Ông Nguyễn Hữu Lộc - đong đầy kỷ niệm công tác công đoàn

Đăng lúc: Thứ ba - 13/05/2014 08:27
Hơn 40 năm tham gia hoạt động cách mạng, ông Nguyễn Hữu Lộc, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Liên hiệp Công đoàn (LHCĐ), nay là Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang; nguyên Ủy viên Ban Chấp hành LHCĐ ngành Nông nghiệp Việt Nam, từng có khoảng 30 năm làm công tác công đoàn.

Vì vậy, mỗi lần có dịp nhắc lại kỷ niệm một thời làm công tác công đoàn, ông cứ xuýt xoa: “Không thể nào quên được, vì công đoàn từng là “mái ấm” của tôi. Khó khăn, gian khổ, nỗi buồn và niềm vui, sự phấn đấu vươn lên và trưởng thành, tất cả đều xuất phát từ khi tôi làm công tác công đoàn. Cho nên, dấu ấn kỷ niệm về công tác công đoàn trong lòng tôi lúc nào cũng đong đầy!”.

Ở vào tuổi 78, giọng ông vẫn còn rổn rảng: “Tôi làm anh cán bộ công đoàn từ hồi còn ở ngoài miền Bắc. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, tôi trở về miền Nam và được phân công làm Trưởng phòng Quản trị Hành chính kiêm Thư ký Công đoàn Ty Nông nghiệp Tiền Giang.

Làm cán bộ công đoàn lúc đó chỉ là cán bộ kiêm chức, có nghĩa là làm thêm, chứ chẳng có thêm một khoản phụ cấp, trợ cấp trách nhiệm nào, nên làm được chăng hay chớ. Mặt khác, cơ sở vật chất thiếu thốn, cán bộ vừa thiếu lại vừa yếu vì chưa được đào tạo qua trường lớp chuyên môn nghiệp vụ cho nên gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong công tác.

Việc phân công, đề bạt cán bộ lúc bấy giờ còn mang nặng tư tưởng “nhất trụ, nhì khu, tam tù, tứ kết” và công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ chưa được chú trọng. Vì vậy, hễ ai còn làm được việc là cứ làm miết, mỗi người không chỉ kiêm một việc mà nhiều việc. Một thực tế không thành văn lúc bấy giờ là những ai yếu kém, làm việc thiếu nhiệt tình, thậm chí bị trù dập thường bị “đẩy” đi học.

Vì vậy, lớp cán bộ từng trải trong chiến tranh, dày dạn kinh nghiệm trong công tác tổ chức, vận động quần chúng nhưng không được đưa đi đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, không bằng cấp càng ngày càng không đủ năng lực, trình độ để đáp ứng với tình hình, nhiệm vụ mới, do đó không tránh khỏi lúng túng, bị động trong công tác. Còn những người bị “đẩy” đi học thì sau này có bằng cấp, nghiễm nhiên được trọng dụng”.

Mặc dù làm cán bộ công đoàn kiêm chức, nhưng những ngày đầu xây dựng tổ chức Công đoàn Ty Nông nghiệp, do có ít nhiều kinh nghiệm trong những năm làm công tác công đoàn ở ngoài miền Bắc, ông đã tham mưu cho lãnh đạo ngành thành lập, tổ chức xây dựng công đoàn cơ sở ở các trạm, trại, chi cục, nhà máy, nhà trường.

Công đoàn cơ sở Ty Nông nghiệp lúc bấy giờ được đánh giá là một tổ chức công đoàn mạnh nhờ được sự quan tâm của lãnh đạo Ty Nông nghiệp, lãnh đạo LHCĐ tỉnh và nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, lực lượng công đoàn viên phát triển đông.

Các trạm, trại, chi cục, nhà máy, nhà trường đều thành lập được Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở. Là Công đoàn ngành, nên ngoài sự chỉ đạo trực tiếp của LHCĐ tỉnh, Công đoàn cơ sở Ty Nông nghiệp còn được sự chỉ đạo của LHCĐ ngành Nông nghiệp Việt Nam (lúc đó ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành LHCĐ ngành Nông nghiệp).

Bây giờ nghĩ lại, Công đoàn cơ sở Ty Nông nghiệp được đánh giá mạnh là so với thời điểm lịch sử lúc bấy giờ, chứ thực tế hoạt động công đoàn cũng chỉ mới là hình thức. Thời bao cấp, tất cả mọi thứ đều hưởng theo chế độ, ai cũng muốn được hưởng chứ chưa nghĩ đến chuyện đóng góp, ví dụ như đóng bảo hiểm chẳng hạn, rất khó thu. Nhận thức về vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn đối với công đoàn viên, thậm chí một số đồng chí lãnh đạo vẫn còn nhiều hạn chế, vì vậy hoạt động của công đoàn gặp không ít khó khăn.

Thế mạnh và tiềm năng kinh tế của Tiền Giang chủ yếu là nông nghiệp. Tuy nhiên, những năm đầu sau giải phóng, nền nông nghiệp của tỉnh nhà vẫn chưa thoát ra khỏi một nền nông nghiệp lạc hậu, làm ăn manh mún, nhỏ lẻ.

Nhiệm vụ chủ yếu lúc này của Công đoàn cơ sở Ty Nông nghiệp là vận động cán bộ, nhân viên tập trung đẩy mạnh kế hoạch sản xuất, khắc phục hậu quả thiên tai cùng với việc xây dựng cơ sở, củng cố tổ chức và phát triển lực lượng đoàn viên công đoàn song song với việc kiểm tra, giám sát bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân viên chức, người lao động (CNVC-NLĐ).

