Chuyến hàng sau cùng

Đăng lúc: Thứ sáu - 02/05/2014 23:29
Dấu ấn không quên về một chuyến mua hàng tiếp liệu cho hậu cần Đoàn 962 (Đoàn tàu không số) - bến tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc chi viện tại tỉnh Bến Tre của bà Bùi Thị Giàu, người cán bộ công khai Ban Quân báo huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Chuyện xảy ra đã hơn 45 năm.

...Cưới nhau chưa được bao lâu thì giữa năm 1963 chồng tôi - anh Nguyễn Văn Toan (anh thứ chín, anh em trong đơn vị gọi đùa là Chín bình ton) được điều động về Ban Quân báo Đoàn 962, từ ấy chúng tôi chỉ được gần nhau qua những lần đi thăm ngắn ngủi. Trong hoàn cảnh chiến tranh, ở đơn vị nào cũng thiếu thốn đủ thứ. Với kinh nghiệm làm công tác quân báo công khai hợp pháp, tôi đã nhận mua hàng từ vùng giặc chuyển vào cho các anh.

Chuyến đầu tiên tôi đã mua 4 cây vải dù bông - loại dùng để ngụy trang, 1 kiện mùng, võng đều của Mỹ và 1 triệu đồng tiền thuốc men mua từ Sài Gòn. Vải ngụy trang, mùng võng phục vụ cho kho, cho cán bộ bến bãi là hàng hết sức cần thiết, nên khi tôi đi trót lọt, các anh mừng lắm. Từ đó, dường như tôi là một trong những cánh tay vươn dài trong vùng giặc của hậu cần Đoàn 962. Tôi đi trót lọt 3 - 4 chuyến tiếp theo. Vẫn mua những thứ ấy, nhưng khi thì ít hơn, khi nhiều hơn tùy tình hình.

Cho đến một ngày cuối tháng 2-1967, hàng mới chuyển về tới cầu Tân An, tỉnh Long An thì bị cảnh sát đón, xét xe. Chúng bắt tôi với 4 cây vải dù, 2 kiện võng, mùng (lần này không có thuốc). Vừa đưa tôi về tới bộ phận điều tra, chưa hỏi han gì chúng đã đánh. Vì thấy tôi đang mang thai 6 tháng, bụng to nên chúng chỉ đánh trên lưng, trên vai; đánh nhiều lần, tôi quyết không khai. Chúng chuyển qua tra điện, đến lúc ấy tôi mới nghĩ đến đứa con trong bụng - giọt máu của anh Chín mà tôi đang mang.

Một đêm thức trắng suy nghĩ rồi ngày hôm sau tôi nhận: Vì nghèo không có tiền nuôi con, các ông Việt cộng về mướn tôi đi mua, cho chút tiền. Tôi biết giặc không tin, chúng tiếp tục tra tấn và giam ở phòng biệt giam cho tới nửa tháng vẫn không khai thác được gì, đã chuyển qua trại giam.

Chị em tù chính trị trong nhà lao Tân An tập trung chăm sóc tôi. 3 tháng sau tôi chuyển dạ sanh, được chị em trong trại đấu tranh buộc địch phải đưa tôi ra nhà thương sinh. Do bị tra tấn nhiều, khi sinh, tôi và con gái đều yếu, phải nằm lại nhà thương suốt 1 tuần, có 2 thằng cảnh sát theo canh suốt.

Mẹ con tôi bị đưa trở lại nhà lao Tân An. 1 tháng sau chúng chuyển xuống Ty an ninh Định Tường (Mỹ Tho) vì tôi là người ở xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành. Chúng tiếp tục tra tấn, thẩm vấn suốt 12 ngày sau mới thả. Mẹ con khấp khởi bồng bế về nhà và soạn sẵn tên đặt cho con: Mãnh. Anh nó là Dũng. Dũng - Mãnh. Thầm nghĩ: Mẹ con mình dũng mãnh, cả nhà dũng mãnh.

Về đến nhà không lâu thì nhận được tin anh Chín chiến đấu và hy sinh ở thị trấn Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Anh chồng tôi - anh Nguyễn Văn Toản (Tám Toản, nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 265 B) đã kể lại trận chiến đấu mà chồng tôi hy sinh: …

6 giờ 30 phút, pháo hạm bắn cấp tập dọn đường đánh chiếm cồn Điệp (tỉnh Bến Tre), sau đó cánh quân Mỹ bắt đầu triển khai đội hình hành quân. Địch cho 3 - 4 tên đi trước trong tư thế súng xuống tay, đội hình đi sau cách chừng 10 m.

Chờ cho địch đến cách công sự khóa chặn đầu chừng 20 m, anh Tám Toản mới bóp cò súng trung liên phát lệnh. Toàn đội nổ súng, lựu đạn, thủ pháo đánh tới tấp vào đội hình địch, diệt sạch toán quân lọt vào trận địa. Hơn 1 giờ nổ súng diệt nhiều lính Mỹ, tổ chi viện của Chín Toan nổ súng kềm chân địch cho tổ khóa chận đầu rút về phòng ngự.

Đến khoảng 17 giờ, Chín Toan đến gặp lãnh đạo là anh Tám Toản xin cho đánh chúng lần cuối. Anh Tám Toản nói: “Đội trinh sát đã đánh địch suốt ngày, diệt 67 lính Mỹ, chặn được địch xuống cồn Điệp và bảo toàn lực lượng là thắng lợi lớn. Anh em đã mệt, ta còn phải chuẩn bị để đánh tiếp…”.

Chín Toan tiếp tục đề nghị: “Anh chấp thuận cho chúng em đánh lần nữa đi, cho quân Mỹ bỏ ăn, không dám ngủ, cho chúng biết quân giải phóng là ai mới được!”. Cuối cùng anh Tám Toản cũng chấp thuận cho đánh. Và trận “đánh chúng lần cuối” ấy anh Chín Toan hy sinh.

Trở lại chuyện của tôi, nhà hồi ấy không có ruộng, khi được thả về, UBND cách mạng xã cấp cho 5 công đất ruộng. Tôi vẫn tiếp tục công tác công khai ở Ban Quân báo Huyện đội Châu Thành, gởi 2 con cho ông ngoại nuôi. Cho đến năm 1973, ngoại già yếu, ruộng không ai làm, tiền phụ cấp mỗi tháng chỉ 200 đồng với 30 lít gạo không đủ nuôi con, cộng với tình hình đại đội biệt kích thằng Huỳnh Hoa lùng sụt suốt ngày đêm, từng ngõ ngách.

Không còn có thể hoạt động hợp pháp được, tôi xin ý kiến các anh Huyện đội, Huyện ủy cho tôi tạm ngưng việc. Các anh đồng ý. Tôi nhờ người quen đưa 2 con vào Cô nhi viện Sài Gòn, còn tôi thì làm công cho tới ngày giải phóng. Đất nước hòa bình, tôi bám 5 công ruộng nuôi con. Dũng thi rớt đại học nên nghỉ về giúp mẹ nuôi em. Sau đó, Mãnh tốt nghiệp Trung học Sư phạm, về dạy ở trường tiểu học xã nhà hơn 20 năm nay.

Nguyễn Hữu Chí
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 407
  • Khách viếng thăm: 405
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 109861
  • Tháng hiện tại: 1858761
  • Tổng lượt truy cập: 48232888