NSƯT Thanh Hùng - Ngọc Hoa: Xứng danh anh hùng vọng cổ

Đăng lúc: Thứ hai - 30/07/2012 08:55
2 tháng 9 năm 1965 tại khu căn cứ rừng Tây Ninh. Chúng tôi thuộc đoàn Văn Công Giải Phóng đón mừng anh chị Thanh Hùng - Ngọc Hoa từ căn cứ Hố Bò (Củ Chi) đến với chúng tôi, các anh, chú lãnh đạo gởi cho chúng tôi một số đường táng để uống trà. Giữa rừng chiến khu, món quà đường táng ấy ấm áp tình đồng đội, đồng chí, động viên chúng tôi tự tin hơn để đánh giặc đến hơi thở cuối cùng và niềm tin tất thắng luôn cháy bỏng trong lòng...
Anh Thanh Hùng tình nguyện xách rựa đi chẻ hột cây Cầy (còn có tên là cây Kơnia) để lấy ruột làm kẹo. Đất Tây Ninh cây Cầy mọc rất nhiều. Có những cây 2-3 người dang tay ôm không giáp, cao mười mấy thước. Cây Cầy được hầm than cho ra thứ than Cầy chất lượng số một, vừa rực đỏ để sưởi ấm, để nướng thịt, nướng cá, nướng khô rất tuyệt, thứ than Cầy cháy riu riu không nổ bắn lửa tung tóe như các loại than khác, nên giá nó khá cao. Còn hột Cầy bao bọc bằng lớp vỏ mềm như trái xoài mút (thứ xoài dân gian trái nhỏ ít thịt và rất chua) thịt trái cầy có vị chua chua, chát chát là ăn vô bụng sót ruột thấy mấy ông trời, kế lớp thịt mềm ấy là lớp vỏ đầy xơ cứng mà dao thường cỡ như dao sắc thịt heo không bửa ra được, phải dày và nặng như rựa mới chẻ được. Bên ngoài trái Cầy đáng chán vậy chứ bên trong ruột thì trắng ngần beo béo..Anh Thanh Hùng hồ hởi chẻ hột Cầy đến chảy máu tay. Nhìn anh mà thương quá một nghệ sĩ Sài Gòn không ngại khó để mang niềm vui đến cho anh em đồng đội. Kẹo hột Cầy ngon hơn kẹo đậu phộng và kẹo hột điều. Khó nhất là công chẻ hột, nếu không xứ Tây Ninh tôi có thêm một đặc sản mà không nơi nào có.


NSƯT Thanh Hùng - Ngọc Hoa

Chúng tôi có những miếng kẹo hột Cầy ngon miệng mừng Quốc Khánh lần đó là nhờ công của anh Thanh Hùng. Riêng chị Ngọc Hoa nhờ tôi đờn kìm tập cho chị bài Tứ Đại oán Bá Lý Hề, chị nói: "Tôi đi hát cải lương thường chỉ ca vài câu hay một lớp, chớ chưa từng ca nguyên bài, nay có dịp học nhờ anh giúp cho..." Thương sao sự khiêm tốn, chân thật của một ngôi sao.

Giọng ca trên các chiến hào

Trước khi Thanh Hùng - Ngọc Hoa về Đài Phát thanh Giải Phóng, nói tiếng là ca cải lương, nhưng những giọng ca Nam bộ thời ấy chỉ thường bậc trung, chủ lực vẫn là những giọng ca của các nghệ sĩ cải lương Bắc như Kim Xuân, Tiêu Lang, Mạnh Tưởng... Những Trang Nhung, Kim Hà, Ngọc Mai, Thấy Đạt... chỉ là những giọng Bắc được Nam hóa. Khi những bài vọng cổ đầu tiên của Thanh Hùng - Ngọc Hoa được phát sóng, bộ đội, nhân dân trong vùng Giải Phóng sững sờ, cách mạng có những giọng ca hay, rặt chất Nam bộ, đối kháng lại những giọng ca chiến tranh, chính trị, chiêu hồi đang phát ra rả trên Đài Phát thanh Sài Gòn, Đài Phát thanh Quân Đội. Phải nói ngày ấy còn rất nhiều quan niệm hẹp hòi, phân biệt, sự có mặt của Thanh Hùng - Ngọc Hoa bị một số người đố kỵ, phân biệt là nghệ sĩ Sài Gòn, dù lãnh đạo tin yêu, bộ đội nhân dân tin tưởng, anh chị vẫn có chút mủi lòng.

Thời ấy bản vọng cổ chưa được chấp nhận, nhiều nhà lý luận phê bình coi bản vọng cổ là bản nhạc ủy mị, sướt mướt, chính ông Trương Bình Tòng, ông Mai Quân... đã đứng ra bảo vệ bản vọng cổ. Các ông bằng lý luận và kinh nghiệm của mình chứng minh bản vọng cổ không hề bi lụy, nó là bản nhạc bi hùng xét theo hoàn cảnh ra đời và nó có thể thành anh hùng ca là do cách viết, cách thề hiện của người nghệ sĩ. Thanh Hùng - Ngọc Hoa chính là đôi nghệ sĩ minh họa hùng hồn cho những quan điểm bảo vệ nó, bảo vệ bài vọng cổ là bảo vệ nét đặc thù của một làn điệu âm nhạc xuất sắc tiêu biểu nhất của Nam bộ. 34 năm trôi qua, lớp chiến sĩ chúng ta người còn, người mất... Hầu hết đã lên chức ông bà. Chị Ngọc Hoa đã yên nghỉ trước. Có thể có người quên, riêng tôi vẫn nhớ, nhớ rất rõ từng chi tiết của chúng mình ở Đài Phát thanh Giải Phóng, ở đoàn Văn Công Giải Phóng. Thoáng thấy ánh mắt anh Thanh Hiền có nước, anh đang rất xúc động, nhiều năm sống gần anh chưa bao giờ tôi thấy anh biểu lộ tình cảm như thế. Nhắc tới Thanh Hùng - Ngọc Hoa anh có niềm thương mến, trân trọng rất lạ. Hiếm khi anh xúc cảm như vậy, tôi càng tin những gì Thanh Hùng - Ngọc Hoa một đời cống hiến cho nền nghệ thuật cách mạng không phải là huyền thoại, mà là những đóng góp rất thật, rất đời, nói vui là thời thế đã tạo anh hùng...
Đăng Minh
(ghi theo lời kể của tác giả Thanh Hiền)

(Theo Sân Khấu)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

Thanh Hùng, Ngọc Hoa

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 19 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 372
  • Hôm nay: 70264
  • Tháng hiện tại: 2270553
  • Tổng lượt truy cập: 48644680