Không có bão, các huyện và ngành có liên quan vẫn trực 24/24

Đăng lúc: Thứ sáu - 08/11/2013 08:31
Đến thời điểm này, bão số 13 không gây thiệt hại về người và của cho nhân dân các huyện phía Đông nói riêng và nhân dân tỉnh Tiền Giang nói chung. Tuy nhiên, các huyện và ngành có liên quan từ tỉnh đến huyện vẫn túc trực 24/24 để sẵn sàng ứng phó. Tuy không có bão nhưng trong đêm 6 và 7-11, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã có mưa to và kéo dài suốt đêm. 
Ông Nguyễn Thanh Cẩn - Giám đốc Sở NN-PTNT kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão ở huyện Gò Công Đông.

Ông Nguyễn Thanh Cẩn - Giám đốc Sở NN-PTNT kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão ở huyện Gò Công Đông.

Trước đó, Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương thông báo áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đã đi vào phía Đông Nam biển Đông và có thể mạnh lên thành bão số 13, ảnh hưởng trên đất liền các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ, trong đó có tỉnh Tiền Giang.

Sáng ngày 6-11, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai (PCLB-GNTT) huyện Gò Công Đông tổ chức họp khẩn, triển khai các phương án phòng, chống và ứng phó với ATNĐ, chỉ đạo thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể, thành viên Ban Chỉ đạo PCLB-GNTT huyện trực 24/24 theo nhiệm vụ được phân công. Riêng UBND các xã, thị trấn ven biển tổ chức kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn, tổ chức di dời dân sống ven đê, ven biển, nhất là số người già, phụ nữ và trẻ em vào nơi an toàn trước 15 giờ ngày 6-11.

Đến 9 giờ ngày 6-11, Ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo PCLB-GNTT tỉnh và bà Huỳnh Thị Tỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông dự cuộc họp của Ban Chỉ huy PCLB-GNTT xã Tân Thành nghe báo cáo tình hình chuẩn bị đối phó với ATNĐ.

Theo ông Ngô Phi Trường, Chủ tịch UBND xã Tân Thành, trưa ngày 6-11, xã đã cho 25 hộ có phương tiện đáy neo, đáy 6, 25 chòi có người canh giữ nghêu làm cam kết kêu gọi tàu thuyền vào neo đậu nơi tránh trú bão an toàn ở ấp Đèn Đỏ; các hộ dân sống ven đê ấp Tân Phú, Cầu Muống cũng tổ chức chằng chống nhà cửa, tổ chức di dời phụ nữ, người già, trẻ em ở các nhà thô sơ vào tạm trú các nhà kiên cố trước 12 giờ, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng của nhân dân.

Người dân bắt nghêu được UBND xã gọi vào bờ.
Người dân bắt nghêu được UBND xã gọi vào bờ.

Sau đó, ông Nguyễn Thanh Cẩn và bà Huỳnh Thị Tỏ đi kiểm tra, thị sát một số nơi xung yếu của xã để có biện pháp chỉ đạo cụ thể. Qua kiểm tra, ông Cẩn đánh giá: Ban Chỉ huy PCLB-GNTT từ huyện đến các xã, thị trấn của huyện Gò Công Đông đã có bước chuẩn bị chu đáo, đã triển khai các phương án kêu gọi tàu thuyền vào bờ, chuẩn bị di dân, đảm bảo cơ bản các giải pháp chủ động phòng, tránh bão theo phương châm “4 tại chỗ”…

Theo khảo sát của chúng tôi, đến trước 16 giờ ngày 6-11, Ban Chỉ huy PCLB-GNTT huyện Gò Công Đông đã chỉ đạo các xã, thị trấn ven biển khẩn trương áp dụng các biện pháp phòng tránh ATNĐ gần bờ trên địa bàn; lực lượng công an, quân sự, biên phòng cũng đảm bảo công tác trực sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra, có kế hoạch phân công lực lượng bảo vệ bến bãi, nhà cửa của nhân dân, phối hợp với các ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân cảnh giác phòng, chống tội phạm trộm cắp, bảo quản tốt tài sản của mình và của mọi người, giữ gìn an ninh trật tự khi có bão xảy ra.

Vùng ven biển có đê bao bờ biển gồm thị trấn Vàm Láng, xã Tân Phước, Gia Thuận, Tân Đông, Tân Thành có hơn 2.000 hộ dân đang sống ngoài đê bao. Tất cả đều đã được huy động sẵn sàng di dời đến nơi an toàn nếu có lệnh di dời khẩn cấp.

Theo dự báo, bão số 13 sẽ đổ bộ vào tối 6-11 nên tất cả các ngành có liên quan từ tỉnh đến huyện đều túc trực 24/24. Bão không xảy ra, sáng ngày 7-11, tất cả người dân đã được về nhà. Còn các phương tiện tránh, trú bão vẫn còn theo dõi thông tin có cơn bão mới sẽ xuất hiện trên biển Đông.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo PCLB-GNTT tỉnh Tiền Giang, đến trưa ngày 6-11 đã có trên 670 tàu thuyền vào bờ hoặc tìm nơi tránh, trú an toàn. Còn 705 tàu thuyền đang hoạt động trên biển, trong đó có 537 tàu hoạt động xa bờ, 168 tàu hoạt động ven bờ, tất cả các tàu thuyền này đều được thông báo tình hình diễn biến của bão và không nằm trong khu vực nguy hiểm.

Trước những diễn biến phức tạp của bão số 13, ông Lê Văn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương trong tỉnh tập trung công tác thông tin, tuyên truyền diễn biến của bão. Đối với các tàu thuyền đang hoạt động trên biển, Bộ Đội Biên phòng và Chi cục Thủy sản thường xuyên thông báo cho các phương tiện biết hướng di chuyển của bão để chủ động tìm nơi tránh trú an toàn; đồng thời nghiêm cấm các tàu thuyền ra khơi trong thời điểm này.


(Theo Báo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 414
  • Khách viếng thăm: 409
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 16030
  • Tháng hiện tại: 1881809
  • Tổng lượt truy cập: 48255936