Nguyễn Hoài Nam: Vị giám đốc đầu tiên thời xí nghiệp xây dựng thủy lợi

Đăng lúc: Thứ hai - 22/07/2013 08:28
Nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang, chúng tôi đã có chuyến đi về ấp Đông Thạnh (An Thái Đông, Cái Bè), tìm gặp ông Nguyễn Hoài Nam (Mười Nam), vị Giám đốc đầu tiên của Xí nghiệp Xây dựng Thủy lợi, đơn vị tiền thân của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng (TICCO) hiện nay.
Đại diện công ty đến thăm gia đình ông Nguyễn Hoài Nam và tìm tư liệu về công ty.

Đại diện công ty đến thăm gia đình ông Nguyễn Hoài Nam và tìm tư liệu về công ty.

Đã có hẹn và biết mục đích nên ông kể chuyện khá rành mạch về đời mình và nhất là chuyện làm thủy lợi những năm đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ngày ấy, thủy lợi là đề tài nóng bỏng, vừa mang ý nghĩa khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa mở ra những công trình dân sinh mang tính ngọt hóa cho một vùng đất rộng lớn bên bờ sông Tiền màu mỡ phù sa nhưng lúc thì phèn đóng đỏ chân, lúc mặn tràn lúa chết.

Ngày ấy cách nay vừa đúng 30 năm, lúc đó ông mới ngoài ngũ tuần. Giờ đây, bước sang tuổi 83 nhưng sức khỏe của ông vẫn còn tốt, trí óc còn minh mẫn và giọng nói vẫn còn sang sảng. Hỏi ông cơ duyên nào đến với ngành Thủy lợi? Ông cười: - Duyên phận gì, đã là một người lính, một đảng viên thì Đảng phân công nhiệm vụ gì thì làm nấy chớ đâu có quyền lựa chọn. Tất nhiên là trước khi phân công, tổ chức cũng có “coi giò, coi cẳng”, bởi tôi đã được đào tạo cơ bản về ngành Thủy lợi.

Tham gia cách mạng năm 1945, sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, năm 1954 đang công tác tại Phòng Tuyên huấn Công an Nam bộ, ông được phân công lên đường tập kết ra miền Bắc. Lúc đầu ông học Thương nghiệp, về làm ở Tổng Công ty Lâm sản Trung ương; sau đó đi học tiếp Trung cấp kỹ thuật Thủy lợi, từng làm giáo viên và làm Hiệu phó trường Trung cấp Thủy lợi thuộc Sở Thủy lợi Hà Nội. Năm 1965, ông được lệnh lên đường trở về miền Nam chiến đấu, công tác trong ngành Hậu cần quân đội; từng tham gia phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và chuyển ngành sau ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng với quân hàm Thượng úy.

Ông cười rổn rảng khi kể lại chuyện hồi đó:

Tôi về Tiền Giang, nơi chôn nhau cắt rún của mình và được bổ nhiệm làm Phó  trưởng Ty Thủy lợi. Buồn cười là khi đó Ty Thủy lợi chưa được thành lập. Miền Nam được giải phóng, đất nước hòa bình nhưng hậu quả chiến tranh vẫn còn ngổn ngang, chồng chất. Công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh chỉ có duy nhất Trạm bơm nước Bình Phan, nhưng cũng chỉ để cung cấp nước. Kinh mương chưa có, đê bao, cống đập lại càng không.

Năm nào lũ cũng tràn về, lũ qua là phèn nổi và mặn xâm nhập sâu vào nội đồng những khi triều cường. Các huyện phía Đông lúa chỉ làm được 1 vụ nhưng bấp bênh, còn khu vực Đồng Tháp Mười thì đang ngủ yên, nên thủy lợi là vấn đề cấp thiết. Thực ra chương trình ngọt hóa đã có từ trước, đó là Dự án Tiền phong Gò Công- Tân An do nguồn vốn của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB- Nhật Bản) viện trợ.

Năm 1980, tỉnh đã thành lập Ban Tiếp nhận máy móc, trang thiết bị từ nguồn hàng viện trợ này và năm 1981 đã thành lập Xí nghiệp Thi công cơ giới Thủy lợi. Tuy nhiên, do trình độ năng lực và nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ Xí nghiệp chưa được đào tạo cơ bản, lực lượng công nhân kỹ thuật vừa thiếu, vừa yếu nên hiệu quả đem lại chưa cao. Vì vậy, tôi còn nhớ ngày 11-7-1983, tỉnh đã quyết định thành lập Xí nghiệp Xây dựng Thủy lợi, trên cơ sở sáp nhập với Xí nghiệp Thi công cơ giới thủy lợi. Đang làm Phó Giám đốc Sở Thủy lợi, tôi được bổ nhiệm kiêm thêm chức vụ Giám đốc Xí nghiệp.

Vậy là, “thân này ví xẻ làm đôi”, lúc quan hệ đối ngoại, làm việc với Trung ương, tỉnh bạn và các đối tác thì tôi là Phó Giám đốc Sở; còn ra công trình thì tôi là Giám đốc Xí nghiệp. Nhờ được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ lại từng sinh ra, sống và chiến đấu trên vùng đất này nên trong quá trình lãnh đạo, tôi phát huy được hết sở trường và năng lực của mình.

Hàng loạt công trình do Xí nghiệp thi công như: Cống Vàm Giồng, Gò Công, Long Uông, đê khu 1, đê khu 2 vùng III, hệ thống đê bao sông Tra, Long Chánh, Bình Ninh, Cù lao Lợi Quan và các công trình trên đê thuộc dự án Ngọt hóa Gò Công từng bước hoàn thành, mở ra một vùng rộng lớn đất lúa từ 1 vụ bấp bênh nâng lên 2-3 vụ ăn chắc.

Sau khi hoàn thành các công trình trong dự án Ngọt hóa Gò Công, ông tiếp tục lãnh đạo đơn vị dẫn quân tiến vào vùng Đồng Tháp Mười với quyết tâm chinh phục vùng đất đang ngủ yên. Vượt qua biết bao khó khăn, gian nan, vất vả, dưới sự lãnh đạo của ông và tập thể Ban Giám đốc Xí nghiệp, hệ thống các cống, kinh, đê: Nguyễn Văn Tiếp, Trương Văn Sanh, Bắc Đông, Phủ Chung, Bình Phú Ban Dầy… lần lượt được hoàn thành. Thành tích và sự cống hiến về công sức, trí tuệ của ông đã được ghi nhận với tấm Bằng khen của Chính phủ do cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười ký tặng vào năm 1991.

Vị lãnh đạo của một doanh nghiệp vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, nay cũng đã được Đảng trao tặng Huy hiệu Đảng 60 năm. Chính ông đã nhen nhóm ngọn lửa trong buổi ban đầu để ngày hôm nay doanh nghiệp tiếp tục tỏa sáng, hướng về tương lai tốt đẹp.

Anh Đậu
(Theo Báo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 238
  • Khách viếng thăm: 236
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 32739
  • Tháng hiện tại: 2265289
  • Tổng lượt truy cập: 46232522