ thống cảng hàng hóa, dịch vụ, kho và khu chế biến dầu khí, các nhà máy chế biến thủy sản và khu đô thị phù hợp với chủ trương khuyến khích đầu tư phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển và vùng ven biển đã thể hiện trong Nghị quyết 09/NQ-TW ngày 9/2/2007 về "Chiến lược phát triển biển Việt Nam đến năm 2020" của Ban Chấp hành Trung ương.

Song song đó, tỉnh tiếp tục chủ động phối hợp với Bộ Giao thông vận tải  kiện toàn cơ sở hạ tầng các công trình giao thông quan trọng: Triển khai dự án nâng cấp Kênh Chợ Gạo và xây mới cầu Mỹ Lợi; đồng thời, đang triển khai dự án dẫn nước ngọt từ phía Tây về các huyện phía Đông của tỉnh, nhằm tạo đột phá phát triển hành lang kinh tế - đô thị khu vực ven biển Gò Công; tập trung đầu tư mạng lưới giao thông nội tỉnh kết nối các tuyến giao thông quốc gia, giao thông liên vùng, nhằm tối ưu hóa trong khai thác hệ thống hạ tầng.

Thứ hai, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế về tiềm năng và vị trí địa lý gần thành phố Hồ Chí Minh như: công nghiệp chế biến, công nghiệp công nghệ sinh học, công nghiệp cơ khí, chế tạo phục vụ nông nghiệp- nông thôn Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp bổ trợ cho Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam cùng các hoạt động thương mại, dịch vụ cao cấp khác.

Thứ ba, tổ chức lại không gian phát triển kinh tế và hạ tầng, hoàn thành việc xây dựng các công trình lớn về kết cấu hạ tầng để gắn kết Tiền Giang với Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, thông qua các hành lang kinh tế Quốc lộ 1- đường cao tốc (thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ); hành lang kinh tế ven biển thông qua Quốc lộ 50 (thành phố Hồ Chí Minh- Tiền Giang) và Quốc lộ 60 (Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng), các trục kinh tế sông Tiền, kênh Chợ Gạo, sông Soài Rạp... Trên cơ sở đó, hình thành các trung tâm thương mại- dịch vụ, đặc biệt là các siêu thị, chợ đầu mối, các cụm điểm du lịch và dịch vụ gắn với du lịch, cùng các dịch vụ cao cấp khác về y tế, giáo dục, đào tạo, tư vấn, tín dụng, ngân hàng, thị trường vốn...

Thứ tư, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa trên cơ sở hình thành và phát triển hệ thống các đô thị trung tâm và đô thị ở khu vực nông thôn, để tạo ra các hạt nhân thúc đẩy sự phát triển các tiểu vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển công nghiệp, dịch vụ và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh.

Cải tạo, nâng cấp và phát triển mở rộng thành phố Mỹ Tho tương xứng với đô thị loại II - trung tâm kinh tế - xã hội của Vùng; đồng thời chỉnh trang, nâng cấp phát triển thị xã Gò Công, Cai Lậy (đô thị loại III), các thị trấn; hình thành các khu dân cư, khu đô thị- dịch vụ mới gắn với các khu công nghiệp tập trung ở khu vực Gò Công, Đông Nam Tân Phước...

Thứ năm, tạo thêm việc làm phi nông nghiệp ở khu vực nông thôn thông qua khuyến khích và hỗ trợ đầu tư phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp vào nông thôn, để đẩy nhanh quá trình đô thị hóa khu vực nông thôn và hiện đại hóa cư dân nông thôn. 

Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, thâm canh và gắn với điều kiện sinh thái. Hình thành các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu nông sản hàng hoá cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, đặc biệt là vành đai lương thực, thực phẩm, rau quả hàng hóa cho Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là thành phố Hồ Chí Minh; nâng cấp và xây dựng mới các trung tâm giống cây trồng, vật nuôi, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, mô hình sản xuất sạch và an toàn... Tỉnh xác định rõ: sự phát triển nông thôn trong những năm tới phải là quá trình hòa nhập với các khu cụm công nghiệp và đô thị sẽ hình thành trong tương lai.

