Chuyện bức ảnh Nụ cười chiến thắng bên Thành Quảng Trị

Đăng lúc: Thứ tư - 24/10/2012 15:01

Trong đời làm phóng viên chiến trường của tôi có những kỷ niệm khó quên. Đó là trường hợp tôi chụp bức ảnh “Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị”.


“Nụ cười chiến thắng” dưới chân thành cổ Quảng Trị (15/8/1972). Bức ảnh nổi tiếng đăng trên báo Nhân dân đúng dịp 2/9/1972 được đánh giá cao, bởi thể hiện sự lạc quan của các chiến sĩ giữa chiến trận ác liệt. Chính nhờ bức ảnh này mà nhân vật chính trong ảnh – chiến sĩ Lê Xuân Chinh đã được “tìm lại”, được hưởng chính sách vì những năm tháng cống hiến cho cách mạng.

Trong bức ảnh có nhân vật trẻ tuổi, đẹp trai tên là Lê Xuân Chinh (ảnh đăng vào đúng ngày lễ 2/9 năm 1972 trên báo Nhân Dân) khi cuộc chiến 80 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị vẫn đang tiếp diễn ác liệt – đêm 16/9 quân ta mới rút khỏi địa danh này.

Sau khi ảnh được đăng, nhiều điện thoại và thư gửi tới tòa soạn để hỏi thăm về người trong ảnh. Có nhiều thư cùng viết “… nó là con tôi đấy, không biết giờ này nó bình an?…”. Tôi điện ngay về đơn vị hỏi tin tức về người trong ảnh thì được đơn vị trả lời: “Chốt (điểm cố thủ) ấy đã bị thương vong hết”.

 

Bức ảnh “Chiến sĩ giao liên” với nụ cười tươi của o du kích đang băng rừng vượt sông làm nhiệm vụ.

Từ đó cho đến lúc bức ảnh được phóng to treo trong bảo tàng Thành Cổ (tại xã Quảng Trị), người xem có hỏi đều được trả lời “Người trong ảnh đã hy sinh…”. Cho tới một ngày đúng vào dịp 30 năm sau (năm 2002) có người bạn cùng quê với Chinh vào thăm bảo tàng kêu to lên: “Không! Đây là anh Lê Xuân Chinh bạn cùng xóm với tôi, anh ta còn sống”.

Người đó cho biết anh Chinh đã đi kinh tế mới ở Điện Biên Phủ từ nhiều năm rồi. Thông tin đó đã đến được với tác giả và rồi chẳng bao lâu đã diễn ra cuộc hội ngộ bất ngờ, có cả nước mắt và nụ cười giữa người chụp và người được chụp.

Thì ra Lê Xuân Chinh bị thương phần mềm và bị sức ép của bom pháo khá nặng nên được đưa về tuyến sau điều trị rồi được trả về quê ở thái Bình, không kịp nhận giấy chứng thương và các giấy tờ khác. Về quê làm ruộng, gặp khó khăn nhiều do sức khỏe kém, anh theo người làng đi xây dựng kinh tế mới ở Điện Biên Phủ.

 

cha con ông già ngư dân Quảng Trị không quản nguy hiểm ngày đêm đưa bộ đội vào thành cổ chiến đấu.

Suốt 30 năm ấy, anh Chinh sống trong cảnh nghèo khó, nhà tranh dột nát, con cái không ai học hết cấp 2, bản thân anh không có chế độ, chính sách gì (vì không có giấy chứng thương nên không có thẻ thương binh, cũng không ai biết anh đã từng là một dũng sĩ chiến đấu trong Thành cổ Quảng Trị).

Cuối cùng, sau 30 năm, tôi và các đồng đội khác đã giúp anh lấy được thẻ thương binh rồi được cấp nhà tình nghĩa… Tôi thở phào, thế là anh Chinh không những còn sống mà cuộc sống của anh còn có hậu!

 

Niềm vui từ quê nhà.

Lại kể về buổi gặp mặt sau bao nhiêu năm, chúng tôi đã ôn lại quá khứ khốc liệt ngày nào, tưởng như sự việc vừa mới xảy ra. Tôi xin kể cho các bạn trẻ hôm nay một vài nét về bối cảnh ra đời bức ảnh:

 

Trận đánh trước Thành cổ Quảng Trị, 1972 .

