Mùa nước nổi

Đăng lúc: Thứ sáu - 04/11/2011 14:39
Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

“Mùa nước nổi” là cụm từ mà dân quê tôi hay sử dụng mỗi khi nước lũ tràn đồng. Từ tháng 7 âm lịch, quê tôi, nước lại tràn khỏi bờ. Mùa nước nổi làm cho người dân long đong, vất vả. Nhưng bù lại, như một sự tạ lỗi, nước nổi cũng đem đến cho con người bao sản vật tự nhiên, cho đất đai bao phù sa màu mỡ. Và cho con người đong đầy những kỷ niệm tuổi thơ, những kỷ niệm đời người.

Mùa nước nổi, quê tôi thành biển cả mênh mông. Biển quê tôi mang màu nâu đỏ, mỗi nhà nổi lên như một ốc đảo xanh bập bềnh trên mặt nước, đẹp như tranh thủy mặc. Các hòn đảo đều thơm lừng hương ổi, hương bưởi. Đó là mùa tháng sáu, tháng bả­y khi những trận mưa mùa hạ trút không ngớt xuống đất lành. Nước đổ về suối, suối chảy về sông, nước sông cuồn cuộn dồn ra biển, nước chảy không kịp lừ lừ dâng tràn ngập đôi bờ cướp đi hoa màu và sự thanh bình êm ả. Quê tôi thuộc vùng trũng Đồng Tháp Mười, không mùa lũ nào thoát nước.

Nhớ lúc còn là thằng nhỏ lỳ lợm, khoái đi câu cá, kéo lưới hơn đi học. Tôi khoái lũ về hết biết. Cứ nghĩ tới cảnh được bơi xuồng ra ruộng, đi giăng lưới, ủ lươn là khoái trong lòng. Còn cha mẹ tôi và các chú, các bác trong xóm thì ngược lại. Nghe đài báo lũ lên cấp 1, cấp 2 rồi cấp 3 cả xóm xôn xao náo động. Mọi người cuống lên lo đong gạo, mua muối dự trữ. Người già thì trầm tư theo dõi con nước dừng hay nhảy, trẻ con lại đua nhau háo hức đo nước chậm hay mau.

Nước lên nhanh chúng tôi reo hò vui sướng rủ nhau đi sắm cần câu, sắm vó. Đối với trẻ nhỏ chẳng có gì khoái bằng khi được ngồi trên giường mà cất vó và câu cá. Nước lên, khắp nơi cành cạch sửa xuồng trát ghe, heo gà kêu eng éc, quang quác ầm ĩ. Người lớn lo bồi sân, đắp bờ mặt cứ méo đi vì mệt. Bọn trẻ con thì mặt nở như hoa hớn hở đi xúc cua, vớt ốc, đâm chuột, đập rắn, đua xuồng các kiểu. Sáng sáng, tôi lại bơi xuồng ra ruộng chổng mông giăng lưới. Sao cá nhiều quá không biết. Chưa đầy một tiếng đồng hồ mà được hẳn những một rổ, nào là cá rô, cá trạch, cá sặc… Đem về mà nấu một nồi canh chua bông súng ma hay bông điên điển là ngon hết xảy.

Nước lên, tôm cá cũng lên vẫy vùng trên sân, trên ngõ, trên vườn ăn cỏ. Chúng tha hồ chu du trên lãnh thổ mới thưởng thức của ngon vật lạ. Kiến kềnh, kiến càng kéo nhau lên làm tổ trên mái nhà và ngọn cây cao. Rắn, rết, chuột cũng bảo nhau kiếm nơi trú ngụ mới. Tối trèo lên giường đi ngủ. Tôi quờ phải một vật gì trơn tuồn tuột vội nhảy ùm xuống nước, hét ầm lên. Cha soi đèn pin, một chú cạp nong lặng lẽ định chuồn, cha phang cho một cây, hú vía…

