Nghề vẽ tranh kiếng thờ ở TP. Mỹ Tho

Đăng lúc: Thứ sáu - 23/01/2015 09:29
Về lịch sử, nghề vẽ tranh kiếng được truyền vào Việt Nam do những di dân người Hoa vào đầu thế kỷ XX. Xuất phát từ các tiệm kiếng ở Chợ Lớn, về sau một số thợ vẽ tranh kiếng nơi đây đã về Lái Thiêu (nay là tỉnh Bình Dương).

Tháng 7-1885, tuyến đường sắt đầu tiên ở Đông Dương được thành lập, nối liền Sài Gòn với Mỹ Tho. Sự kiện này đã thu hút một số nghệ nhân vẽ tranh kiếng tìm đến Mỹ Tho lập nghiệp.

Có một điều đặc biệt, Mỹ Tho không phải là trung tâm sản xuất, kinh doanh tranh kiếng lớn như Lái Thiêu, cù lao Chợ Mới ở An Giang. Nơi đây, sản phẩm chủ yếu tự cung, tự cấp. Đôi lúc cung không đáp ứng đủ cầu thì nghệ nhân mới đặt hàng ở các nơi khác.

Có thể nói, tranh kiếng thờ ở Mỹ Tho có sức ảnh hưởng và sự lan tỏa vô cùng mạnh mẽ trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng và thờ cúng ông bà.

Mặc dù đa số nghệ nhân chưa qua trường lớp mỹ thuật chính quy nào, chỉ vẽ theo năng khiếu và cảm xúc của mình, nhưng mỗi nghệ nhân đều có cách thể hiện theo cảm xúc, chất liệu và sáng tạo riêng.

Có thể nói, nghệ nhân đầu tiên mở đầu cho tranh kiếng thờ ở TP. Mỹ Tho là ông Trần Văn Đẩu, là nghệ nhân vẽ tranh kiếng ở Lái Thiêu. Vào khoảng năm 1950, ông về Mỹ Tho hành nghề. Phần lớn thời gian ông đi vẽ dạo, sang tận tỉnh Bến Tre.

Người duy nhất kế tục hành nghề vẽ tranh kiếng là nghệ nhân Bảy Be, là con trai của ông Đẩu (hiện vẫn còn hành nghề tại cù lao Thới Sơn, nhưng quy mô rất nhỏ). Những học trò của ông Ba Đẩu chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó hiện chỉ có 2 người vẫn còn hành nghề là nghệ nhân Nguyễn Văn Nhựt và Phạm Công Sơn.

Ngoài ra, còn có các nghệ nhân khác do có năng khiếu và lòng đam mê vẫn hành nghề vẽ tranh kiếng như Đào Công Hải (ngụ phường 5), Văn Chánh (xã Đạo Thạnh), Tân (gần Bến xe khách Mỹ Tho)…

Nghệ nhân Nguyễn Văn Nhựt sinh năm 1956 cho biết, những năm 1980 anh theo học các khóa vẽ của Trường Hành chính tỉnh Tiền Giang (tọa lạc ở Bến Tranh). Từ khi gặp nghệ nhân vẽ tranh kiếng Trần Văn Đẩu, anh mê quá và xin theo học nghề. Sau khi lành nghề, anh mở cơ sở làm tại nhà (ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho).

Anh cho biết, “tiếng lành đồn xa”, các nơi đổ về đặt hàng ngày càng nhiều, hiện nay tranh kiếng của anh ngoài các sản phẩm đặt hàng của khách lẻ, còn được các tiệm ở Gò Công, thị trấn Tân Hiệp (huyện Châu Thành), huyện Tân Trụ và Bến Lức (tỉnh Long An), tỉnh Bến Tre thường đến đặt hàng với số lượng lớn.

Người học trò thứ hai của nghệ nhân Ba Đẩu là anh Phạm Công Sơn - người vẫn “bám trụ” với nghề vẽ tranh kiếng gần 30 năm qua (từ năm 1985). Cũng như nghệ nhân Nguyễn Văn Nhựt, nghệ nhân Phạm Công Sơn vẽ tranh tại nhà (đối diện cây xăng hậu cần Công an tỉnh, đường Thái Sanh Hạnh - lộ Ma cũ).

