Gò Công dấu xưa

Đăng lúc: Thứ tư - 20/01/2016 04:09
Những nhà nghiên cứu đã ví von rằng: Gò Công là cánh đồng như bao cánh đồng mênh mông Nam bộ khác được tô bồi bởi phù sa của dòng sông lớn Chín Rồng, “lưu dân” đến pha mồ hôi với đất phèn trồng các loại cây thấy ăn được nên mới ở lại. Gian lao bao đời mới gầy được mảnh đất đầy ắp tình đời này. Và mỗi khi nhắc đến vùng đất Gò Công, nhiều người nghĩ về TX. Gò Công ngày nay - nơi hội tụ của nền văn minh, văn hóa lâu đời.
Dinh Tham Biện (dinh Tỉnh trưởng ngày nay) được xây dựng năm 1885.
Dinh Tham Biện (dinh Tỉnh trưởng ngày nay) được xây dựng năm 1885.

TX. Gò Công đã trải qua biết bao thăng trầm của chiều dài lịch sử đất nước. TX. Gò Công ngày nay là sự phát triển nối tiếp của 2 thôn Thuận Tắc và Thuận Ngãi (thuộc Tổng Hòa Lạc) để thành làng Thành phố vào ngày 31-3-1885. Đây là địa phương duy nhất trong cả nước mang tên làng Thành phố vào nửa sau thế kỷ XIX.

“Tôi muốn nhấn mạnh đến ý nghĩa của 2 tên Thuận Ngãi và Thuận Tắc. Lưu dân ở miền này mến chỗ ở mới nhưng khoắc khoải nhớ chỗ cũ, hy vọng miền đất mới mưa thuận gió hòa và ngầm nhắc nhớ quê hương đất Thuận Hóa bao la và bộ phận Quảng Ngãi, nên làng lớn phía Nam đặt là thôn Thuận Ngãi và nhắc nhở nhau rằng nên thuận theo phép tắc của vùng đất mới thành thôn Thuận Tắc. Vậy đa số cư dân tạo lập trung tâm trù phú này xuất phát từ quê Quảng Ngãi”(1).

Từ giữa thế kỷ XIX, vùng đất này, đặc biệt là nội ô đã mang dáng dấp của một đô thị sầm uất với chợ Gò Công nằm bên con rạch lớn, nhiều nhà vườn được chia ô của những người giàu có. Đầu thế kỷ XX, làng Thành phố đã mang nét cổ xưa, với những ô phố bàn cờ, đường phố hẹp và ngắn, những dãy phố mái ngói âm dương. Những kiến trúc như nhà phố, nhà vườn, nhà kho, lẫm lúa, hồ nước... tạo nên cảnh quan đô thị đặc biệt, riêng có của Gò Công.

Nhà Đốc Phủ Hải được xây dựng năm 1860, đến nay vẫn còn.
Nhà Đốc Phủ Hải được xây dựng năm 1860, đến nay vẫn còn.

Trong cuốn “Địa phương chí Gò Công” do Tỉnh trưởng Gò Công - ông Gimald viết vào năm 1936 mô tả làng Thành phố: “Vào năm 1862, làng Thành phố trở thành tỉnh lỵ được xây dựng và khai phá. Những công trình xây cất vững chắc được dựng lên thay thế những căn nhà lá.

Tiếp theo đó, trung tâm này được ưu tiên mở đường giao thông sau khi một sở tàu xà-lúp được đấu thầu, sau đó nhiều đường được mở, dân số của tỉnh lỵ tăng nhanh... Ngoài ra, có những ngôi nhà hành chính quan trọng, có những ngôi nhà của dân bản xứ xinh đẹp, có vườn tược bao quanh được xây cất lên...”.

Vậy là, kể từ giữa thế kỷ XIX, vùng TX. Gò Công đã là vùng trung tâm, thu hút nhiều địa chủ về đây mua đất, cất nhà sinh sống, tạo nên sự trù phú của một vùng đất. Theo kết quả nghiên cứu của Đề tài Xây dựng hồ sơ khoa học phố cổ TX. Gò Công, đề xuất giải pháp bảo tồn phố cổ phục vụ phát triển văn hóa và du lịch, do Ths. Lê Ái Siêm làm chủ nhiệm, thực hiện năm 2009, đã ghi nhận:

“Từ năm 1862, thực dân Pháp quy hoạch đô thị Gò Công theo kiểu đô thị truyền thống của phương Tây, đường phố cắt nhau thành những ô vuông, có cây xanh che mát, một số nhà dân dụng được chỉnh sửa cho hợp kiến trúc phương Tây, tạo cho làng Thành phố có dáng dấp của một đô thị cổ phương Tây lẫn phương Đông, do kiến trúc Việt được bổ sung một số nét của kiến trúc Trung Hoa và kiến trúc Pháp”.

Vào đầu thế kỷ XX, khi chợ Gò Công được mở rộng, xây dựng kiên cố và dân cư đông đúc, nhiều nhà giàu có mua đất để cất nhà cho thuê hoặc để bán. Riêng các kiến trúc công sở được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đều mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp, tiêu biểu là dinh Tỉnh trưởng, nhà Đốc học. Phố cổ Gò Công là quần thể kiến trúc gồm nhiều loại hình như: Nhà phố, nhà vườn, đình, chợ, đền miếu, trường học, dinh thự...

Bưu điện Gò Công trước Ao Pissin xưa.
Bưu điện Gò Công trước Ao Pissin xưa.

Theo nhà nghiên cứu Phan Thanh Sắc, vùng đất Gò Công trước đây còn là nơi có nhiều sông rạch, ngày xưa khi đường bộ chưa được mở mang, dân chúng phần lớn đi bằng đường thủy, vì vậy công nghệ đóng ghe thuyền ở xứ này phát đạt và khá tinh xảo.

Ngoài những ghe thuyền thường thấy, xứ Gò được nổi tiếng về nghề đóng ghe hầu, thứ ghe ngày xưa chuyên chở các quan chức, cai tổng hương chức cùng đi việc quan. Khác với ghe thường, ghe hầu được đóng có vẻ đẹp đẽ, sang trọng hơn: Sơn son thiếp vàng, đầu rồng đuôi phượng, trước mũi 2 chèo sau lái 2 chèo, mui ghe lộng lẫy...

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, TX. Gò Công hôm nay đã khoác lên mình một diện mạo mới. Thế nhưng, mỗi khi nhắc đến vùng đất Gò Công nói chung, TX. Gò Công nói riêng, nhiều người vẫn còn nghĩ đến: Phố cổ, nhà xưa, những dấu tích cũ đã và đang tồn tại trong lòng TX. Gò Công.

Những dấu tích xưa ấy vẫn còn mang nhiều giá trị về nghệ thuật kiến trúc, văn hóa và tinh thần. Đó là: Khu di tích lăng Hoàng Gia, nhà Đốc Phủ Hải, đình Trung, dinh Tham Biện... Năm 2006, tổ chức JICA của Nhật Bản khảo sát toàn tỉnh Tiền Giang có 350 ngôi nhà cổ, riêng Gò Công chiếm 2/3 nhà cổ có giá trị.

(1) Phan Thanh Sắc, Gò Công... vọng tiếng đất lành, NXB Phương Đông, tr.31.

Thế Anh
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 178
  • Hôm nay: 37626
  • Tháng hiện tại: 2270176
  • Tổng lượt truy cập: 46237409