Ma trận truyền thông - Kỳ cuối: Đường đi của báo lá cải

Đăng lúc: Thứ hai - 04/06/2012 10:47
Những tờ báo này trở thành kẻ tiếp tay đắc lực trong việc đầu độc tâm hồn giới trẻ

Những tờ báo này trở thành kẻ tiếp tay đắc lực trong việc đầu độc tâm hồn giới trẻ

Báo chí tại Việt Nam, theo các quy định hiện hành, là tiếng nói của cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội đại diện cho các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều tờ báo, tạp chí, trang thông tin điện tử núp bóng báo chí đang nằm trong tay của các công ty tư nhân, thậm chí các nhóm cá nhân. Họ đã làm điều đó như thế nào?

>> Ma trận truyền thông - Kỳ 1: Choáng váng với báo “lá cải”
>> Ma trận truyền thông - Kỳ 2: Tràn lan cỏ dại

MẬP MỜ, NÚP BÓNG

Truy cập vào trang chủ eva.vn của Công ty CP Quảng cáo trực tuyến 24h, đập vào mắt độc giả là cụm từ BAO PHU NU viết hoa đặt ngay dưới logo của Eva và 24h. Như để nhấn mạnh mình là báo chứ không phải một trang thông tin điện tử (TTĐT - không được phép hoạt động báo chí), Eva ghi thêm “Báo Phụ Nữ” ngay bên dưới và cụm từ này lại được sử dụng thêm vài lần nữa ở phần thông tin chân trang. Dù vậy, cũng chính eva.vn thể hiện, giấy phép của họ chỉ là trang TTĐT và cơ quan chủ quản là 24h. Quan trọng là khi tiếp xúc với nghệ sĩ, doanh nghiệp, đối tác… các nhân viên của eva.vn lẫn 24h.com.vn và nhiều trang TTĐT khác như zing.vn, kenh14.vn, xzone.vn đều cố thể hiện mình là “phóng viên báo” để gây nhầm lẫn. Mục đích là gì, chắc ai cũng hiểu.

Ý thức mình không phải là cơ quan báo chí, nên những bài báo do mình tự sản xuất, các đơn vị này đều ghi theo nguồn một cơ quan báo chí nào đó. Kenh14.vn ghi nguồn là TTVN, Zing ghi nguồn Infonet (báo Bưu Điện), Xzone ghi nguồn VNN (Vietnamnet), tiin.vn ghi nguồn Đất Việt… trong khi rất nhiều bài viết dạng này khi tìm kiếm trên trang được dẫn nguồn đều không tồn tại. Ai cũng hiểu, để được ghi là “nguồn ABC, XYZ”, các trang TTĐT phải có “hợp đồng” với tờ báo chính thức - một kiểu bán báo tinh vi mới xuất hiện thời gian gần đây khi các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử phạt. Bởi chỉ mua tên báo nhằm lách luật, Xzone không nêu tên tổng biên tập, vẫn ghi địa chỉ của mình, công ty mình chứ không phải trụ sở Vietnamnet, thậm chí làm mờ tên tờ báo được “dẫn nguồn”. Khi không tìm được đơn vị “bảo kê”, nhiều trang như beat.vn, itviet.vn, tintuc.trongngay… tuyên bố mình là “phiên bản thử nghiệm, đang chờ xin cấp phép” và cứ thế hoạt động ngay trước mũi luật pháp. Trang trangtinvietnam.com.vn của Công ty CP DV-TM & đầu tư công nghệ 3X đã chạy “phiên bản thử nghiệm” của mình suốt từ năm 2008 đến nay và vẫn “chờ xin cấp phép”, dù quy trình cấp phép cho một trang tin điện tử không quá hai tháng.

Trên hành trình “cải hóa” và ngày càng cải hơn, các báo mạng, trang tin điện tử căn cứ vào bộ đếm số lượt người xem để biết bài nào được xem nhiều nhất (hầu hết là bài giật gân, câu khách) và cứ thế… phát huy. Khi phóng viên được trả nhuận bút theo view, họ sẽ bỏ qua các quy tắc, chuẩn mực báo chí để viết thế nào cho hút độc giả nhất. Những scandal được dựng lên, kéo dài, thêm thắt… suy cho cùng, cũng chỉ vì miếng cơm của một bộ phận “nhà báo”. Có phóng viên một trang mạng từng tuyên bố: “Viết về T.V.K. có ma nó xem”, bởi thống kê lượt view cho biết tin về vị giáo sư khả kính này ít người đọc. Họ bỏ qua món ăn này trong thực đơn cung cấp cho độc giả - chỉ thuần túy bán cải, cùng lắm chờ lượm lại những tin quan trọng từ các báo chính thống để tỏ ra mình cũng “chính chuyên”.

Ở báo in, không khó để nhận ra, đa phần những tờ báo chuyên đăng tải các thông tin nhảm nhí hiện nay đều là ấn phẩm phụ của một tờ báo. Chẳng hạn tờ Công lý và Xã hội là ấn phẩm của báo Công Lý, tờ Dòng đời là ấn phẩm phụ của báo Nông thôn ngày nay; Cuộc sống là ấn phẩm của báo Nhân đạo & Đời sống... Do Luật Báo chí không quy định giới hạn số lượng ấn phẩm của các tờ báo nên một tờ báo có thể có đến vài ấn phẩm khác nhau. Kỷ lục về ấn phẩm có lẽ thuộc về báo Đời sống & Pháp luật. Tờ báo này có đến bốn ấn phẩm gồm Người đưa tin, Đời sống & Pháp luật (tuần), Hôn nhân & Pháp luật và Pháp luật & Cuộc sống. Ngoài báo in, Người đưa tin còn có cả báo điện tử. Nối tiếp báo điện tử Người đưa tin còn có chuyên trang Phụ nữ & Đời sống (phunutoday). Cá biệt hơn, khi tờ báo chính là Đời sống & Pháp luật chỉ phát hành bốn số/tuần thì ấn phẩm Người đưa tin lại là báo ngày! 

Cùng với báo Đời sống & Pháp luật, ấn phẩm Người đưa tin có văn phòng đại diện các tỉnh phía Nam đặt tại 208 Điện Biên Phủ, Q.3, TP.HCM, với tên người phụ trách cơ quan là Trần Tiến Dũng. Tờ Hôn nhân & Pháp luật, Đời sống & Pháp luật (tuần) và Pháp luật & Cuộc sống dù có cùng thành phần ban biên tập nhưng văn phòng miền Nam lại được đặt tại 64/3 Lê Quang Định, P.14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, riêng tờ Hôn nhân & Pháp luật, Pháp luật & Cuộc sống còn có thêm tên người tổ chức nội dung là Nguyễn Quang Thiều.

Điều này lý giải vì sao người phụ trách văn phòng đại diện không nắm được hết các ấn phẩm phụ của mình, đồng thời cho thấy việc tư nhân thâu tóm các ấn phẩm, chuyên trang, từ lâu đã không còn là chuyện mới. Giới làm nghề vốn không lạ với việc một công ty truyền thông có trụ sở đặt tại phố Nguyễn Du - Hà Nội  “mua măng sét” để phát hành một loạt ấn phẩm của một số tờ báo có trụ sở đặt tại Hà Nội.

Không được cấp phép hoạt động báo chí, các trang thông tin điện tử, website đã dùng đủ chiêu núp bóng, thậm chí mạo danh

DỄ DÃI TRONG TÁC NGHIỆP

Là báo trá hình, thực chất là trang TTĐT, nên các đơn vị này không hề tôn trọng pháp luật về sở hữu trí tuệ khi sao chép, cắt dán trái phép tin bài của các báo khác. Trong đợt kiểm tra gần đây của cơ quan chức năng đối với 24h, công ty này chỉ trình ra được vài bản hợp đồng với các tờ báo, trong khi số đơn vị bị họ sử dụng tác phẩm báo chí lên đến hàng chục. Trang Bizbiz.vn (Netizen.vn), ghi địa chỉ của mình ở Gunzenhausen (Đức) và tuyên bố hoạt động theo luật của Đức, nhưng thực tế lại là sản phẩm của Công ty CP Velo có trụ sở tại cả TP.HCM lẫn Hà Nội và người đăng ký tên miền này chính là nhân vật tuyên bố “làm báo không cần kiểm chứng thông tin”.

