Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam kỷ niệm 65 năm thành lập

Đăng lúc: Thứ ba - 30/07/2013 15:02
Ngày 25/7, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập (25/7/1948 - 25/7/2013). Đến dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các văn nghệ sỹ hoạt động trong 10 Hội chuyên ngành của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao bức trướng của Ban Bí thư tặng Hội Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Ảnh: Hà Trang

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao bức trướng của Ban Bí thư tặng Hội Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Ảnh: Hà Trang

Tại Lễ kỷ niệm, ôn lại lịch sử 65 năm ngày thành lập, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho biết: Tại làng Dộc Phát, Yên Kỳ, Hạ Hòa, Phú Thọ trong vùng chiến khu Việt Bắc thời kháng chiến chống Pháp, theo sự chỉ đạo của Đảng và Bác Hồ, Hội nghị văn nghệ toàn quốc đã họp lần thứ nhất từ ngày 23 - 25/7/1948. Trong ngày cuối cùng của kỳ họp, Hội nghị đã tuyên bố thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam và bầu ra Ban Chấp hành đầu tiên của Hội do nhà văn Nguyễn Tuân làm Tổng Thư ký, nhà thơ Tố Hữu làm Phó Tổng Thư ký.< /p>

Hội nghị này chỉ có hơn 80 văn nghệ sĩ dự họp nhưng có tầm vóc như là kỳ Đại hội đầu tiên của tổ chức văn nghệ cách mạng Việt Nam với sứ mệnh tập hợp rộng rãi toàn giới văn nghệ sỹ thuộc mọi thế hệ, các dân tộc, các tầng lớp ở các miền vùng khác nhau trong cả nước Việt Nam độc lập, nhằm đoàn kết cùng toàn dân góp phần vào thực hiện các nhiệm vụ cách mạng đặt ra, bảo vệ, dựng xây chế độ mới.

65 năm qua, tổ chức Hội Văn nghệ Việt Nam đã 3 lần mang tên gọi mới, để phù hợp với sự lớn mạnh, trưởng thành về tổ chức của Hội qua các thời kỳ: Hội Văn nghệ Việt Nam (1948 - 1957), Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam (1957 - 1995), Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (từ 1995 đến nay).

Với vai trò là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp từ Trung ương đến cơ sở, 65 năm qua, các văn nghệ sỹ thuộc 10 hội chuyên ngành của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam luôn gắn bó với đời sống hiện thực cách mạng, tâm huyết và phát huy tài năng sáng tạo, đưa những tác phẩm hay, bổ ích đến với công chúng. Ghi nhận những đóng góp quý báu của văn nghệ sỹ, trong gần 30 năm qua, từ 4/1984 - 4/2012, Nhà nước đã tiến hành 7 đợt xét duyệt, trao tặng cho các văn nghệ sỹ xuất sắc danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân (266 người), Nghệ sỹ Ưu tú (1933 người) và 04 đợt trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (104 người), Giải thưởng Nhà nước (458 người) về VHNT. Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cũng đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng Nhất, 02 lần được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh...

