Long Hưng: Nỗ lực vượt khó xây dựng nông thôn mới

Đăng lúc: Thứ hai - 18/11/2013 10:19
Từ vùng “vành đai trắng” bị bom đạn địch tàn phá nặng nề năm xưa, Đảng bộ, chính quyền và người dân Long Hưng nỗ lực khắc phục khó khăn do chiến tranh để lại, không ngừng vươn lên và đang  chung sức, chung lòng  xây dựng nông thôn mới (NTM).
Rau màu đang phát triển mạnh, góp phần cải thiện đời sống người dân ở Long Hưng.

Rau màu đang phát triển mạnh, góp phần cải thiện đời sống người dân ở Long Hưng.

CHẶNG ĐƯỜNG 38 NĂM

Huyện lộ 35, con đường sỏi đỏ xuống cấp, bụi bay mù mịt ngày nào, giờ đã trải nhựa phẳng phiu đưa chúng tôi trở lại Long Hưng trong một ngày của trung tuần tháng 11. Những tuyến đường dal rộng rãi nối với huyện lộ xương sống này vào tận ngõ xóm bên những vườn vú sữa đang cho trái trĩu cành, luống rau xanh mướt làm cho quê hương Nam Kỳ Khởi Nghĩa thêm rộn rã, khởi sắc. Tất cả như đang háo hức chào mừng cái ngày lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời của xã Long Hưng cách nay 73 năm.

38 năm trôi qua, những ai từng chứng kiến Long Hưng trong những ngày đầu sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, giờ trở lại đã cảm nhận rất rõ sự đổi thay. Trung tá Ngô Thanh Truyền, cựu chiến binh đang sinh hoạt tại Chi bộ ấp Long Thạnh A bày tỏ:

“Mảnh đất bom cày, đạn xới nặng nề trong chiến tranh năm xưa đang đổi thay từng ngày. Điện, đường, trường, trạm được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa phục vụ cho nhu cầu học hành, đi lại, sinh hoạt của người dân. Trước đây, hầu hết đường giao thông nông thôn là đường đất, rất khó đi, giờ đã cứng hoá, sạch sẽ, thông suốt đến tận xóm ấp.”

Từ sản xuất độc canh cây lúa, Long Hưng chuyển đổi dần theo hướng đa canh, chuyên canh với cơ cấu cây trồng chủ yếu là vườn cây ăn trái, rau màu… Đời sống của người dân dần được cải thiện, nâng lên; số hộ khá, giàu ngày càng nhiều hơn, số hộ nghèo giảm nhanh.

Chị Nguyễn Thị Hồng Phúc, Bí thư Chi bộ ấp Long Thạnh A cho biết: “Hệ thống thủy lợi được quan tâm nạo vét, đảm bảo nước ngọt tưới tiêu cho cây trồng. Từ đó, diện tích cây ăn trái và rau màu phát triển mạnh và đã trở thành cây trồng chủ lực nơi này. Tiến bộ khoa học - kỹ thuật được áp dụng rộng rãi vào sản xuất giúp tăng năng suất cây trồng, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân”.

Trong chiến tranh, Long Hưng 2 lần tự giải phóng xã trước ngày giành chính quyền. Nơi đây đã sinh ra nhiều chiến sĩ cách mạng trung kiên như: Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Tấn Thành, Lê Thị Hồng Gấm, Hồ Văn Nhánh… Ắt hẳn trong ký ức của người dân nơi đây chưa thể quên được hình ảnh vùng đất này từng là chiến trường với những trận đánh ác liệt, bom đạn địch bắn phá liên tục, làm cho nhà cửa tan hoang, gia đình ly tán, vườn tược tiêu điều, ruộng đồng hoang hóa.

Sau ngày giải phóng, người dân quay trở về quê khai hoang phục hóa, gầy dựng lại quê hương. Theo những người dân nơi đây, thời điểm đó phần lớn diện tích đất hoang hóa, một số diện tích sản xuất lúa nhưng hiệu quả rất thấp do nguồn nước tưới chưa đảm bảo, hàng năm bị lũ đe dọa. Đời sống người dân thực sự đổi thay khi có phong trào chuyển đổi cây lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái và tiếp theo sau nữa là cây màu cho thu nhập gấp mấy lần lúa.

Nhằm để phát triển giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn, từ năm 2004 xã phát động phong trào xây dựng GTNT theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Qua vận động và sự hưởng ứng đóng góp của nhân dân cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, đường sá được mở rộng, nâng cấp, tạo thông thoáng trong đi lại, mua bán hàng hóa. Trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa được đầu tư, nâng cấp khang trang.

