Ngày thơ VN lần thứ XI-2013: Thông điệp “Tuổi trẻ với Tổ quốc” qua thơ và hiện tượng “bùng nổ” thơ

Đăng lúc: Thứ sáu - 22/02/2013 14:33
Cùng với cả nước, Ngày thơ Việt Nam lần thứ XI - năm 2013 với chủ đề “Tuổi trẻ với Tổ quốc” sẽ được tổ chức tại Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh vào đêm rằm tháng Giêng năm Quý Tỵ (24-2).
Nhà văn Thu Trang phát biểu khai mạc Ngày thơ Việt Nam năm 2011.

Nhà văn Thu Trang phát biểu khai mạc Ngày thơ Việt Nam năm 2011.

Đây không chỉ là dịp để công chúng yêu thơ tụ hội mà còn là hoạt động góp phần thổi bùng lên ngọn lửa tình yêu Tổ quốc với những bài thơ ngợi ca đất nước, biển, đảo quê hương.

Nhà văn - dịch giả (NV-DG) Thu Trang, Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Tiền Giang cho biết, Đêm thơ Nguyên tiêu lần thứ XI - năm nay có những điểm mới về hình thức, dành phần lớn thời gian giao lưu hơn biểu diễn. Các tác giả tham gia là hội viên Chi hội Văn học, thành viên CLB Sáng tác trẻ, thành viên CLB Văn học các trường chuẩn bị sẵn phần giới thiệu tác phẩm của mình để giao lưu bằng cách tự đọc, tự ngâm, tự hát...

Ngoài ra, đêm thơ còn có phần tổng kết Cuộc thi Sáng tác thơ lục bát tỉnh Tiền Giang lần thứ I, giới thiệu giao lưu với các tác giả đoạt giải và mở các gian trưng bày thư pháp, viết thư pháp thơ phục vụ khán giả.

Về độc giả tham dự đêm thơ năm nay, chú trọng đến lực lượng trẻ là sinh viên ở các trường đại học, trung học phổ thông. Xuất phát từ chủ đề “Tuổi trẻ và Tổ quốc”, Ban tổ chức muốn gửi thông điệp đến các bạn trẻ về tình yêu, trách nhiệm của lớp trẻ đối với quê hương, đất nước, vì họ chính là lực lượng sẵn sàng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Về nội dung, chương trình sẽ khơi dậy tinh hoa, khí phách, làm sống dậy không khí yêu nước ở thế hệ thanh niên ngày nay qua những áng thơ hào hùng. Bên cạnh một số bài thơ truyền thống, thơ của các tác giả trẻ Tiền Giang được giới thiệu trong đêm thơ tập trung vào tình yêu đất nước, biển, đảo quê hương nhằm đề cao trách nhiệm của lớp trẻ đối với Tổ quốc.

* P.V: Theo bà, sự quan tâm của giới trẻ đối với văn chương ở Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung hiện nay ra sao?

* NV-DG Thu Trang: Có nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ giới trẻ mà công chúng bây giờ thờ ơ với văn chương, vì cuộc sống hiện đại khiến người ta bị cuốn đi với những bận bịu lo toan, nhưng với việc xuất hiện ngày càng nhiều những cây bút trẻ tài năng trên văn đàn, tác phẩm của họ không chỉ được đánh giá cao trong nước mà còn vang xa ở nước ngoài (Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Phan Quế Mai, Đỗ Bích Thúy, Vũ Đình Giang…), cho thấy những người trẻ vẫn còn tâm huyết với văn chương.

Riêng ở Tiền Giang, việc tồn tại của CLB Sáng tác văn học trẻ 15 năm qua, cùng với tờ Văn nghệ Trẻ (diễn đàn của CLB, đồng thời là tờ văn nghệ trẻ duy nhất xuất bản ở địa phương trong cả nước) đã thật sự là nơi chốn tập hợp, phát hiện, giới thiệu, bồi dưỡng những người viết trẻ. Từ CLB, nhiều cây bút đã trưởng thành, vươn xa như: Vũ Đình Giang, Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Trọng Tấn, Nguyễn Thanh Hải…

* P.V: Là người nhiều năm gắn bó với hoạt động văn học - nghệ thuật, bà có nhận xét gì về phong trào sáng tác trẻ ở tỉnh ta thời gian qua?

* NV-DG Thu Trang: Từ CLB Sáng tác trẻ (thành lập năm 1998), nhiều cây bút trẻ xuất hiện từ các CLB Văn học ở các trường: Đại học Tiền Giang, THPT Chuyên, THPT Nguyễn Đình Chiểu, THPT Thủ Khoa Huân…, với nhiều giải thưởng cấp tỉnh và khu vực, được đánh giá là địa phương có đội ngũ và phong trào sáng tác trẻ mạnh nhất.

Sau hơn 10 năm, một số cây bút đã định hình và chuyển lên TP. Hồ Chí Minh, một số công tác ở các ban, ngành, báo, đài trong tỉnh. Việc quy tụ đội ngũ mới cho CLB vẫn được duy trì, nhưng không thể như buổi đầu, do những điều kiện khách quan lẫn chủ quan. Ban Chủ nhiệm CLB cần năng nổ hơn, cũng như Hội Văn học - Nghệ thuật cần có sự đầu tư dài hơi hơn trong việc đào tạo, nuôi dưỡng lực lượng kế thừa.
 


Sinh viên ĐHTG tham quan hoạt động trong Ngày thơ VN

* P.V: Hiện có hiện tượng bùng nổ các CLB Thơ, thậm chí có nhiều CLB Thơ ở cấp phường. Theo bà, có phải phong trào sáng tác và thưởng thức thơ đã lan tỏa rộng rãi trong quần chúng và đánh giá của bà về hiệu quả hoạt động của những CLB này.

* NV-DG Thu Trang: Tôi nghĩ, nhu cầu thưởng thức, sáng tạo thơ ca là của tất cả mọi người, nếu chúng ta (gồm cả người làm công tác quản lý văn học - nghệ thuật và độc giả yêu thích văn chương) chịu khó tìm tòi giữa những cánh đồng hoa dại ấy, biết đâu sẽ nhặt ra được những kỳ hương dạ thảo.

* P.V: Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của Internet, việc sáng tác và đăng tải trên các trang mạng cá nhân cũng hết sức dễ dàng mà không qua bất cứ hình thức thẩm định nào. Ở góc độ là người quản lý Hội, bà có ý kiến gì về vấn đề này?

* NV-DG Thu Trang: Đây là một hiện tượng vừa có lợi trong việc giới thiệu những tác phẩm văn chương đích thực đến rộng rãi công chúng, nhưng cũng mang tới nhiều bất cập mà nhiều nhà quản lý văn hóa đã lên tiếng.

Theo tôi, những ồn ào quậy phá trên một số trang mạng thực ra không phải là bản chất thực của văn chương. Để đi dài với văn chương, người viết rất cần một thái độ nghiêm túc và quyết liệt. Độc giả chắc hẳn sẽ có sự chắt lọc trong việc tiếp nhận dòng văn học trên mạng.

* P.V: Xin cảm ơn bà.

LÊ VĂN (thực hiện)


(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 203
  • Hôm nay: 46092
  • Tháng hiện tại: 2278642
  • Tổng lượt truy cập: 46245875