Một mùa thơ dại, kiệt tác của thiên tài đoản mệnh

Đăng lúc: Thứ tư - 28/08/2013 14:09
Nữ văn sĩ Ichiyo (Nhất Diệp) chỉ sống 24 năm trên đời, nhưng nhiều tác phẩm của bà, trong đó Một mùa thơ dại, để lại dấu ấn không phai.

Nữ văn sĩ Ichiyo (Nhất Diệp) chỉ sống 24 năm trên đời, nhưng nhiều tác phẩm của bà, trong đó Một mùa thơ dại, để lại dấu ấn không phai.

Trong một bài viết của mình, nhà văn, dịch giả Nhật Chiêu gọi tiểu thuyết Một mùa thơ dại là kiệt tác về trò chơi làm người.

Nhan đề Takekurabe (Một mùa thơ dại) có nghĩa đen là "So sánh chiều cao" bắt nguồn từ một tình tiết trong tác phẩm cổ điển Truyện Ise, trong đó đôi trai gái hồi tưởng về thời niên thiếu và những ngày tháng lớn lên bên nhau trên bờ dốc trưởng thành, cùng nhớ lại trò chơi đánh dấu chiều cao trên thành giếng nước.

Cuốn sách vừa xuất hiện đã lập tức tỏa sáng. Hầu như các nhà phê bình đồng loạt nhìn nhận nó là kiệt tác mà không chút do dự sau khi nó được ấn hành đầy đủ vào tháng 4/1896. Chính vì tác phẩm này mà Mori Ogai phải thốt lên: "Cho dù bị chế nhạo là kẻ thờ phụng Ichiyo thế nào đi nữa, tôi cũng không ngần ngại gọi nàng là thi nhân thượng thặng".

Nữ sĩ Higuchi Ichiyo, tên thật là Higuchi Natsu, sinh ngày 2/5/1872, tại Tokyo trong một gia đình có năm anh chị em. Trong đó người em gái út nhỏ hơn hai tuổi, Kukiko, là người góp nhiều công sức trong quá trình hoạt động văn đàn ngắn ngủi của Ichiyo. Cha bà, Higuchi Yoshinori, là trưởng nam của nhà Hachizaemon giàu có, lại yêu thích văn chương chữ nghĩa, đề cao học vấn. Trong khi mẹ bà, Furuya Ayame xuất thân con nhà trung nông khiến hôn nhân của hai người không được chấp thuận. Cha mẹ Ichiyo cùng nhau rời khỏi quê nhà là tỉnh Yamanashi, tìm đến Edo (Tokyo hiện nay). Nhờ thời vận, cha bà mua được chức sĩ tộc nhỏ nhưng cũng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Năm Ichiyo mười bảy tuổi, cha mất, trong nhà chỉ còn lại hai chị em gái và mẹ.

to-1377597083.jpg
Bìa cuốn "Một mùa thơ dại".

Người chị cả lập gia đình nhưng sớm ly dị, anh cả mất sớm, người anh thứ cũng ra riêng làm thợ gốm. Ichiyo hiếu học từ nhỏ nhưng việc học bị dang dở từ năm 12 tuổi do suy nghĩ lỗi thời của mẹ bà, cho rằng con gái không cần phải học. Cha bà sớm nhận ra năng khiếu văn chương của con gái nên năm 14 tuổi, Ichiyo lại được gửi vào một trường dạy làm thơ waka dành cho con nhà giàu. Xuất thân của Ichiyo khiến bà bị phân biệt đối xử dù văn tài không hề thua kém bạn bè cùng trường.

