Thông báo: Hội nghị Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VI khóa VIII (Nhiệm kỳ 2010-2015)

Đăng lúc: Thứ năm - 04/10/2012 08:53

Tại Hà Nội, trong các ngày từ 26 đến 28 tháng 9 năm 2012, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ VI.


 



1. Hội nghị tán thành báo cáo kiểm điểm công tác 9 tháng của Ban Thường vụ và nhấn mạnh: 9 tháng qua, Thường vụ đã tổ chức cho gần 100 nhà văn đi thực tế vùng than Quảng Ninh, Trường Sa, Đồng bằng sông Cửu Long, Quảng Trị... Nhiều đoàn đi đã có sáng tác phản ánh sinh động chân thực về những mảng sống mới. Tổ chức lớp bồi dưỡng cho trên 100 cây bút chủ chốt của 22 tỉnh thành phố phía Bắc tại Yên Bái. Rút kinh nghiệm các năm trước, việc tổ chức các trại sáng tác năm nay được tiến hành theo chuyên đề, có trại sáng tác tiểu thuyết (Đại Lải), trại phê bình văn học (Nghệ An) và sắp tới là trại văn học thiếu nhi (Vũng Tàu). Tổ chức theo chuyên đề, các nhà văn trại viên vừa sáng tác vừa có điều kiện thảo luận chuyên sâu về từng vấn đề nghề nghiệp. Hội đã tổ chức một cách trang trọng các cuộc hội thảo kỷ niệm 100 năm sinh Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Châu, Hàn Mặc Tử. Các cuộc hội thảo về văn học thiếu nhi, về văn học dịch, về nhà văn Lê Minh với đề tài cách mạng và kháng chiến, đặc biệt là Hội thảo “Sáng tạo văn học về đề tài lịch sử”. Các cuộc hội thảo nói trên được chuẩn bị chu đáo, tổ chức tốt, có chất lượng nghề nghiệp cao, vừa có ý nghĩa tổng kết về từng vấn đề, vừa gợi mở được nhiều suy nghĩ mới. Riêng hội thảo “Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử” do Tạp chí Nhà văn tổ chức, sau khi nghe Ban Biên tập giải trình, Hội nghị đã đóng góp nhiều ý kiến, đều nhất trí cho rằng tuy không có sai phạm về chính trị, tư tưởng nhưng công tác chuẩn bị chưa kỹ, nặng về biểu dương một chiều, chưa giúp tác giả nhận ra những non yếu về nghề, đặc biệt là vấn đề “thơ nhập đồng”,  Tạp chí Nhà văn nghiêm túc rút kinh nghiệm. Những vấn đề sau Hội thảo giao cho các cơ quan chức năng xem xét, báo cáo Ban chấp hành.

Trong 9 tháng qua, Hội Nhà văn đã tổ chức thành công ba sự kiện giao lưu văn hoá quốc tế lớn, gây được ấn tượng tốt. Đó là việc tổ chức thành công Liên hoan thơ Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất, giao lưu văn học Việt - Mỹ, nhân kỷ niệm 20 năm quan hệ hợp tác, Hội nghị nhà văn ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia và trao giải thưởng văn học sông Mê Công lần thứ tư.

 

2. Hội nghị dành nhiều thời gian thảo luận Đề án quy hoạch đội hình báo chí của Hội. Các ý kiến thảo luận đều khẳng định thành tựu và những cố gắng của các cơ quan báo chí trong nhiều năm qua góp phần vào thành tựu đổi mới nền văn học nước nhà, mở rộng đề tài, chủ đề, động viên sáng tác, phát hiện bồi dưỡng tài năng trẻ, tập hợp đoàn kết đội ngũ nhà văn, làm cầu nối giữa nhà văn với Hội. Tuy vậy, trước áp lực của văn hoá nghe nhìn và thông tin đại chúng, văn hoá đọc, đặc biệt là đọc văn học ngày càng bị thu hẹp, chỉ số phát hành giảm, gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. Đội hình báo chí của Hội còn có sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, đội ngũ làm báo chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng. Từ sự nhận định đó, Hội nghị nhận thấy cần quy hoạch lại đội hình báo chí của Hội theo hướng tinh, gọn, chất lượng, hiệu quả. Hội nghị thành lập và giao cho Ban chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện Đề án trình Ban chấp hành trong thời gian gần nhất. Trong quá trình hoàn thiện Đề án, cần quán triệt các Nghị quyết của Trung ương về công tác tư tưởng, báo chí, xuất bản, Luật Báo chí, Luật Lao động. Việc sáp nhập, giải thể cơ quan báo chí phải tiến hành thận trọng, đúng luật, lắng nghe ý kiến rộng rãi của hội viên, có quan điểm kế thừa và lộ trình thích hợp, nơi nào chín mùi làm trước, nơi nào hoạt động bình thường, thì xem xét sau, không làm ồ ạt, vội vã, tập thể Ban chấp hành cân nhắc kỹ lưỡng để tìm được phương án tối ưu, không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của Hội và đời sống của cán bộ công nhân viên chức.

 

3. Hội nghị sôi nổi thảo luận, rút kinh nghiệm nghiêm túc về việc trao giải thưởng văn học hàng năm và kết nạp hội viên mới. Hội nghị nhất trí giao Ban Thường vụ tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm về hai lĩnh vực quan trọng này, bổ sung một số quy định cụ thể, xác định rõ vai trò của các Hội đồng chuyên môn, Chi hội nhà văn cơ sở, các ban văn học và trách nhiệm của Ban chấp hành.

 

4. Hội nghị tiến hành thảo luận và thông qua:

- Quy chế tổ chức Hội thảo

- Quy chế chi tiêu

 

5. Hội nghị Ban chấp hành đã xem xét và quyết định  một số vấn đề tổ chức, nhân sự của Hội:

- Thành lập Ban chỉ đạo quy hoạch đội hình báo chí của Hội gồm các nhà văn có tên sau đây:

   + Hữu Thỉnh

   + Nguyễn Trí Huân

   + Lê Quang Trang

   + Nguyễn Quang Thiều

   + Nguyễn Thị Thu Huệ

   + Phan Trọng Thưởng

   + Khuất Quang Thụy

- Bổ sung nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch làm ủy viên Hội đồng thơ.

- Bổ nhiệm nhà văn, phó giáo sư, tiến sĩ Phan Trọng Thưởng làm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du của Hội.

- Bổ nhiệm nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm Dịch thuật.

- Phân công nhà thơ Hữu Thỉnh kiêm nhiệm Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam giai đoạn hoàn thiện.
                                                                                                                                                        Hà Nội, 28/9/2012
                                                                                                                         T/M BAN CHẤP HÀNH HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM

                                                                                                                                                                    Chủ tịch

 


(Theo VanVN.Net )
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 423
  • Khách viếng thăm: 421
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 41303
  • Tháng hiện tại: 1907082
  • Tổng lượt truy cập: 48281209