Nhà văn Italia Gianrico Carofiglio giao lưu với các nhà văn Việt Nam

Đăng lúc: Thứ tư - 17/10/2012 09:30
 Sáng 16/10/2012, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu – Hai Bà Trưng – Hà Nội), nhà văn Italia Gianrico Carofiglio có buổi giao lưu với các nhà văn Việt Nam, các nhà báo, sinh viên khoa Viết văn – Báo chí (ĐH Văn hóa Hà Nội) với chủ đề: “Văn học chống lại Mafia”.
 



Khách mời của giao lưu văn học là Đại sứ Italia tại Việt Nam, ngài Lorenzo Angeloni và nhà văn Gianrico Carofiglio. Phía Hội Nhà văn Việt Nam có nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội NVVN; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch (chủ trì buổi giao lưu); các Ủy viên BCH, Ủy viên hội đồng văn xuôi Hội NVVN; các nhà văn, dịch giả và bạn đọc quan tâm đến văn học Italia.

 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thay mặt BCH Hội NVVN cảm ơn ngài Đại sứ Italia đã tạo điều kiện để tổ chức buổi giao lưu văn học với chủ đề đang được người viết và người đọc quan tâm: “Văn học chống lại Mafia”. Chống lại Mafia là cuộc chiến chống cái ác, cái xấu, chính vì vậy, trong cuộc trò chuyện này, nhà văn Gianrico Carofiglio sẽ cung cấp thêm cho bạn viết, bạn đọc Việt Nam biết về hiện trạng Mafia ở Italia như thế nào, các nhà văn có vai trò gì trong cuộc chiến này? Đây thực sự là vấn đề mang tính thời sự và nhân văn sâu sắc. Bên cạnh đó, nhà văn Gianrico Carofiglio sẽ trả lời các câu hỏi của nhà văn, nhà báo, sinh viên viết văn của Việt Nam về đề tài văn học và kinh nghiệm sáng tác của cá nhân ông.

 

Đại sứ Italia Lorenzo Angeloni đáp lại lòng nhiệt thành đón tiếp và sự quan tâm của Hội NVVN bằng lời cảm ơn chân thành, ông nói thêm: “Công việc chính của tôi trong nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam là ngoại giao, nhưng đam mê lớn nhất lại chính là văn chương. Ngoài những tài liệu cần đọc để phục vụ cho công việc, tôi đã tìm đọc những tác phẩm văn học Việt Nam được chuyển ngữ sang tiếng nước ngoài. Hôm nay tôi rất vinh hạnh được có mặt tại Hội NVVN, được trò chuyện với các nhà văn đã và sẽ nổi tiếng của Việt Nam…”

 

Nhà văn Gianrico Carofiglio mở đầu cuộc giao lưu bằng câu chuyện về người mẹ của mình, trước khi Gianrico Carofiglio được sinh ra, mẹ của ông đã có thời gian dài sống tại Pari (Pháp) và bà gặp một số người Việt Nam ở đó. Ấn tượng về những người Việt Nam luôn khiêm tốn, nhẹ nhàng và chân thật khiến bà luôn giữ ý muốn được đến đất nước Việt Nam. Khi biết con trai mình, nhà văn Gianrico Carofiglio sang Việt Nam, bà muốn chuyển lời chào tới tất cả những người Việt Nam. trước khi trở thành nhà văn, Gianrico Carofiglio đã làm công tố viên tại tòa án nhiều năm, công việc này đã giúp ông tiếp cận thực tế và có những trải nghiệm rất ý nghĩa. Nói về Mafia Italia, nhà văn Gianrico Carofiglio cho biết: Mafia trong đời thực khác với phim Mỹ và phim Ý đã dựng, tổ chức tội phạm này không phải lúc nào cũng có đầu óc tổ chức các chiến lược phạm tội một cách thông minh và bài bản. Một nhà văn nữ Italia từng nói: không cần phải cố gắng để tìm  hiểu chiều sâu của cái xấu, vì cái xấu như nấm độc, rất dễ lan tràn nhưng không có gốc rễ - đó cũng chính là đặc điểm cơ bản để phân biệt tội phạm có chiều hướng bột phát với tội phạm có tổ chức. Riêng với nhà văn Gianrico Carofiglio, khi thường xuyên tiếp xúc với tội phạm và những câu chuyện xung quanh tội ác, ông có nhiều cơ hội để viết về nó, nhưng không có nghĩa là bê nguyên những chi tiết thực vào tác phẩm mà chỉ coi đó là “nhiên liệu” cho cỗ máy sáng tạo của mình. “Cuộc đời giúp tôi tích lũy đủ nguyên liệu để đưa vào trang viết, cho dù những sáng tác đầu tiên của tôi bắt đầu từ khi 8 – 9 tuổi (chịu ảnh hưởng của cuốn “Nanh trắng” – Jack London rất lớn), nhưng tôi đã dừng viết 25 năm trước khi quay trở lại cầm bút. Tích lũy nguyên liệu – đó là cơ chế khá bí ẩn mà sau này tôi mới tìm ra…” - Gianrico Carofiglio chia sẻ.