Nhà bà Ba bên cạnh thấp hơn nhà tôi, nước lên chạm tới mái, phải bắc cánh cửa lên xà nhà mà ngủ. Nửa đêm chợt có tiếng kêu từ nhà bên, cha tôi chèo tam bản sang, thấy mấy mẹ con đang khóc mếu mò thằng Tèo. Cha soi đèn, thằng Tèo vẫn khò khò trong mùng. Lúc ấy vỡ nhẽ ra, cả nhà ôm bụng cười vì nghe nhầm tiếng cái bình lăn tõm xuống nước. Đêm nước nổi cả xóm ngủ không yên, nhưng với một thằng ham chơi như tôi thì đêm nước nổi thật là tuyệt.

Đêm đêm, đâu đó, văng vẳng vọng về mấy câu giọng cổ “Ghe chiếu Cà Mau đã cấm sào bên bờ kênh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa vẫn chưa thấy ra chào?...” (Tình anh bán chiếu - Viễn Châu). Thiệt đúng điệu miền Tây nhưng buồn thúi ruột. Tiếng ếch kêu râm ran khắp nơi, tiếng sóng vỗ rì rầm quanh nhà, thỉnh thoảng lại có tiếng lõm bõm của những trái ổi quá tầm chín rụng. Hương ổi ngọt ngào, mùi phù sa ngai ngái lành lạnh thấm đẫm trong đêm. Gió xạc xào, những cánh chim giật mình chao chát, tiếng lách cách của xuồng đi giăng câu rồi… cả tiếng vi vu của sáo diều. Đêm nước nổi mênh mang sâu lắng mà thân thương kỳ lạ. Nằm trong lòng mẹ, tôi cảm thấy mọi thứ xung quanh đối với tôi vừa gần gũi đáng yêu, vừa huyền diệu biết bao.

Mùa nước nổi, nhà nọ đi thăm nhà kia bằng xuồng, đi chợ bằng xuồng, đám ma, đám cưới cũng bằng xuồng. Chiếc xuồng là phương tiện giao thông tuyệt vời nhất. Nhà nào ít xuồng chặt thêm cây chuối đóng bè, đóng mảng để dùng đi lại. Rửa chén, vo gạo, rửa rau đi lại bì bõm trong nhà. Xoong nồi, dép guốc trôi lềnh bềnh lẫn trong rác rưởi.

Ngoài vườn, đu đủ đã quắn lá, cây cối đã nhạt màu xanh, cây lung lay và rụng gần hết lá thì nước rút. Nước rút tới đâu, phù sa đọng tới đó. Phù sa đóng hàng gang tay trên nền nhà, phủ dầy tường cột. Những cây yếu, ngắn ngày vàng vọt chết dần. Cây dài ngày có đất màu mỡ của phù sa đền đáp sau một thời gian lại hồi sức, xanh non mơn mởn. Cuộc sống mới lại bắt đầu, tuy khó khăn nhưng dần dà cũng khắc phục. Những đứa trẻ đã mệt nhoài ra vì nước, chuẩn bị tấp tểnh tới trường. Cây cối ruộng vườn có phù sa màu mỡ tiếp tục vươn lên đơm hoa kết trái ngọt ngào.

Không có nước ngập, vườn ruộng quê tôi được quay vòng mùa vụ, sản lượng thu nhập tăng gấp đôi, gấp ba. Dân vùng tôi vui sướng ấm no, hưởng một cuộc sống thanh bình. Nhưng nhờ nước nổi mà đất đai quê tôi màu mỡ hơn, những biển lúa xanh mơn mởn đang thì xuân xanh, những vườn trái cây trĩu quả. Dù sao tôi vẫn cứ nhớ, cứ yêu mùa nước nổi. Chính mùa nước nổi đã cho tôi những kỷ niệm tuổi thơ êm đềm, đẹp đẽ nhất ở quê hương.

Huỳnh Nhựt An
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 48)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới