HTX Anh hùng Bình Tây (Tiền Giang): Những bài học tăng trưởng

Đăng lúc: Thứ ba - 27/07/2010 14:51
Nhằm xác lập quan hệ làm ăn mới, hỗ trợ nông dân tổ chức sản xuất hiệu quả, tiêu thụ tốt nông sản hàng hóa, năm 1978, Tiền Giang thành lập HTX kinh doanh tổng hợp Bình Tây (Bình Nhì, Gò Công Tây) với qui mô 1.001 xã viên, 523 ha đất - trong đó có 356 ha đất trồng lúa.

Định hướng đúng trong khai thác các tiềm năng lao động, đất đai, ngành nghề, phát huy vai trò làm chủ tập thể của nông dân trong một giai đoạn mới của đất nước, Bình Tây sớm vươn lên, trở thành cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực kinh tế hợp tác tại Tiền Giang. Năm 2000, HTX Bình Tây vinh dự đón nhận danh hiệu "Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới". Năm 2010, sau 32 năm thành lập và đi vào hoạt động, mặc dù bị ảnh hưởng suy giảm kinh tế toàn cầu, nhưng cỗ máy Bình Tây "vẫn chạy tốt". Cơ ngơi vững vàng, qui mô làm ăn ngày một mở rộng, đời sống xã viên ổn định, an sinh xã hội đảm bảo. Bài học gì rút ra từ con đường đi lên của mô hình HTX Bình Tây?

* Những bước đi ban đầu

Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Chủ nhiệm HTX kinh doanh tổng hợp Bình Tây cho biết, ấp Bình Tây, xã Bình Nhì (địa bàn hợp tác xã) vốn đất gò, nhiễm mặn, điều kiện canh tác hết sức khó khăn. Trước đây, đa phần nông dân làm lúa 1 vụ, năng suất thấp, bấp bênh, sau khi mùa vụ thu hoạch xong, nhiều hộ nông dân phải tha hương đi các nơi kiếm sống. Các ngành nghề nông thôn chưa phát triển, chưa thu hút lao động việc làm. Thành lập trên cái nền nhiều khó khăn đó, Hợp tác xã xác định trước tiên phải cải tạo đất đai, tăng mùa chuyển vụ, mở mang trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề tiến tới kinh doanh tổng hợp. Đó chính là mục tiêu có tính chiến lược ở HTX Bình Tây đã cho thấy tính đúng đắn qua hiệu quả sản xuất thực tế.

Cụ thể, HTX kiện toàn mạng lưới thủy lợi nội đồng, chủ động nguồn nước tưới tiêu, ứng dụng rộng rãi tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh tăng vụ, khuyến khích xã viên đưa nhanh cây màu xuống chân ruộng, chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm, dê bò và những đối tượng có giá trị kinh tế khác. Trong sản xuất nông nghiệp, HTX đi theo hướng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao đang được thị trường trong ngoài nước ưa chuộng. Hiện nay, 100% diện tích canh tác đã đưa lên sản xuất 3 vụ/ năm, 25% diện tích sản xuất theo mô hình 2 vụ lúa + 2 vụ màu (quay 4 vòng/ năm). Nhiều dịch vụ tiện ích được HTX mở ra hỗ trợ bà con, được xã viên hết sức hoan nghênh như dịch vụ bơm tưới, sản xuất lúa giống xác nhận, tiêu thụ nông sản, cung cấp nước sạch, xay xát lúa gạo...