Nói về cuộc chiến của văn học và tổ chức tội phạm Mafia, nhà văn Gianrico Carofiglio khẳng định: “Khi viết tiểu thuyết chống tội phạm, nhà văn không được quên vũ khí của mình là văn học, điều đó có nghĩa là phải có được tác phẩm hay. Để chống lại cái xấu, phải dùng cái đẹp của văn học.” Ông kể về kỷ niệm nhận được bức thư của phạm nhân gửi từ nhà tù, trong đó có đề nghị: ông có cách nào gửi sách của mình cho phạm nhân đọc không? Một thời gian sau khi gửi sách vào nhà tù cho phạm nhân đó, nhà văn Gianrico Carofiglio nhận được lá thư tiếp theo có câu: “Bây giờ tôi đã nhìn cuộc đời qua con mắt khác”, phạm nhân đó còn cho biết anh ta đã dành thời gian đọc hết những cuốn sách và chuyển tiếp cho các phạm nhân khác cùng đọc. “Điều này có ý nghĩa thật đặc biệt với tôi. Tôi hiểu ra rằng văn học là cách khiến người viết và người đọc nó có sự thay đổi cái nhìn về thế giới. Và nhà văn phải vượt qua được một thách thức của văn học: có cái nhìn mới về một câu chuyện cũ.” – ông nói – “Có nhiều người thắc mắc: điểm chung của một công tố viên và một nhà văn là gì? Tôi đã suy nghĩ về điều này và rút ra điểm chung đó chính là ngôn từ, dùng ngôn từ để thay đổi thế giới. Nhiệm vụ của nhà văn là đưa ra tên gọi đúng cho các sự việc.”

 

Nhà thơ Hữu Thỉnh bày tỏ sự đồng tình với những điều nhà văn Gianrico Carofiglio chia sẻ, ông nhấn mạnh: “Nhà văn luôn muốn làm tròn thiên chức xã hội, chống lại cái xấu, cái ác trước hết phải viết hay, đó mới thực sự là văn chương. Chúng ta (các nhà văn – PV) phải nhân danh cái tốt đẹp, cao thượng để chống cái ác, cái xấu, đây là nét tương đồng của nhà văn Italia và nhà văn Việt Nam. Các nhà văn Việt Nam đang vận dụng điều này vào các sáng tác hiện nay nhằm góp phần đẩy lùi những hiện trạng tiêu cực trong đời sống xã hội, tư tưởng, đạo đức lối sống.”

 

Tiếp đó là phần giao lưu giữa nhà văn Gianrico Carofiglio và các nhà văn, nhà báo, sinh viên viết văn của Việt Nam. Nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh những vấn đề sáng tác như: phong cách, chủ đề, cách tiếp cận và phản ánh hiện thực cuộc sống trong tác phẩm văn học…

 

Nhà văn Y Ban đặt câu hỏi: “Xin hỏi nhà văn Gianrico Carofiglio, ở Italia có những “vùng cấm” đối với nhà văn không? Một cây bút trẻ mới bắt đầu con đường viết văn của mình có gặp nhiều trở ngại, khó khăn không? Với riêng ông, dấu ấn nghề nghiệp (công tố viên) có ảnh hưởng như thế nào đến văn chương?” Nhà văn Gianrico Carofiglio trả lời: “Ở đất nước chúng tôi không có “vùng cấm” đối với các  nhà văn mà chỉ tránh những vấn đề quá nặng nề. Đối với cây viết trẻ, đúng là luôn có những thử thách khi phải vượt qua những bước chuyển từ một người viết thành một nhà văn nổi tiếng, điều quan trọng là bạn trẻ đó phải có tài năng và sự “ngoan cường” để đi tới mục đích của mình. Riêng với tôi, nghề nghiệp là một lợi thế cho những sáng tác về đề tài tội phạm và ngược lại, khi làm một nhà văn, tôi có được cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về con người, sự việc để tiến hành công việc của mình tốt hơn.”

