Lễ trao giải thưởng văn học và kết nạp hội viên Hội Nhà văn Hà Nội

Đăng lúc: Thứ năm - 11/10/2012 15:02
Sáng 10/10/2012, tại Thư viện Hà Nội (số 47 Bà Triệu – Hoàn Kiếm – Hà Nội), Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức Lễ trao giải thưởng văn học hàng năm và kết nạp hội viên mới.

Đến dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội; đại diện các nhà xuất bản; Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội: nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên; Ủy viên các hội đồng chuyên môn; các nhà văn lão thành; tác giả đạt giải thưởng văn học và các hội viên mới của Hội Nhà văn Hà Nội…

Các tác phẩm nhận giải thưởng: SBC là săn bắt chuột (tiểu thuyết) – Hồ Anh Thái; Buổi câu hờ hững (tập thơ) – Nguyễn Bình Phương; Dĩ vãng phía trước - Ngô Thảo; Lolita (tiểu thuyết, Nabokov) – Dương Tường dịch; tập thơ Xem đêm của nhà thơ Phùng Cung nhận giải Thành tựu về thơ.

 

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đọc báo cáo về kết quả giải thưởng, trong đó nhận xét khá chính xác, kỹ lưỡng về từng tác phẩm đạt giải thưởng năm 2012:

SBC là săn bắt chuột – cuốn tiểu thuyết chứng tỏ sự chuyên nghiệp trong nghề của nhà văn Hồ Anh Thái. Ông luôn đổi mới cách viết, luôn lạ hóa chính mình trong cách khai thác và biểu đạt hiện thực, và luôn cập nhật nắm bắt thực tại đời sống ở những vỉa tầng tươi mới nhất. Tác phẩm này của Hồ Anh Thái vừa hiện thực vừa phúng dụ, vừa thời sự vừa khơi gợi, tuy người đọc còn có thể đòi hỏi ở tác giả sự khái quát nghệ thuật cao hơn.

Buổi câu hờ hững – tập thơ chứng tỏ một mức độ thành công của nhà thơ Nguyễn Bình Phương trên con đường thơ riêng của mình. Thơ ông ở tập này nhiều lắng đọng, suy nghiệm được diễn tả bằng một ngôn ngữ và giọng thơ điềm nhiên, tự tại. Nguyễn Bình Phương cách tân tân thơ không ồn ào ở hình thức mà đi sâu vào cảm xúc và cảm nhận, đem lại cho thơ một vẻ đẹp trầm tư.

Nhà văn Ngô Thảo, tác giả cuốn sách Dĩ vãng phía trước

Dĩ vãng phía trước – tập tư liệu chuyện văn chuyện đời một thuở của nhà phê bình Ngô Thảo. Phần tư liệu, nội dung chính của tập sách, rất có giá trị ở sự duy nhất của nó, được ghi chép của một người trong cuộc và có thẩm quyền, cung cấp cho người đọc và người làm sử văn học những cứ liệu quý báu. Viết tư liệu như vậy cũng là một cách thế phê bình văn chương.

Lolita – bản dịch một tác phẩm thuộc hàng nổi tiếng nhất, gây tranh cãi nhất của văn học thế giới thế kỷ XX, và cũng là một tác phẩm khó dịch nhất. Dịch giả Dương Tường đã có một sự nghiệp dịch thuật to lớn, đã có nhiều thành công trong lĩnh vực này, nhưng ông đã phải dành hai năm liền cho cuốn tiểu thuyết lớn của V. Nabokov. Hội đồng nhận định bản dịch Lolita tuy còn một số chỗ gây tranh cãi về cách dịch, cách hiểu văn bản, nhưng đây là một bản dịch trực tiếng từ tiếng Anh công phu, tâm huyết, có thể coi là tác phẩm dịch “để đời” của dịch giả, đưa lại cho độc giả một kiệt tác của văn chương thế giới được ở mức cao nhất có thể.

Giải thành tựu không nằm trong hạng mục giải thường xuyên của HNVHN, nhưng tùy vào hoàn cảnh từng năm xét thấy có tác phẩm đáng trao thì Hội sẽ có quyết định riêng. Năm nay tập thơ Xem đêm của nhà thơ Phùng Cung (1928-1997) đã được trao giải Thành tựu thơ là rất xứng đáng. Nhà thơ Phùng Cung đã sống cuộc đời mình nhiều trầm luân, khổ ải, nhưng chính vì thế mà thơ ông lại đưa đến sự ngạc nhiên lớn cho người đọc. Thơ Phùng Cung cho ta thấy cái tài của ông trong việc sử dụng tiếng Việt thôn quê được nâng lên thành ngôn ngữ thơ, trong cái nhìn cảnh sắc đời sống nông thôn và nông dân, trong sự nén lặng và bùng nổ âm thầm của tâm tư cá nhân nén trong từng câu chữ. Xem đêm được xuất bản lần đầu năm 1995, năm 2012 được tái bản bổ sung, là một bằng chứng thuyết phục cho thơ đích thực và sức sống của thơ.

Ban chấp hành HNVHN nhận định lần xét giải năm 2012 này là “được mùa” những tác phẩm xứng đáng, có chất lượng, có tiếng vang vào giải. Vì thế giải thưởng 2012 của HNVHN hy vọng sẽ có tác động tốt đến đời sống văn học của thủ đô và cả nước hiện nay.

Từ trái sang phải: nhà thơ Nguyễn Bình Phương, nhà văn Ngô Thảo, dịch giả Dương Tường và đại diện gia đình nhà thơ Phùng Cung

 

Tiếp theo là Lễ trao Quyết định và thẻ hội viên cho 26 hội viên mới. Trong số đó có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà LLPB là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam: Trương Đăng Dung, Nguyễn Huệ Chi, Chu Văn Sơn, Nguyễn Bình Phương, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Xuân Thủy… Hội viên trẻ nhất trong mùa kết nạp này là Linh Lê, sinh năm 1986 (tác giả của hai cuốn sách: “Không khóc ở Kuala Lumpur” và “Mùa mưa ở Singapore”).

Linh Lê (ngoài cùng bên phải) - hội viên trẻ nhất của Hội Nhà văn Hà Nội

Toàn cảnh Lễ trao giải văn học và kết nạp hội viên Hội Nhà văn Hà Nội 2012

Tin, ảnh: Phong Lan
(Theo VanVN.Net )
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 271
  • Khách viếng thăm: 269
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 20337
  • Tháng hiện tại: 2388762
  • Tổng lượt truy cập: 48762889