Làm đậu ván - Nghề truyền thống không bị mai một

Đăng lúc: Thứ ba - 11/05/2010 13:54
Làm đậu ván - Nghề truyền thống không bị mai một

Làm đậu ván - Nghề truyền thống không bị mai một

Tùy theo vùng, miền, đậu ván còn có tên gọi là ván đậu, đậu hủ hay tàu hủ miếng... Đậu ván là một loại thực phẩm bấy lâu nay được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Chính vì thế, mặc dù thu nhập không cao, nhưng ở cù lao Tân Phong, huyện Cai Lậy có nhiều gia đình đến ba đời vẫn còn giữ vững nghề truyền thống này và quyết không để nó bị mai một.

Đậu ván được chế biến từ hạt đậu nành, có giá trị dinh dưỡng cao cho sức khoẻ con người. Vài chục năm trước, Tân Phong có một chợ xã cho nên chỉ có một cơ sở chế biến, vì mặt hàng này chỉ phục vụ cho một số ít người ăn chay vào những ngày 14, rằm, 30, mùng 1... Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây người tiêu dùng rất ưa chuộng loại thực phẩm này, vì nhiều lợi ích như rẻ tiền, dễ ăn, bổ dưỡng, dùng nó để chế biến được nhiều món ăn trong gia đình như nấu canh chua, kho, chiên, xào, nấu lẩu... Hơn nữa, hiện nay do ảnh hưởng dịch bệnh trên gia súc gia cầm, giá cả nhiều loại thực phẩm ngày càng tăng, nên số người thích dùng đậu ván trong xã ngày một gia tăng. Theo đó, chợ tự phát ở các ấp mọc lên đều khắp, số hộ làm đậu ván cũng phát triển theo. Hiện nay, toàn xã có 6 điểm làm đậu ván phục vụ đều khắp ở 7 điểm chợ ấp, chợ trung tâm xã, trong đó có 3 điểm hoạt động lâu năm nhất thuộc ấp Tân Bường B và Tân Luông A.

Ông bà xưa kể lại rằng, nấu đậu đỗ vào khuôn bằng ván gỗ, nên gọi là đậu ván. Quá trình chế biến và hoàn thành từng miếng đậu ván đòi hỏi người chế biến phải bỏ công sức nhiều, nên rất cần tính tỉ mỉ, cẩn thận, nhanh nhẹn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm... Theo các hộ làm đậu ván cho biết, đậu nành mua về phải lựa thật sạch rồi đem rửa hết bụi đất, ngâm khoảng 4 giờ đồng hồ, thấy mềm rửa lại rồi cho vào cối xay bằng máy, vừa xay vừa lược xác (bã), nên miếng đậu ván rất mịn, xác đậu có thể dùng để chế biến các món ăn và còn để bán cho những hộ chăn nuôi gia súc gia cầm. Đậu xay xong đem nấu, canh lửa vừa phải, khi sôi lên là cho ra thau, rồi cho nước muối hoặc thạch cao vào (loại thạch kiến thiên nhiên đun lửa, tán nhuyễn) - đây là cách làm truyền thống từ trước đến nay, khi nước đậu vừa có độ đặc thì cho ngay vào khuôn, khuôn bằng ván gỗ có lót vải the phía dưới và trên, sau đó dùng vật nặng đè lên khuông khoảng nửa giờ là đậu được cắt thành từng miếng. Đặc biệt, các cơ sở trong xã hoàn toàn không dùng đến bất cứ một loại chất hóa học nào, cho nên người dân trong vùng rất ưa chuộng là thế.

"Trăm ruộng bề bề, không bằng nghề trong tay". Chị Năm ấp Tân Luông A là người con vùng đất Cái Bè, trước khi lấy chồng về Tân Phong chị được ông, cha truyền cho nghề làm đậu ván, thế là gần 30 năm nay nhờ có cái nghề trong tay, chị đã cùng chồng lo cho các con học hành đến nơi chốn và còn mua sắm thêm vài công đất vườn. Bởi, không chỉ bán lẻ, chị Năm là một trong các cơ sở chế biến đậu ván nhiều nhất trong xã, bình quân mỗi ngày từ 30kg đậu nành chị cho thành phẩm trên 200 miếng đậu ván, trừ chi phí chị còn lời khoảng 100 ngàn đồng, đến những ngày 14, rằm, 30, mùng 1 chị làm nhiều gấp đôi, vì bán sĩ nhiều hơn ngày thường. Hiện nay, mọi thứ đều lên giá như đậu nành, dầu chiên, củi, túi nilon... với giá bán lẻ 2000đ/miếng thì lời ít. Chị tâm sự: "Làm nghề này mặc dù rất cực, lời ít, nhưng vì đây là nghề cha truyền con nối, tôi không thể nào chán nản và có ý định bỏ nghề".

Để giúp cho số chị em có hoàn cảnh khó khăn, chị Năm  bỏ mối lại cho họ với giá 1.700đ/miếng.  Chị Năm cho ra nhiều loại đậu ván gồm đậu ván tươi, đậu chiên, đậu da, sữa đậu nành, tương hột.

Còn chị Huệ - ấp Tân Bường B thì khác hơn, đậu ván chị làm ra chỉ bán lẻ tại nhà và thường khi không đủ cung ứng cho người tiêu dùng, chị chuyên bán đậu ván trắng. Chị Huệ cũng là người thuộc thế hệ thứ ba của gia đình, nối tiếp nghề này  gần ngót 30 năm, bởi tuổi cao  nên chị không làm nhiều. Thế mà "hôm nào bị cúp điện, không làm được thấy buồn lắm, vì không đáp ứng nhu cầu cho bữa ăn của bà con" - chị Huệ bộc bạch. Điều đáng nói, mỗi khi ai đến hỏi cách làm đậu ván và ngay cả cách chế biến tương hột thì chị Huệ sẵn sàng hướng dẫn tận tình, cặn kẽ, không hề giấu nghề và chị cũng không sợ "mất mối". Chính vì thế, trong xã có nhiều điểm làm đậu ván, tàu hũ nước đường..., đã phục vụ kịp thời cho bà con trên địa bàn.

Quả thật làm đậu ván là một nghề truyền thống của xã Tân Phong, tuy nó không rầm rộ như các nghề khác, nhưng phần nào đã tạo điều kiện thuận lợi về mặt kinh tế gia đình ổn định cuộc sống cho người dân địa phương từ nhiều năm qua cho đến thời điểm hiện nay, trong đó phải kể đến sự gìn giữ lưu truyền nghề này của một số gia đình - quyết không để nó bị mai một.

Nguyễn Thị Bông
(Theo tiengiang.gov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 204
  • Khách viếng thăm: 199
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 20088
  • Tháng hiện tại: 2252638
  • Tổng lượt truy cập: 46219871