 

Nhà văn Lã Thanh Tùng: “Văn học chống lại Mafia đã có từ rất lâu, theo quan sát của ông, thể loại này hiện có khác trước đây đây không? Sự phát triển của nó trong tương lai sẽ ra sao?” Nhà văn Gianrico Carofiglio đáp: “Trước đây hay hiện nay, văn học muốn chống lại tội phạm hay bất kỳ thể loại nào, điều đầu tiên là phải duy trì yếu tố có được tác phẩm hay, không chỉ nghĩ mình đang viết chống lại Mafia là đủ. Có khi một tác phẩm viết về chống tội phạm Mafia mà dở lại còn gây hậu quả nghiêm trọng…”

 

Sinh viên Tuấn - năm thứ I (ĐH Văn hóa) bày tỏ sự quan tâm đến những ảnh hưởng của bóng đá Italia đến văn chương của nhà văn Gianrico Carofiglio; nhà văn thừa nhận ông chưa có thời gian và tâm trí dành cho chủ đề này, vì vậy trong các sáng tác của mình, ông chưa đề cập đến bóng đá, dù Italia nổi tiếng là một cường quốc thế giới về môn thể thao này.

 

Nhà báo Phong Lan: “Ở Việt Nam chúng tôi cũng đã có những nhà văn viết về tội phạm và nhà tù, thậm chí có nhà văn viết tiểu thuyết về những trải nghiệm trực tiếp về 5 năm sống trong tù của mình. Còn với ông, câu chuyện của nhà tù được thể hiện như thế nào? Và xin được hỏi thêm: hiện nay Italia đã ứng dụng những công nghệ cai quản phạm nhân (như đeo vòng tay có thiết bị định vị để quản lý tại nhà), ông có ý định viết một cuốn sách đề cập đến công nghệ này không?” Nhà văn Gianrico Carofiglio trả lời: “Tôi chỉ đi sâu vào những câu chuyện của phạm nhân chứ không viết về trải nghiệm của bản thân, qua những câu chuyện mình chứng kiến, tôi gọi tên ra được bản chất, quy luật của sự việc – mà ở đây là động cơ phạm tội. Còn với công nghệ cai quản phạm nhân, tôi chưa có ý định theo đuổi đề tài này.”

 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tổng kết: “Trong khoảng thời gian rất ngắn, chúng ta đã có cuộc trò chuyện rất thú vị và ý nghĩa. Từ chủ đề “Văn học chống lại Mafia”, chúng ta đã bàn đến những vẻ đẹp của đời sống qua văn chương. Những điều nhà văn Gianrico Carofiglio chia sẻ đã gợi mở rất nhiều đối với các nhà văn Việt Nam đã nổi tiếng và các nhà văn trẻ trong tương lai. Chúng ta cùng mong muốn và hy vọng có thêm nhiều hơn nữa sự giao lưu, hợp tác giữa hai nền văn học, văn hóa phát triển vì một thế giới hòa bình, tự do và hạnh phúc.”

 

Buổi giao lưu kết thúc lúc 11h45p

Các em sinh viên khoa Viết văn – Báo chí (ĐH Văn hóa Hà Nội) chụp ảnh lưu niệm cùng nhà văn Gianrico Carofiglio

 

Nhà văn, thượng nghị sĩ Italia Gianrico Carofiglio

Nhà văn đồng thời là thượng nghị sĩ Italia Gianrico Carofiglio, sinh năm 1961, tác giả cuốn sách Quá khứ là miền đất lạ (Nhã Nam, NXB Hội Nhà văn). Quá khứ là miền đất lạ là cuốn sách trinh thám hấp dẫn, được giải thưởng Premio Bancarella năm 2005. Ngoài ra, ông còn cho ra đời cuốn tiểu thuyết đồ họa Cacciatori nelle tenebre (Những kẻ đi săn trong bóng tối) năm 2007 cùng em trai Francesco với vai trò họa sĩ, tuyển tập truyện ngắn Non esiste saggezza (Không khôn ngoan) năm 2010 và bài luận La manomissione delle parole (Giải phóng khỏi ngôn từ) cũng trong năm 2010. Các tác phẩm của ông đã được dịch ra 24 ngôn ngữ, được chuyển thể thành phim điện ảnh và phim truyền hình dài tập ăn khách. Nhà văn Italia này vốn là công tố viên chống mafia ở thành phố cảng Bari, trước khi tham gia chính trường Italia. Đây là lần đầu tiên ông tới Việt Nam.
Tin: Phạm Lan; Ảnh: Đỗ Hiếu
(Theo VanVN.Net )
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 239
  • Hôm nay: 57816
  • Tháng hiện tại: 2426241
  • Tổng lượt truy cập: 48800368