Từ đó, đời sống người dân được cải thiện, kinh tế - xã hội phát triển thuận lợi, nhu cầu dân sinh như việc khám, chữa bệnh, việc học hành của con em trong xã dần được đáp ứng, đã nâng cao điều kiện sống, dân trí trên địa bàn.

NĂM 2015 CƠ BẢN ĐẠT XÃ NTM

  Dù có nhiều nỗ lực và đạt được nhiều kết quả tích cực, song, đời sống người dân của xã còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng yếu kém. Năm 2011, xã được chọn vào diện xã chỉ đạo xây dựng NTM. Đây là cơ hội để Long Hưng đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân. Sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân cùng sự hỗ trợ tích cực của huyện và các sở, ngành liên quan của tỉnh, Long Hưng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong bước đầu xây dựng NTM.

Ông Cao Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã cho biết, thời gian qua, tỉnh, huyện rất quan tâm hỗ trợ đầu tư cho xã. Năm 2012, Huyện ủy ra Nghị quyết xây dựng cho được xã an toàn về an ninh trật tự và xã văn hóa. Có sự tập trung hỗ trợ của các sở, ngành tỉnh, huyện cùng với sự nỗ lực cao của xã, đến tháng 10, Long Hưng được công nhận xã an toàn về an ninh trật tự. Đến cuối năm, xã được công nhận xã văn hóa. Đây là những tiền đề, động lực để xã đi lên NTM.

Xác định cơ sở hạ tầng là nền tảng đi lên NTM, tiền đề nâng các tiêu chí khác, xã bắt tay vào vận động nhân dân hiến đất để nâng cấp, mở rộng giao thông. Huyện lộ 35 qua địa bàn hôm nay được mở rộng, trải nhựa thênh thang, người dân đi lại thuận tiện là kết quả của sự hưởng ứng, tham gia của nhân dân.

Không dừng lại ở hiến đất, nhiều nơi bà con còn bỏ tiền ra làm nền đường, ủng hộ ngày công, tiền để xây dựng đường GTNT. Với phương thức công khai, dân chủ, trong năm 2012, 2013, Long Hưng đã triển khai nâng cấp, mở rộng đường Long Bình A, Long Thuận A; tuyến đường qua ấp Nam, Long Lợi bằng phương thức dân tự bàn bạc thống nhất mức đóng góp, tự làm nền đường.

Từ đó, xã rút kinh nghiệm và triển khai cho các ấp trên tinh thần công trình giao thông qua địa bàn ấp nào thì đưa ra dân nơi đó bàn bạc, thảo luận và tự thống nhất mức đóng góp. Từ những nỗ lực, cách làm trên, đến nay có khoảng 90% tuyến đường liên ấp đạt chuẩn NTM.

Bên cạnh đó, xã đã được huyện đầu tư xây dựng hoàn tất các trụ sở ấp; đang triển khai xây dựng nhà văn hóa xã. Trước đây, Long Hưng không có chợ, người dân buôn bán tự phát, vừa qua có một hộ dân ở ấp Long Thạnh B  hiến 1.000 m2 đất, tự san lấp mặt bằng, tự bỏ tiền ra xây dựng nhà lồng chợ để quy tập bà con vào buôn bán (sau 3 năm mới tính đến việc thu tiền chợ).

Những năm qua, phong trào chuyển đổi từ đất lúa sang cây ăn trái, rau màu phát triển mạnh, đến nayxã không còn đất lúa. Đời sống nâng lên, kinh tế phát triển đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã đến cuối năm 2012 còn 4,5%. Năm 2013, qua khảo sát  điều tra, Long Hưng đang đề nghị thoát nghèo tiếp 33 hộ.

Kết quả, thuận lợi là thế nhưng Long Hưng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy đời sống người dân được cải thiện nhưng thu nhập vẫn còn khá bấp bênh và còn khoảng cách khá xa so với yêu cầu của tiêu chí; vốn đầu tư của Nhà nước cho cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, trong khi việc đóng góp của người dân có giới hạn…

Nhận thấy nhiều khó khăn, thách thức đang ở phía trước, Long Hưng đã xây dựng lộ trình hoàn thành các tiêu chí theo từng năm và đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng chất tiêu chí theo yêu cầu. “Bên cạnh duy trì 9 tiêu chí đã đạt, trước mắt xã tập trung vào các tiêu chí không cần hoặc cần ít nguồn lực đầu tư; nỗ lực, tranh thủ sự hỗ trợ của các ngành, các cấp nâng 10 tiêu chí còn lại để đến năm 2015 cơ bản đạt xã NTM”- ông Hiệp cho biết.

N. Văn
(Theo Báo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 151
  • Khách viếng thăm: 149
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 26727
  • Tháng hiện tại: 2259277
  • Tổng lượt truy cập: 46226510