Nhà văn Lê Văn Thảo: Văn chương là nỗi niềm và thân phận

Đăng lúc: Thứ tư - 09/11/2016 10:50
Tôi nhớ, năm 2004, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức Trại Sáng tác truyện ngắn, đã mời Nhà văn Lê Văn Thảo, Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh về Tiền Giang nói chuyện về nghệ thuật truyện ngắn và nhận xét về tác phẩm của các tác giả tham dự trại.

Năm 2007, Hội Văn học - Nghệ thuật Tiền Giang lại mời Nhà văn Lê Văn Thảo tham gia Ban chung khảo Cuộc thi Truyện ngắn Tiền Giang năm 2005 - 2007. Ấn tượng của tôi về Nhà văn Lê Văn Thảo trong những buổi gặp gỡ của ông với các tác giả chính là sự từng trải, chân thành và hóm hỉnh. Ông có chất giọng trầm lắng như đang thủ thỉ, tâm tình với những người bạn thân quen. Ông nói về nghệ thuật truyện ngắn và quá trình sáng tác của ông bằng chính sự chiêm nghiệm mang tính máu thịt. Ông chỉ nói những gì liên quan đến sự trải nghiệm của chính ông. Chính vì thế, những gì ông nói thường cuốn hút người nghe, cho dù đó là người viết văn hay chỉ là bạn đọc.

Nhà văn Lê Văn Thảo cho rằng, kinh nghiệm văn chương là cái riêng của mỗi người. Ai muốn theo nghề văn, ngoài niềm đam mê thì phải có kinh nghiệm và thủ thuật viết văn. Viết văn cũng là một nghề. Nghề viết văn chính là nghệ thuật tạo cảm xúc đối với người đọc. Nghề viết văn dễ bị ngộ nhận chỉ cần năng khiếu chứ không cần học gì cả. Nếu ai có ý định theo nghề viết văn thì cần phải có sự theo đuổi nghề bằng cách tự học, tự chiêm nghiệm.

Nhận xét về “chất liệu” hiện thực của cuộc sống ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để các nhà văn khai thác trong các tác phẩm văn xuôi, Nhà văn Lê Văn Thảo khẳng định: ĐBSCL là vùng đất mới nên là chất liệu dồi dào để các nhà văn khai thác thành truyện ngắn và tiểu thuyết. Tuy nhiên, các tác giả nên chú ý về mặt ngôn từ.

Ngôn ngữ trong tác phẩm văn xuôi phải chính xác, phải thể hiện được trạng thái tình cảm, tính cách của nhân vật chứ không chỉ là những từ địa phương. Ông tâm sự: “Nhà văn có tài là người biết bỏ cái gì chứ không phải viết cái gì. Nhà văn chỉ nên miêu tả một cách khách quan về nhân vật và diễn biến sự việc. Muốn vậy, nhà văn phải biết lắng cảm xúc lại và có sự gạn lọc thì tác phẩm mới hay”.

Nhà văn Lê Văn Thảo từng thổ lộ: “Tôi không có giáo huấn gì trong sáng tác văn học, không dạy ai trong các trang viết. Tôi ít tranh cãi nhưng cũng không chiều chuộng. Văn học đối với tôi là nỗi niềm, thân phận, lương tâm, những trải nghiệm cuộc đời và đôi điều suy tư từ những năm tháng sống lặn lội”. Sáng tác truyện ngắn và tiểu thuyết đối với Nhà văn Lê Văn Thảo chính là sự chiêm nghiệm về thân phận của con người và bộc lộ sự trải nghiệm của nhà văn.

Ông viết chậm, thường sửa đi sửa lại bản thảo hàng chục lần trước khi xuất bản. Tác phẩm văn xuôi của ông thường tập trung khắc họa tính cách và chiều sâu tâm hồn của con người Nam bộ. Theo ông, tác phẩm văn xuôi phải có ý nghĩa về mặt thẩm mỹ và nhân sinh. Nhà văn khi khắc họa nhân vật cần tránh miêu tả theo kiểu tự nhiên chủ nghĩa, tạo sự ghê rợn đối với người đọc; tránh viết văn theo kiểu “làm dáng”, uốn éo về ngôn từ. Ông cho rằng, tác phẩm văn xuôi chính là kể chuyện, nhà văn cần kể một cách tự nhiên và hợp lý. Phương châm của ông khi viết văn chính là viết giản dị, giọng văn bình thản và tạo những “khoảng trống” để người đọc tự chiêm nghiệm.

Võ Tấn Cường
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 217
  • Khách viếng thăm: 211
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 30642
  • Tháng hiện tại: 2195302
  • Tổng lượt truy cập: 46162535