Bắt đầu từ ngày 28-6-1972, pháo lửa từng cơn trút xuống thành cổ Quảng Trị. Địch đã huy động trên 2 sư đoàn lính thủy đánh bộ và nhiều đơn vị khác tiến sau vệt bom rải thảm B52, hòng giành giật lại mảnh đất liên quan đến hội nghị Paris mà thế giới hết sức chú ý. Từ ngày 12-7, chúng tăng cường thêm bộ binh và hỏa lực các loại.

Nhằm phá nát Thành cổ tới mức không còn một viên gạch dính vào nhau, Mỹ đã dùng loại bom dù thả từng chuỗi, đào bới phá nát các hầm hố. Rồi chất độc hóa học kéo từng từng vệt dài màu vàng trên nền trời, tỏa dần ra, trùm xuống Thành Cổ một thứ khói vàng nhạt chết người. Đội ngũ phóng viên báo Quân Đội Nhân Dân và một số báo khác từ ngoài Thành Cổ nhìn vào trong thành, lòng hết sức nôn nóng, chỉ muốn vượt sông Thạch Hãn đến cùng với các chiến sĩ để chia sẻ những ác liệt,nguy hiểm và ghi lại hình ảnh chiến đấu anh hùng của họ…

 

Đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu (Quảng Trị, ngày 31/3/1972).

Thời điểm này trên bàn đàm phán Paris (về giải pháp chấm dứt chiến tranh) có cuộc tranh cãi: ai là người làm chủ thị xã và Thành cổ Quảng Trị? Thông tin từ 2 phía bằng lời nói không đủ sức chứng minh… Các nhà báo hiểu cần phải vào tận nơi tìm hiểu cuộc sống và chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ ta để tạo ra lợi thế cho phía ta trên bàn đàm phán.

Nhưng trước mắt các nhà báo, con đường vào Thành cổ chẳng dễ dàng gì. Có lời khuyên từ Bộ Chỉ huy mặt trận: không nên để phóng viên vào Thành Cổ (để tránh thương vong).

 

“Qua sông Cam Lộ” chụp tại Quảng Trị, năm 1972.

Nhưng có điều gì thôi thúc khiến tôi phải tìm mọi cách “phá rào” vào Thành cho bằng được. Tôi tìm đến vị trí Đảng Ủy xã Triệu Thượng, ngay sát bờ sông Thạch Hãn, cách Thành Cổ 800 mét. Sau khi biết tôi muốn tìm đường vào Thành Cổ, tôi nhận được lời khuyên nên bám tuyến đi ra của đường vận chuyển thương binh cũng đủ tài liệu.

Nhưng tôi là phóng viên nhiếp ảnh, không thể lấy tài liệu gián tiếp. Ống kính của tôi đã gắn bó từ đầu với chiến dịch giải phóng Quảng Trị. Tôi đã đưa được vào ống kính những hình ảnh anh hùng của chiến sĩ đánh sụp “hàng rào điện tử Mác-na-ma-na”, ghi được phút lịch sử các chiến sĩ cắm cờ lên căn cứ Đầu mầu, hình ảnh cả một trung đoàn 56 của quân ngụy Sài Gòn phản chiến trở về với cách mạng.

 

Du kích Do Linh, Quảng Trị, năm 1970.

Giờ đây, tôi phải có hình ảnh chiến sĩ ta chiến đấu tại Thành Cổ. Cả nước muốn nhìn thấy họ sống ra sao dưới pháo bầy, bom chum và bom rải thảm của B52 Mỹ.

Nghe tôi trình bày, một nữ chiến sĩ du kích thường làm liên lạc ra vào Thành Cổ nói vui: Nhà báo đã “ngoan cố” muốn vào Thành Cổ thì em xin dẫn đường.