Làm Thư ký Công đoàn cơ sở Ty Nông nghiệp, nên Đại hội LHCĐ tỉnh Tiền Giang lần thứ Nhất và lần thứ Hai, ông đều được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành LHCĐ tỉnh. Cuối năm 1982, ông được điều về làm Trưởng ban Tổ chức LHCĐ tỉnh. Từ đây trở đi, ông chính thức trở thành cán bộ công đoàn chuyên trách. Trong Đại hội đại biểu LHCĐ tỉnh lần thứ III (nhiệm kỳ 1983 - 1985), ông được bầu vào Ban Thường vụ.

Tổ chức được kiện toàn, các phòng, ban được bố trí sắp xếp lại nên hoạt động công đoàn có bước phát triển đáng kể. Nổi bật nhất là công tác tuyên truyền được đẩy mạnh; công tác cán bộ, tổ chức, đào tạo có nhiều chuyển biến đáng kể; chế độ, chính sách đối với CNVC-NLĐ được quan tâm nên nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của công đoàn viên đối với hoạt động của công đoàn ngày càng được nâng cao rõ rệt.

Để không ngừng nâng cao nhận thức cho công đoàn viên, hàng tháng LHCĐ đều phân công cán bộ xuống cơ sở phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nói chuyện tình hình thời sự quốc tế, trong nước, trong tỉnh; thông báo các chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của CNVC-NLĐ; đồng thời phát động nhiều phong trào thi đua như:

Phong trào xây dựng tổ lao động sản xuất giỏi, tổ lao động xã hội chủ nghĩa; phong trào xây dựng “Tổ ấm công đoàn”, lấy sinh hoạt tổ công đoàn làm gốc, với nội dung chủ yếu là giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, trong công tác; nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình giúp nhau cùng tiến bộ.

Riêng đối với Khối Nữ công, LHCĐ còn tuyên truyền, đẩy mạnh các phong trào: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; “3 đảm đang”; “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”; “Xây dựng gia đình hạnh phúc” và quan tâm đến chế độ thai sản cho công đoàn viên nữ.

Từ đó, vận động các cơ quan, đơn vị chưa có tổ chức công đoàn thì thành lập công đoàn, phát triển đoàn viên công đoàn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị quan tâm đảm bảo đời sống, chế độ, chính sách, chăm lo sức khỏe cho CNVC-NLĐ. Quan tâm đến đời sống tinh thần cho CNVC-NLĐ, LHCĐ đã tổ chức nhiều đêm biểu diễn văn nghệ tại Nhà văn hóa công nhân, mua đầu máy Video tổ chức chiếu phim lưu động để phục vụ nhu cầu giải trí của CNVC-NLĐ.

Tổ chức các tổ kiểm tra ra các chợ kiểm tra việc niêm yết giá cả hàng hóa, việc cân đong đo đếm của các tiểu thương để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, trong đó có CNVC-NLĐ.

Trải qua 3 nhiệm kỳ vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, hoạt động của LHCĐ ngày càng khởi sắc, tổ chức công đoàn không ngừng lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, các mặt công tác từng bước đi vào nền nếp. Riêng trong công tác tổ chức, công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ chuyên ngành thường xuyên được chú trọng. LHCĐ đã phối hợp với Trường Trung cấp Công đoàn TP. Hồ Chí Minh và các trung tâm bồi dưỡng lý luận chính trị tổ chức nhiều lớp học cho cán bộ, công đoàn viên.

Bên cạnh đó, LHCĐ còn cử các cán bộ đi tập huấn, tham quan học hỏi kinh nghiệm về nghiệp vụ chuyên ngành ở trong và ngoài nước, trong đó ông được đi học ở Trường Nguyễn Ái Quốc và qua Liên Xô học tập rút kinh nghiệm. Từ đó, nhiều phong trào tiếp tục được phát động, nổi bật nhất là phong trào “3 cải tiến”: Cải tiến tổ chức, cải tiến lề lối làm việc và cải tiến khoa học - kỹ thuật; trong đó coi trọng cải tiến khoa học - kỹ thuật, vì nó giải quyết được nhiều vấn đề về lao động sản xuất, năng suất, chất lượng và thực hành tiết kiệm.

Công tác giáo dục tư tưởng cũng được nâng chất, các tổ chức công đoàn thường xuyên mở các lớp tập huấn lồng ghép tuyên truyền, rèn luyện, giáo dục tư tưởng giai cấp công nhân cho các công đoàn viên trên tinh thần trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Qua công tác giáo dục, bồi dưỡng, các tổ chức công đoàn đã giới thiệu cho Đảng nhiều quần chúng ưu tú…

Trong câu chuyện, chúng tôi chỉ nghe ông Ba Lộc nói về những việc làm được và những việc chưa làm được của tổ chức công đoàn, còn cái “tôi” thì mờ nhạt. Nhưng chúng tôi biết, trong những ngày đầu LHCĐ mới thành lập cho đến sau này, sự đóng góp của ông là không nhỏ.

Chỉ một ví dụ nhỏ thôi, từng được bổ nhiệm làm Hội thẩm nhân dân, kết hợp với cương vị Trưởng ban Tổ chức LHCĐ, ông đã lồng ghép vào các chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho công đoàn viên để không ngừng nâng cao nhận thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

Hơn 40 năm tham gia hoạt động cách mạng, ông đã có khoảng 30 năm làm cán bộ công đoàn. Với những cống hiến của mình, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy hiệu Vì sự nghiệp Công đoàn và nhiều Bằng khen của các cấp, các ngành.

Đậu Viết Hương
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 159
  • Khách viếng thăm: 154
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 4758
  • Tháng hiện tại: 2237308
  • Tổng lượt truy cập: 46204541