Âm thầm những trang báo

Đăng lúc: Thứ năm - 21/06/2012 14:17
Tổng Biên tập Lê Tiếp và tạp chí Đời mới

Tổng Biên tập Lê Tiếp và tạp chí Đời mới

Không được bày bán trên các sạp báo, và hầu như không mấy ai biết đến, nhưng tờ tạp chí này, hơn 30 năm qua vẫn âm thầm chia sẻ, kết nối những con người không được số phận ưu ái. Đó là cuốn tạp chí đặc biệt, chỉ dành cho những người khiếm thị.

Tờ báo đặc biệt

Trước mặt chúng tôi là một tập giấy không màu sắc, không hình ảnh, không chữ viết, ngoại trừ vài dòng chữ in ít ỏi bằng mực đen ở trang bìa, đủ để những người sáng mắt nhận biết đây là một tập tài liệu có tên Đời mới. Hẳn ít ai có thể nghĩ rằng đây là một tờ tạp chí, mà lại là tờ tạp chí đã tồn tại trên 30 năm.

Năm 1970, sau khi Hội người mù Việt Nam ra đời được một năm, Tạp chí Đời mới cũng bắt đầu hình thành. “Người khiếm thị ngày đó khó khăn lắm.

Nhắc đến người khiếm thị, người ta nghĩ đến những người không còn khả năng cống hiến cho xã hội, những người chỉ sống nhờ lòng hảo tâm của người đời.

Bởi vậy, dù cơ sở vật chất hầu như chưa có gì ngoài những chiếc máy gõ chữ nổi nhưng lãnh đạo hội vẫn quyết định ra một tờ tin nội bộ, kết nối và động viên những người khiếm thị” - Tổng Biên tập tạp chí, Tiến sĩ Lê Tiếp cho biết.

Những năm đó, vì không có máy in chữ nổi nên mỗi lần ra tờ tin, hàng chục hội viên được huy động để gõ từng trang, liên tục trong nhiều ngày để cho ra đời những “cuốn báo” chữ nổi.

Phải mãi tới năm 1982, khi ủy ban 2 Hà Lan, giúp đỡ một xưởng in cơ khí và năm 1992, khi Hội người mù Na Uy tiếp tục giúp đỡ nâng cấp xưởng in với máy in chứ Braille tự động thì việc làm báo mới trở nên dễ dàng hơn.

Năm 1988, Tạp chí Đời mới chính thức đứng trong hàng ngũ báo chí Việt Nam, là cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội người mù Việt Nam, sau khi được Cục Báo chí, Bộ Văn hóa - Thông tin (Nay là Bộ Thông tin & Truyền thông) cấp giấy phép xuất bản.

Đến nay, tờ tạp chí vẫn duy trì đều đặn số lượng phát hành mỗi tháng 1000 bản, được phát miễn phí cho hơn 400 cơ sở hội người mù trong cả nước.

Theo Tiến sĩ Lê Tiếp, hiện nay, trong Hội người mù Việt Nam có khoảng 25.000 người biết chữ Braille, nhu cầu tiếp nhận thông tin của người mù là rất lớn.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới chỉ có duy nhất tạp chí Đời mới được in bằng chữ Braille, mà số lượng phát hành cũng chỉ được 1.000 bản, do nguồn kinh phí quá hạn hẹp.

Thông thường, 1 trang chữ đánh máy thường chuyển sang chữ nổi mất khoảng 3 trang. Tính sơ sơ, tiền mua giấy, tiền in ấn, mỗi trang đánh máy chữ Braille mất khoảng 800 đồng.

Với số lượng 60 trang, nhân 1.000 bản thì mỗi lần ra tạp chí Đời mới tốn hàng chục triệu đồng. Trong khi đó, nguồn kinh phí do Cục báo chí hỗ trợ hàng năm chỉ đủ trả nhuận bút cho cộng tác viên mà thôi.

Và những người làm báo không ánh sáng

Tòa soạn báo nằm tại Trung ương Hội người mù Việt Nam trên đường Nguyễn Thái Học. Nói là tòa soạn, nhưng nhân lực chỉ vỏn vẹn 4 người và đều làm việc kiêm nhiệm, trong đó chỉ có 2 người có thẻ nhà báo là Tổng Biên tập Lê Tiếp và nhà báo Lê Hậu.

Đến tòa soạn báo, chúng tôi được gặp Hoàng Văn Lý - một cây viết cộng tác thường xuyên của tạp chí. Lý sinh năm 1982 tại Hà Tây nhưng ông trời quá khắc nghiệt khi không cho anh một ngày nhìn thấy ánh sáng mặt trời.

Với quyết tâm và đam mê nghề báo, Lý đã thi đỗ vào khoa Báo, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia) và hiện đang là sinh viên năm thứ tư. 4 năm miệt mài đèn sách cũng là 4 năm Lý viết báo cho những người khiếm thị và cộng đồng những người tàn tật.

Đến nay, cậu đã viết được hàng trăm bài báo. Lý tâm sự, khó khăn nhất của những người khiếm thị khi viết báo là không thể quan sát - một yêu cầu quan trọng khi tác nghiệp nghề báo.

Thế nhưng, bù lại, họ lại có những góc nhìn sâu sắc nhất, cảm động nhất về thế giới những người khuyết tật mà những người bình thường, ít ai có thể cảm nhận hết.

Tiến sĩ Lê Tiếp - Tổng Biên tập tạp chí năm nay đã bước sang tuổi “cổ lai hy”. Một tai nạn trong phòng thí nghiệm khi ông còn là giảng viên của trường Đại học Thương mại đã vĩnh viễn cướp đi đôi mắt của ông.

Lần giở từng trang báo, ông đọc cho chúng tôi nghe những bài viết của chính những người khiếm thị viết về thế giới của họ, những tấm gương người tốt việc tốt, và cả những bài thơ, những truyện ngắn. Ông nói, những phóng viên của tạp chí, viết nên những tác phẩm này, hầu hết là những hội viên khiếm thị.

Có những người khiếm thị đang theo học đại học, nhưng cũng có những người chưa ngồi trên ghế nhà trường bao giờ, nhưng vẫn khao khát viết báo.

Họ viết bằng cả nhiệt huyết của mình, vượt qua mọi khó khăn, mặc cảm với đồng nhuận bút ít ỏi bởi với họ, đó cũng là một cách tồn tại và khẳng định mình trong xã hội. 
Hà Loan
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 373
  • Khách viếng thăm: 371
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 54090
  • Tháng hiện tại: 1695503
  • Tổng lượt truy cập: 48069630