* Chủ động hội nhập và đổi mới để phát triển

Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt cũng cho biết thêm, công cuộc đổi mới và hội nhập, nhất là khi nước ta gia nhập WTO đã thực sự mở ra một chân trời mới. Đón làn gió mát lành, HTX mạnh dạn tiếp tục thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp cho linh hoạt và phù hợp, chuyển trọng tâm từ thuần nông sang kinh doanh tổng hợp đa ngành đa nghề, tạo công ăn việc làm, thu hút lao động, nâng cao thu nhập cho bà con. Ngoài các dịch vụ truyền thống, HTX còn mở thêm nhiều loại hình sản xuất kinh doanh mới như: dịch vụ cửa hàng và kinh doanh chợ nông thôn, dịch vụ sấy lúa gạo...Hiện nay, HTX đầu tư 300 triệu đồng xây dựng hệ thống trạm bơm điện phục vụ bơm tưới cho xã viên tại những địa bàn khó khăn, mỗi năm cung ứng trên 600 tấn giống lúa xác nhận thông qua dịch vụ trồng lúa xác nhận phục vụ nhu cầu sản xuất trong, ngoài tỉnh. Đặc biệt, nhờ có mạng lưới hàng chục đại lý tiêu thụ lúa gạo và nông sản cho xã viên, mỗi năm HTX mua hàng ngàn tấn lúa chất lượng cao, xã viên và bà con nông dân rất phấn khởi. Sấy và xay xát cũng là một trong những mục tiêu lớn của HTX trên lộ trình nâng cao chất lượng hạt gạo hàng hóa của xã viên, HTX hiện có 4 hệ thống sấy lúa đảm bảo sấy 1.000 tấn lúa/ năm góp phần lớn vào việc giảm thất thoát sau thu hoạch, nâng chất lượng hạt gạo xuất khẩu, khẳng định thương hiệu "Bình Tây".

Nhiều lĩnh vực thương mại dịch vụ mà HTX tham gia mang lại hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội lớn - đơn cử như dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt nông thôn. Gò Công Tây - trong đó có HTX Bình Tây vốn là vùng đất nhiễm mặn, khan hiếm nước ngọt gay gắt vào các tháng mùa khô, để khắc phục, HTX đầu tư trên 1,6 tỉ đồng khoan giếng tầng sâu đồng thời lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước đến tận nhà phục vụ 1.800 hộ trong khu vực (có 50% số hộ ngoài HTX), bà con rất hoan nghênh. Thế nhưng mới mẻ nhất có chính là việc HTX mạnh dạn bỏ ra 300 triệu đồng nâng cấp chợ Bình Tây có diện tích 4.000 m2 và hệ thống cửa hàng tiện ích phục vụ nhu cầu mua sắm, buôn bán, trao đổi hàng hóa nông sản phục vụ nhân dân. Đây cũng là bước đi cụ thể của một HTX nông nghiệp trong việc đa dạng hóa ngành nghề, thiết thực phá thế độc canh cho vùng thuần nông nhiều khó khăn và tiến tới xác lập nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao xuất khẩu. Chợ không chỉ là nơi bán buôn bán lẻ mà còn đưa chủ trương "người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" về với nông dân, nông thôn bằng những việc làm cụ thể.

Ngày nay, HTX kinh doanh tổng hợp Bình Tây là "mái ấm" của trên 1.000 xã viên. Nếu cách đây 5 năm tổng nguồn vốn hoạt động chỉ có trên 3 tỉ đồng thì hiện nay đã nâng lên gần 8,3 tỉ đồng; tổng doanh thu 2005 toàn HTX là 3,27 tỉ đồng sang năm 2010 đã nâng lên trên 5,5 tỉ đồng; thu nhập bình quân người lao động cách đây 5 năm chưa đến 750.000 đồng/người/năm thì nay nâng lên trên 1 triệu đồng/người/tháng. HTX kinh doanh tổng hợp Bình Tây không chỉ giữ vững danh hiệu "Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới" mà còn là một trong những hình mẫu tốt về kinh tế hợp tác cần được nhân rộng trong tiến trình đổi mới hôm nay cũng như tương lai.

Minh Trí
(Theo tiengiang.gov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 410
  • Khách viếng thăm: 404
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 58179
  • Tháng hiện tại: 1807079
  • Tổng lượt truy cập: 48181206