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân gửi lời chúc mừng liệt liệt tới toàn thể văn nghệ sĩ trong cả nước. Đồng chí khẳng định, ngay từ những năm đầu cách mạng, Đảng ta đã xác định văn hóa là một mặt trận, chống ách nô dịch của thực dân Pháp, tập hợp quần chúng tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc. Cùng với bản Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943, ngày 25/7/1948 lần đầu tiên đại hội văn nghệ sỹ được tổ chức tại Tuyên Quang, đây là sự kiện chính trị rất quan trọng của đời sống văn hóa nước nhà, đồng thời cũng thể hiện chủ trương của Đảng ta luôn coi văn hóa, VHNT vừa là một nhu cầu tất yếu của cuộc sống, vừa là một sức mạnh dân tộc quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Trải qua 70 năm kể từ khi bản Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời, trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trong chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc và trong công cuộc xây dựng đất nước, đội ngũ văn nghệ sỹ cách mạng Việt Nam đã không ngừng trưởng thành và có những đóng góp to lớn có ý nghĩa lịch sử. Các anh, các chị đã cống hiến nhiều tác phẩm có giá trị sâu sắc về tư tưởng và nghệ thuật, đã làm sống lại khí phách của Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Quang Trung trong thời đại Hồ Chí Minh, làm cho sức mạnh của dân tộc Việt Nam vượt lên cao hơn sức mạnh vật chất mà kẻ thù có thể đo, đếm được. Bằng sự sáng tạo của các nghệ sỹ cách mạng, cho dù các tác phẩm đó ra đời tại các đô thị, tại vùng kháng chiến tự do, hay trong lòng chiến hào, thì các tác phẩm đó đều là sự hòa quyện của sức mạnh dân tộc hàng ngàn năm và sức mạnh thời đại, là sự thăng hoa của trí tuệ và trái tim Việt Nam. Nhiều văn nghệ sỹ đã về với tổ tiên, nhưng tác phẩm của các anh, các chị sẽ mãi mãi sống với các thế hệ người Việt Nam ở mọi miền đất nước, với người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, VHNT ở thời đại nào cũng là tấm gương phản ánh đời sống. Xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới hội nhập khác xa với những năm chiến tranh, giành độc lập dân tộc. Điều đó đòi hỏi người nghệ sỹ phải có cách nhìn, cách nghĩ mới trong sáng tạo nghệ thuật, phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước hôm nay. Hơn lúc nào hết, người nghệ sỹ cần bám sát cuộc sống, phản ánh những tấm gương, mô hình sáng tạo và điểm nóng của cuộc sống trong các lĩnh vực như: kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh; phản ánh những trăn trở và giải pháp cho phát triển đất nước, phát triển VHNT. Đó là sứ mạng của các văn nghệ sỹ, là mong mỏi của Đảng và nhân dân. Đồng chí mong muốn, đội ngũ văn nghệ sỹ trên mọi lĩnh vực, với tài năng sáng tạo của mình, phát huy cao độ trách nhiệm công dân, trách nhiệm nghệ sỹ - chiến sỹ trong giai đoạn hiện nay; tiếp nối các giá trị văn hóa, VHNT truyền thống của cha ông, kết hợp với tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, lăn xả vào cuộc sống hiện thực để sáng tác được nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật; tích cực tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, góp phần để xây dựng và phát triển một nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước. Nhân dân ta mong đợi nền văn nghệ nước nhà lấy các giá trị chân - thiện - mỹ, nhân văn, dân tộc làm chuẩn mực, độc lập tự do cho dân tộc và hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu, góp phần xây dựng và hình thành nhân cách con người Việt Nam, tạo nên sức mạnh con người của đất nước Việt Nam.

Để tạo điều kiện cho VHNT phát triển, Đảng và Nhà nước khuyến khích mọi tìm tòi, tôn trọng sự tự do sáng tạo của người nghệ sỹ, xây dựng nhiều cơ chế, chính sách đối với VHNT và văn nghệ sỹ phù hợp với điều kiện kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước. Đảng và Nhà nước luôn cổ vũ, khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho các hoạt động VHNT.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ tin tưởng rằng, nền VHNT cách mạng Việt Nam với đội ngũ văn nghệ sỹ đã được rèn luyện thử thách trong đấu tranh cách mạng, với truyền thống vẻ vang của dân tộc, đoàn kết một lòng vượt qua những thách thức mới của cuộc sống, tiếp tục phát huy những thành quả VHNT 65 năm qua để có thêm nhiều tác phẩm xứng đáng với truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc, sự tin cậy của Đảng và lòng mong đợi của nhân dân.

Đồng chí đề nghị các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan, nhất là Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các Hội VHNT ở Trung ương và địa phương, trên tinh thần của Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa, VHNT cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết đội ngũ những người làm công tác văn hóa, nghệ thuật, để tổ chức Hội thực sự là mái ấm, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của văn nghệ sỹ, là cầu nối giữa văn nghệ sỹ với Đảng và Nhà nước; chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước các quan điểm, cơ chế, chính sách nhằm phát triển mạnh mẽ VHNT nước nhà.

Tại Lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trao bức trướng của Ban Bí thư Trung ương Đảng mang dòng chữ: "Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Đổi mới" tặng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.


(Theo CPV)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 220
  • Khách viếng thăm: 218
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 14061
  • Tháng hiện tại: 2295718
  • Tổng lượt truy cập: 48669845