Nghệ nhân miệt mài chế tác cặp rồng gáo dừa độc đáo

Đăng lúc: Thứ hai - 20/08/2012 10:10

Đam mê chế tác đồ thủ công mỹ nghệ với nguyên liệu từ cây dừa, anh Nguyễn Hoàng Nguyễn (sinh năm 1984, ngụ ấp Bình Đức (Bình Phú, Cai Lậy) miệt mài chế tác cặp rồng bằng gáo dừa độc đáo.

Anh Nguyễn bên con rồng gáo dừa đầu tiên vừa hoàn thành.

Anh Nguyễn cho biết, anh ấp ủ ý tưởng làm cặp rồng bằng vật liệu chính là gáo dừa cách đây hơn 2 năm, nhưng đến nay mới có điều kiện thực hiện.

Quê quán ở xứ dừa Bến Tre, anh Nguyễn nhận thấy gáo dừa là vật liệu rất đặc biệt về độ bền và tính thẩm mỹ: để lâu sẽ lên màu đen mun và bóng; nắng mưa, mối mọt không làm hư hỏng. Thế nhưng, người dân quê anh sau khi sử dụng cơm dừa, phần gáo hầu như chỉ dùng làm chất đốt.

Vì vậy, ngoài nghề nghiệp đang làm là tạo hình cây cảnh, anh Nguyễn còn đeo đuổi niềm đam mê khác là tạo ra các tác phẩm mỹ nghệ với vật liệu chính là gáo dừa để làm tăng chuỗi giá trị từ cây dừa - một biểu tượng của quê hương.

Anh đã thử chế tác các sản phẩm bằng gáo dừa có kích thước nhỏ khá thành công, nhưng khi bắt tay làm cặp rồng gáo dừa kích thước “khủng”, anh Nguyễn chịu rất nhiều áp lực.

Sau khi có ý tưởng, anh chọn dáng “rồng thủ” để phác thảo trên giấy và mua sắt về tự tay lên khuôn thành con “rồng sắt” có chiều dài 21m (tính cả chiều uốn lượn), đường kính 1,8m và mất gần một tháng trời để chỉnh sửa cho vừa ý. Khó khăn nhất là phần tạo vẩy bằng gáo dừa cho cặp rồng.

Anh Nguyễn và 5 người thợ đã mất 2 ngày để chọn mua 3,5 tấn gáo dừa còn nguyên vẹn tại một cơ sở sản xuất kẹo dừa ở Bến Tre. Có nguyên liệu, anh cùng gia đình và những người thợ miệt mài làm sạch, cắt gáo dừa thành các mảnh nhỏ để làm vẩy. Theo anh Nguyễn, mỗi gáo dừa được chọn, anh cắt thành 6 miếng để làm vẩy rồng. Để kết dính các gáo dừa lại với nhau vừa khít theo tạo hình của khung sắt cũng không dễ dàng như ý tưởng ban đầu.

Anh kể: “Suốt tuần đầu tiên, tôi loay hoay với việc ghép vào rồi lại gỡ ra 50cm vẩy rồng. Để kết dính các miếng gáo dừa, tôi đã thử qua nhiều chất liệu như dùng mạt cưa hoặc cám gạo kết hợp keo 502 nhưng không thành công. Cuối cùng, tôi khắc phục nhược điểm này bằng cách: mỗi miếng gáo dừa phải cắt khác nhau thì mới có thể ghép khít lên thân rồng và sử dụng mạt cưa của gáo dừa kết hợp keo 502 làm chất kết dính. Công đoạn cuối cùng là quét keo hỗn hợp lên thân rồng để tạo độ bóng đẹp”.

Sau 4 tháng làm việc cật lực, anh Nguyễn đã hoàn thành con rồng gáo dừa đầu tiên. Hiện nay, anh và 5 người thợ đang bắt tay chế tác con rồng gáo dừa thứ hai. Nếu tính nguyên liệu và công thợ, ước tính chi phí cho cặp rồng gáo dừa của anh Nguyễn gần 400 triệu đồng - một số tiền không nhỏ cho niềm đam mê.

Gia đình anh Nguyễn quê ở Cái Mơn (Vĩnh Thành, Chợ Lách, Bến tre) - “cái nôi” của nghề sản xuất và kinh doanh hoa kiểng. Vì cuộc mưu sinh và đam mê nghề tạo hình cây cảnh nên cả nhà đến ấp Bình Đức (Bình Phú, Cai Lậy) thuê đất lập nghiệp. Anh thừa hưởng sự khéo léo và óc sáng tạo của người cha là một nghệ nhân tạo hình cây cảnh. Hai năm nay, các sản phẩm tạo hình trên cây cảnh (chủ yếu là cây gừa tàu) của cơ sở Năm Thảo do anh Nguyễn làm chủ đã có mặt khắp các tỉnh miền Tây và các tỉnh phía Bắc.

Anh Nguyễn cho biết, ban đầu anh làm cặp rồng gáo dừa chỉ để thỏa niềm đam mê nghệ thuật tạo hình và dự định sẽ trưng bày tại cơ sở. Tuy nhiên, khi một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, rất nhiều khách tham quan đã tìm đến và thỏa thuận giá cả để mua lại cặp rồng gáo dừa khi hoàn thành. Điều này càng khích lệ anh theo đuổi việc chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ gáo dừa.

Quế Ngân
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 109
  • Hôm nay: 51983
  • Tháng hiện tại: 2252272
  • Tổng lượt truy cập: 48626399