Ông Lê Văn Nghĩa, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông: Phát triển kinh tế biển lên tầm cao mới

Đăng lúc: Thứ tư - 07/07/2010 09:43
Ông Lê Văn Nghĩa. Ảnh: Nguyên Chương

Ông Lê Văn Nghĩa. Ảnh: Nguyên Chương

Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Gò Công Đông lần thứ X (nhiệm kỳ 2010-2015) sẽ diễn ra từ ngày 7 đến 9/7. Nhìn lại nhiệm kỳ qua với những trải nghiệm thực tế qua quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ huyện trong việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Nghĩa chia sẻ những điểm nhấn trên đường phát triển:
Bước vào nhiệm kỳ 2005-2010, tình hình kinh tế của cả nước nói chung và của Tiền Giang nói riêng(trong đó huyện Gò Công Đông) phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do chịu ảnh hưởng của suy thoái tài chính toàn cầu. Nhưng với sự thống nhất, quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành, giám sát của toàn Đảng bộ và nhân dân nên tình hình kinh tế - xã hội  của huyện 5 năm qua có những chuyển biến khá tích cực. Giá trị tăng thêm (GDP) tăng bình quân 10,9%, thu nhập bình quân đầu người 15,4 triệu đồng/năm, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15,45%/năm, thương mại - dịch vụ tăng bình quân 16,2%/năm. Sản lượng lương thực đạt 158.000 tấn/năm, sản lượng thủy sản 60.700 tấn. Tỷ lệ hộ nghèo còn 5,43%, Tỷ lệ thất nghiệp còn dưới 5%...

Công tác xây dựng, quy hoạch từng bước đi vào nề nếp, đặc biệt huyện đã tổ chức triển khai và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020. Duy trì thường xuyên việc theo dõi và kiện toàn bộ máy chính quyền các cấp; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động cải cách hành chính theo mô hình "một cửa". Hoạt động khoa học - công nghệ từng bước gắn nghiên cứu với ứng dụng phục vụ sản xuất và đời sống. Đặc biệt đã xây dựng và triển khai dự án nghiên cứu hệ thống hấp ghẹ và dây chuyền sấy sản phẩm thủy sản phục vụ chế biến thủy sản khu vực Vàm Láng.

Để phát triển nguồn nhân lực, công tác giáo dục, đào tạo luôn được quan tâm, tỷ lệ tốt nghiệp các bậc học hàng năm đều tăng: tiểu học từ 99,32% lên 100%; THCS từ 97,3% lên 98,3%; THPT từ 95,61% lên 97%; học sinh đổ vào các trường đại học từ 14,7% lên 23,77%; tổ chức dạy nghề cho 3.741 lao động nông thôn và đưa 215 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

* PV: Trong quá trình phát triển không tránh khỏi phát sinh những mặt hạn chế. Theo ông, đó là những mặt nào và nguyên nhân do đâu?

* Ông  Lê Văn Nghĩa: Bên cạnh những thành quả đạt được trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện, trong nhiệm kỳ qua còn những hạn chế chủ yếu sau: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa mạnh, tỷ trọng khu vực II và III còn thấp. Việc triển khai các dự án phát triển công nghiệp trên địa bàn chậm. Các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch chưa thật sự sôi động, chất lượng còn thấp; dự án khu du lịch biển Tân Thành triển khai chậm. Cơ sở hạ tầng tuy được quan tâm đầu tư, nhất là các công trình phúc lợi xã hội, nhưng chưa đồng bộ, một số tuyến đường giao thông nông thôn xây dựng còn hạn chế tải trọng. Việc triển khai, ứng dụng các tiến bộ khoa học- công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu dân cư, các trung tâm xã (thị trấn) đang phát sinh đáng lo ngại.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trên là do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế thế giới, gây nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; tình hình thời tiết diễn biến bất thường, nhất là hậu quả cơn bão số 9 (12-2006) ảnh hưởng đến sản xuất; việc triển khai thực hiện các quy định, chính sách liên quan đến phát triển công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, một số cơ chế mới thực hiện thiếu đồng bộ, chồng chéo. Mặt khác, một số nhà đầu tư đã đăng ký dự án và được giao đất, nhưng lại chậm thi công hoặc không thi công và chuyển giao dự án đó lại cho các đơn vị khác; một số nhà đầu tư còn thiếu năng lực tài chính; chưa thu hút được vốn đầu tư nước ngoài. Thực hiện Nghị định số 09/2008/NĐ-CP ngày 21/1/2008 của Chính phủ về việc điều chỉnh một phần địa giới hành chính để mở rộng thị xã Gò Công và thành lập huyện Tân Phú Đông đã làm biến động bộ máy hành chính.

* PV: Trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ huyện Gò Công Đông cần xác định thế mạnh cũng như tiềm năng của huyện để chọn mũi đột phá nhằm phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả cao hơn. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

* Ông  Lê Văn Nghĩa: Sau khi chia tách để thành lập huyện mới, Gò Công Đông còn 25 km bờ biển, với 2 cửa sông lớn là Soài Rạp và cửa Tiểu thông ra biển Đông. Giao thông đường thủy của huyện khá thuận lợi , vì tiếp giáp với huyện Cần Giờ của TP. Hồ Chí Minh qua cửa sông Soài Rạp. Biển ngày càng có vai trò lớn đối với việc phát triển kinh tế của huyện nhà, đặc biệt trên lĩnh vực thương mại, cung cấp nguồn tài nguyên để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Vị trí địa lý sát biển Đông là lợi thế nổi bật đã tạo nên vị thế của huyện trong phát triển kinh tế biển, phát triển giao thông vận tải thủy để trở thành vùng kinh tế năng động của tỉnh, có tác động thúc đẩy sự giao lưu hàng hóa của huyện với các địa phương trong tỉnh, giữa tỉnh với các vùng trong khu vực ĐBSCL và cả nước.

Gò Công Đông cùng với khu công nghiệp Hiệp Phước của TP. Hồ Chí Minh, Khu công nghiệp Bến Lức, Cần Giuộc và Cần Đước của Long An tạo thành vành đai công nghiệp mới của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; trong đó, khu công nghiệp Hiệp Phước của TP. Hồ Chí Minh đã hình thành hệ thống cảng biển trên cơ sở thông luồng vận tải cho tàu 15.000 tấn (giai đoạn 1) và 50.000 tấn (giai đoạn 2) theo sông Soài Rạp. Bên cạnh đó, trong 5 năm tới có nhiều thuận lợi như cầu Mỹ Lợi được khởi công, nhà máy nước BOO Đồng Tâm được hòa mạng đã mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển công nghiệp và cảng biển vùng Gò Công.

Vì vậy, với các điều kiện thuận lợi như trên, trong nhiệm kỳ tới cần tập trung khai thác tiềm năng để phát triển về công nghiệp, dịch vụ kinh tế biển như: đóng tàu, khu công nghiệp, cảng biển, các loại hình dịch vụ hậu cần nghề cá, sơ chế và chế biến thủy sản, du lịch nghỉ dưỡng vùng ven biển. Ngoài ra, với 2.000 ha diện tích bãi bồi ven biển rất thuận tiện để nuôi trồng các loại thủy hải sản có giá trị xuất khẩu. 

* PV: Xin cảm ơn ông!

Nguyên Chương
(Theo tiengiang.gov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 312
  • Khách viếng thăm: 307
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 78435
  • Tháng hiện tại: 2360092
  • Tổng lượt truy cập: 48734219