Sau khi cha mất năm Ichiyo 17 tuổi, hôn ước của Ichiyo và Shibuya Saburou bị hủy bỏ do gia đình bà lâm vào cảnh nợ nần, không kham nổi món tiền cưới quá cao theo yêu cầu của nhà trai. Ba mẹ con cùng sống qua ngày bằng nghề may vá, giặt giũ. Ichiyo không bằng lòng với những nghề lao động chân tay ít tiền này nên tìm cách sinh nhai khác. Biết người bạn học Miyake Kaho lãnh tiền thù lao hậu hĩnh cho một cuốn tiểu thuyết, Ichiyo cũng bắt đầu ấp ủ mộng văn chương. Hai mươi tuổi, bà khởi nghiệp với bút danh Ichiyo (Nhất Diệp), lấy cảm hứng từ điển cố Tổ Bồ Đề Đạt Ma từ phương Tây đáp trên một chiếc lá vượt qua sóng nước.

Để kiếm sống với nghề viết tiểu thuyết, Ichiyo tôn nhà văn Nakara Itosui của tòa soạn báo Tokyo Asahi làm sư phụ, đi thư viện vùi đầu vào sách vở. Bà đăng đàn với tác phẩm đầu tay Anh đào đêm (Yamizakura) trên số đầu tiên của tạp chí Musashino. Sau đó, được tiếp xúc với những nhà văn tinh thông văn học châu Âu như Shimazaki Toson, Hirata Tokuboku, chủ nghĩa tự nhiên, Ichiyo viết nhiều tác phẩm được giới thiệu trên tờ Bungakukai. Cũng khoảng thời gian này, bà mở hiệu
tạp hóa gần khu Yoshiwara để kiếm thêm thu nhập. Đây cũng là thời gian tích lũy đề tài, vốn sống để bà viết nên tác phẩm tiêu biểu nhất Một mùa thơ dại (Takekurabe) vào tháng 1/1895. Sau đó là hàng loạt truyện ngắn như Đêm mười ba (Jusanya), Khe nước đục (Nigorie) ra đời, tạo nên "14 tháng kỳ tích" mà người đời hay nói về sự nghiệp văn chương của Higuchi Ichiyo.

Tác phẩm Một mùa thơ dại được đăng trên tờ Bungei Kurabu gây được tiếng vang lớn, đến bậc đàn anh Mori Ogai cũng không tiếc lời khen ngợi. Thế nhưng tháng 8/1896, căn bệnh lao tiến triển nhanh, đến 23/11 năm đó, Ichiyo từ giã cõi đời ở độ tuổi 24 khiến nhiều người tiếc cho một tài năng văn chương đang đà sung sức. Một năm sau bà mất, Ichiyo toàn tập được phát hành.

Nước Nhật đề cao sự nghiệp văn chương của Ichiyo bằng việc cho in chân dung của bà lên tờ tiền giấy 5.000 yen. Ngoài ra, ở khu Taito, Tokyo hiện nay có một nhà lưu niệm nhỏ lưu giữ và triển lãm các hình ảnh, tư liệu về Higuchi Ichiyo. Hàng năm đến ngày 23/11 kỷ niệm ngày mất của bà, nhiều người đến tham dự các buổi ngoại khóa, hòa nhạc, thảo luận về các tác phẩm và cuộc đời bà. Tem có chân dung hoặc tranh vẽ nhân vật trong tác phẩm của Ichiyo cũng được phát hành nhiều lần. Và đương nhiên các tác phẩm của bà cũng được dựng thành phim truyền hình, điện ảnh, thậm chí anime (Phim hoạt hình làm theo phong cách Nhật Bản).

Có thể tên bà không có sức hút của một nhà văn đương đại với các tác phẩm phản ánh Nhật Bản ngày nay như độc giả mong đợi. Nhưng từng trang viết sẽ giúp được độc giả hình dung về một nước Nhật xa xôi, cổ xưa với nền văn hóa truyền thống đặc sắc và thật gần gũi.

Bạch Tiên
(Theo VnExpress)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 279
  • Khách viếng thăm: 277
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 52598
  • Tháng hiện tại: 2421023
  • Tổng lượt truy cập: 48795150