Thứ sáu, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng tiềm lực khoa học - công nghệ của tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

* PV: Muốn có tăng trưởng cao phải có đầu tư lớn, vậy để tạo sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư, tỉnh đã, đang và sẽ đưa ra những chính sách hỗ trợ gì đặc biệt để thu hút nhà đầu tư?

* Ông Trần Thế Ngọc: Trên cơ sở những chính sách chung, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành những quy định, chính sách ưu đãi cụ thể, phù hợp với địa phương, hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư.

Theo "Quy định về khuyến khích, hỗ trợ và ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh Tiền Giang", do UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 34/2009/QĐ-UBND ngày 29/12/2009, các nhà đầu tư khi đến Tiền Giang sẽ được hưởng những ưu đãi sau: được hỗ trợ đào tạo nghề; hỗ trợ xúc tiến thương mại; đầu tư và sau đầu tư; ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động khoa học - công nghệ hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh; quảng cáo sản phẩm trên Website của tỉnh; đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hỗ trợ tín dụng đầu tư phát triển và dịch vụ đầu tư; ưu đãi về giá thuê đất, miễn, giảm tiền sử dụng đất; các hỗ trợ và ưu đãi cho cơ sở thực hiện xã hội hóa; chính sách ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường...

Đặc biệt về chính sách ưu đãi đối với dự án xây dựng nhà ở công nhân khu công nghiệp và đối với dự án nhà ở thu nhập thấp, chủ đầu tư các dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho người có thu nhập thấp (có đăng ký đầu tư) sẽ được hưởng các cơ chế ưu đãi đầu tư là: miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để thực hiện dự án. Doanh nghiệp tự xây dựng nhà ở công nhân (không thu tiền thuê hoặc có thu tiền thuê, nhưng giá cho thuê không vượt quá mức giá cho thuê nhà ở xã hội) và các doanh nghiệp thuê nhà cho công nhân ở thì chi phí nhà ở được tính là chi phí hợp lý (giá thành sản xuất) khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp...

Ngoài ra, tỉnh đã ban hành và đang áp dụng cơ chế liên thông trong giải quyết các thủ tục đầu tư, giao chức năng hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, chủ trì đề xuất giải quyết các thủ tục đầu tư cho 2 cơ quan đầu mối là Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý các khu công nghiệp. Cơ chế này giúp nhà đầu tư thuận lợi trong thực hiện thủ tục hành chính, tiếp cận thông tin, đề đạt ý kiến với lãnh đạo tỉnh.

Đặc biệt, công tác cải cách hành chính luôn được tỉnh quan tâm. UBND tỉnh đã thực hiện tốt công tác thống kê, rà soát và đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước (Đề án 30), nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, đơn giản, công khai, minh bạch của thủ tục hành chính; tạo thuận lợi cho các nhân, tổ chức và doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Song song đó, tỉnh đang tổ chức nghiên cứu, rà soát, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các đơn vị hành chính cấp huyện, đồng thời nghiên cứu, bổ sung quy hoạch ngành, lĩnh vực cho phù hợp với quy hoạch tổng thể, trong các năm tới sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các quy hoạch xây dựng cho từng khu vực trung tâm của tỉnh, các huyện và các thị trấn, thị tứ. Với sự chú trọng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, tỉnh sẽ giới thiệu các cơ hội đầu tư tốt, khả năng sinh lợi cao cho nhà đầu tư, đồng thời phù hợp với các định hướng phát triển của tỉnh để tạo hiệu quả tối ưu cho các dự án.

Dựa trên cơ sở các quy hoạch có chất lượng, công tác đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội sẽ được tập trung, có trọng tâm, có định hướng và huy động tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế cùng tham gia.

Chúng tôi tin tưởng rằng, với các giải pháp tích cực nêu trên, Tiền Giang sẽ tiếp tục là điểm đến tin cậy và lý tưởng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

* PV: Xin cảm ơn ông.

PV (thực hiện)
Nguồn: tiengiang.gov.vn

Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 413
  • Khách viếng thăm: 405
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 50001
  • Tháng hiện tại: 1915780
  • Tổng lượt truy cập: 48289907