Không chỉ có các trang mạng, trên các sạp báo cũng xuất hiện ngày càng nhiều những tờ báo chuyên đăng tải các bài viết có nội dung về các vụ án, hành động tội ác, mê tín dị đoan, săn tìm những thông tin “hot”, những scandal của giới showbiz. Chuyện đăng tải thông tin về các vụ án không phải là điều cá biệt của báo chí, điều đáng nói ở đây là cách dùng câu chữ, cách tô đậm từng tình tiết của các vụ án và tần suất các bài viết có nội dung giật gân trên mỗi số báo. Quá nhiều những bài viết miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, chém giết rùng rợn trong các vụ án, những hành động tội ác, hình ảnh có tính kích dâm, những câu chuyện ma quái, rùng rợn với “văn phong” câu khách, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, khiến người đọc phải rùng mình trước bức tranh đầy mảng tối của xã hội. Những vụ án được những tờ báo chính thống đăng tải ngắn gọn, tên tuổi các nhân vật được viết tắt do vẫn đang trong quá trình điều tra của cơ quan công an, được một số tờ khai thác lại một cách trần trụi, bất chấp tác hại đến người trong cuộc và những người thân, bạn bè của họ. Cụ thể như vụ phá đường dây gái gọi là người mẫu, diễn viên ngày 24/5 vừa qua, được một vài báo khai thác rất đậm. Không chỉ đăng thông tin cụ thể về đời sống riêng của H.H. và lời khai của cô tại cơ quan điều tra, nhiều tờ còn bêu tên thật, hình ảnh của cô lên mặt báo. Những người viết bài có nghĩ đến những hệ lụy phía sau thông tin đó? Sai phạm của cô người mẫu là đáng lên án, nhưng cách đưa tin quá trần trụi, vô cảm với vi phạm lần đầu và chỉ bị phạt hành chính của một cô gái trẻ e rằng quá nhẫn tâm. Cùng phát hành ở các sạp báo như tất cả những tờ báo khác, những chuyên trang, ấn phẩm này thường được quảng cáo khá mạnh bằng những tờ poster khổ lớn, giới thiệu hình ảnh, thông tin “hot” nhằm kích thích sự tò mò của độc giả. Để khuyến khích các đại lý và sạp báo, những ấn phẩm này luôn dành đặc quyền “không bán hết được trả lại báo”, một ấn phẩm còn thưởng thêm tiền cho chủ sạp báo nếu họ bán hết được số báo đã lấy.

Cuối năm 2009, trước sự bùng phát của các trang TTĐT độc hại, nhảm nhí, qua phản ảnh của báo chí, Văn phòng Thủ tướng đã ra công văn yêu cầu Bộ TT-TT kiểm tra, xử lý. Cục Quản lý phát thanh truyền hình và TTĐT đã vào cuộc. Tình hình lắng dịu được… vài tháng trước khi quay về như cũ với những hành vi vi phạm tinh vi hơn.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà khi còn là Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM từng nhấn mạnh: “Không thể cấp phép rồi buông lỏng quản lý”. Dưới thời ông Hà, nhiều đơn vị sai phạm đã bị xử lý nghiêm khắc, nhưng nay, dường như TP.HCM và khu vực phía Nam nói chung đang dần bất lực trước đại nạn thông tin lá cải vì không thể xử được các đơn vị có trụ sở ở Hà Nội, có giấy phép của Bộ TT-TT. Theo các quy định của pháp luật hiện hành, hành vi vi phạm của các trang TTĐT như hoạt động sai nội dung được cấp phép, không ghi hoặc ghi sai thông tin liên hệ, người chịu trách nhiệm, trụ sở... chỉ bị xử lý từ 5 - 20 triệu đồng. Trong những lần xử phạt trước đây, cơ quan chức năng từng xử phạt một website đến hơn 30 triệu đồng. Tuy nhiên, mức xử phạt như hiện nay chỉ tương đương giá một banner quảng cáo của các tờ báo trá hình, nên hoàn toàn không đủ sức răn đe. Hình thức xử phạt bổ sung - rút giấy phép từ 30 - 180 ngày chưa từng được áp dụng. Cục Trưởng Cục Quản lý phát thanh truyền hình và TTĐT Lưu Vũ Hải cũng từng khẳng định, sẽ rút giấy phép những đơn vị vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật, song có vẻ như những vi phạm kiểu lộ hàng, gây sốc, hình ảnh sex, kinh dị, tuyên truyền mê tín… chưa đủ nghiêm trọng nên chưa có đơn vị nào bị rút giấy phép chăng? Người dân và xã hội đang chờ sự vào cuộc tích cực và hiệu quả hơn của các cơ quan chức năng với những biện pháp chế tài mạnh mẽ, để làm trong sạch lại phần nào các hoạt động thông tin.


(Theo Phụ nữ TP.HCM)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 266
  • Khách viếng thăm: 256
  • Máy chủ tìm kiếm: 10
  • Hôm nay: 33068
  • Tháng hiện tại: 2314725
  • Tổng lượt truy cập: 48688852