Liếc nhìn xung quanh nhà, tôi bắt gặp những bức tranh liễn thờ, tranh thờ các vị Phật với nhiều phong cách, đặc biệt là sự phối hợp màu sắc với nhũ vàng, kim tuyến và vỏ ốc xà cừ.

Ngoài những nghệ nhân trên, tôi còn được dịp tiếp xúc với các nghệ nhân khác, chưa qua trường lớp dạy vẽ tranh kiếng nào như anh Hồng Sơn (gần Cổng chào TP. Mỹ Tho - giáp xã Song Bình, huyện Chợ Gạo), anh Văn Quế (hẻm vựa lá Thanh Tòng, phường 5, TP. Mỹ Tho), anh Chánh (ấp 2, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho)...

Nhìn chung, tranh kiếng Mỹ Tho (kể từ thời nghệ nhân Trần Văn Đẩu) có 2 loại rất đặc trưng: tranh kiếng vẽ màu ngũ sắc lẫn tranh kiếng cẩn ốc xà cừ. Có thể nói, từ khi đưa chất liệu vỏ ốc xà cừ vào, tranh kiếng Mỹ Tho ngày càng thịnh hành và chiếm ưu thế hơn so với các vùng lân cận.

Một trong những sản phẩm tranh kiếng thờ thời thượng ở Mỹ Tho, từ lúc khởi phát đến nay là các bộ tranh thờ tổ tiên. Kiểu thức của các bộ tranh này bắt nguồn từ bức khuôn đố thờ tổ tiên 9 tròng được tạo tác bằng gỗ chạm sơn thiếp truyền thống. Kiểu cách hơn là thêm 1 tấm hoành đặt ở phía trên với dòng chữ đề tên tộc như “Nguyễn Phủ Đường”, “Lê Phủ Đường” hay câu “Đức Lưu Phương”, “Phước Lộc Thọ”…

Các bộ tranh kiếng thờ tổ tiên có đề tài “Mai - Lan - Cúc - Trúc” cho dù là tranh cẩn xà cừ, tranh sơn thủy hoặc kết hợp, cả 2 đều thể hiện với ngụ ý “Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

Tuy nói là đề tài Mai - Lan - Cúc - Trúc, song khi thể hiện ở bức tranh chính, ở tròng trung tâm chính có 2 loại: Một là, lấy hình tượng cội mai lão làm chủ thể, nhằm biểu ý “cây có cội” và kiểu khác lấy bụi tre/trúc làm chủ thể nhằm biểu ý “tre tàn măng mọc”.

Các tròng bao quanh chỉ có chức năng trang trí, chẳng hạn như đề tài lục bình, đĩa ngũ quả, hoa trái… không có tính bó buộc, song đôi liễn ở 2 bên phải tuân thủ quy tắc nhất định, phổ biến là: “Tổ đức tôn công thiên tử thạnh / Tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh”. Song, nếu loại tranh này làm cho chồng thờ vợ thì câu liễn lại là “Thê hồi âm cảnh an nhàn lạc / Phu tại dương trần khả bi ai” hoặc ngược lại thì đổi thành là “Phu hồi âm cảnh an nhàn lạc / Thê tại dương trần khả bi ai”.

Về sau, ta thường thấy chẳng những ở Mỹ Tho mà hầu hết các tỉnh miền Tây Nam bộ tập tục thờ tổ tiên hay dùng cụm từ “Cửu huyền thất tổ”, khi này câu liễn thờ phải là “Kính cửu huyền thiên niên bất tận / Trọng thất tổ nội ngoại tương đồng” (chữ đề trong tranh kiếng thờ của nghệ nhân Nguyễn Văn Nhựt, TP. Mỹ Tho)

Nguyễn Đức Minh
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 179
  • Khách viếng thăm: 172
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 7368
  • Tháng hiện tại: 2239918
  • Tổng lượt truy cập: 46207151