Hai nữ du kích đã tự nguyện dẫn đường là cô Lệ, cô Hảo. Các cô cho biết, vượt qua sông Thạch Hãn rất khó khăn, nguy hiểm, có lúc mảnh bom rơi như mưa, trên mặt sông đầy ánh pháo sáng…

 

Phóng viên ảnh Đoàn Công Tính tại căn cứ Tân Lâm ( cao điểm 241 ), Quảng Trị 2/4/1972.

Tôi đã từng chụp hình ảnh lúc Thành Cổ mới giải phóng, Dinh Tỉnh trưởng còn nguyên vẹn. Còn lúc này Thành Cổ ngày 16-8-1972, Dinh Tỉnh trưởng đã nát tan tành và Thành Cổ cũng sụp lở như vừa qua một trận động đất lớn. Chỉ còn nụ cười của những người chiến sĩ bảo vệ Thành Cổ là còn nguyên vẹn và rạng rỡ. Anh em nói khi tôi đưa ống kính lên: “Có thể ngày mai đây một số an hem chúng tôi không còn nữa, nhưng Thành Cổ sẽ sống mãi trong lịch sử vinh quang của đất nước”.

Tôi đã say mê bất chấp bom đạn để giành giật những bức ảnh từ tay thần chết, những hình ảnh sống và chiến đấu vừa bình dị vừa oai hùng của các chiến sĩ trẻ. Trong số những bức ảnh đó, bức ảnh ghi lại khoảnh khắc hiếm hoi với nụ cười lạc quan của Lê Xuân Chinh và đồng đội đã phản ánh đúng tinh thần tình cảm của người lính quyết tử cho Thành Cổ đứng vững.

 

Nụ cười của “Những người chiến thắng” trong chiến dịch Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm dưới mưa bom, bão đạn. (Người ngồi ngoài cùng bên phải đã hy sinh sau khi bức ảnh được chụp ít ngày).

Trước khi rời khỏi Thành Cổ, mang phim ảnh về Hà Nội, tôi cảm thấy trách nhiệm nặng nề không kém lúc ghi hình nên tôi có “sáng kiến” ghi những dòng chữ lên giấy rồi bọc vào những cuốn phim: “Nếu chẳng may tôi hi sinh trên đường ra Hà Nội, xin nhờ mang giùm 10 cuốn phim này về tòa soạn báo QĐND”.

Tôi hiểu một cách sâu sắc đây là hình ảnh của những người con quê hương Quảng Trị và cả nước đã chiến đấu dũng cảm bảo vệ Thị xã Quảng Trị, những nụ cười bất diệt của họ sẽ sống mãi với Thành Gò anh hùng.

Nhưng may mắn cho tôi, tôi đã thực hiện chuyến đi trót lọt với những cuốn phim vô giá trong đó có bức ảnh “Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị” để giữa tôi và Lê Xuân Chinh có ngày gặp gỡ khó quên.

Nhà nhiếp ảnh chiến trường Đoàn Công Tính sinh năm 1943 tại Hải Phòng và lớn lên tại quê mẹ ở huyện Vụ Bản, Nam Định. Cha là cán bộ hoạt động thời kháng chiến chống Pháp nên ông Tính sớm tiếp bước truyền thống cách mạng của gia đình. Ông nhập ngũ từ rất sớm, năm 1962, khi đang học dở lớp 9 trường Thành Trung (nay là trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, thành phố Nam Định). Chính những năm tháng trong quân ngũ, ông đã đến với nhiếp ảnh bằng tình yêu và lòng say mê hiếm có.

Đoàn Công Tính cộng tác với báo Quân đội nhân dân bằng những mẩu chuyện ngắn trong mục “Ống kính chụp nhanh” và nhanh chóng trở thành cộng tác viên xuất sắc của tờ báo này. Qua một số bức ảnh, Ban Biên tập phát hiện thấy có triển vọng nên đã nhận ông vào làm việc năm 1969 và sau đó được phân công đi chiến trường ngay. Lúc bấy giờ đang vào thời điểm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông đi dọc một mạch từ Bắc vào Nam, băng mình trong lửa đạn để ghi lại những hình ảnh hào hùng của một thời khó quên.

Không chỉ được sử dụng rộng rãi trên các báo, nhiều tác phẩm của Đoàn Công Tính đã đạt được giải thưởng ảnh có giá trị cả trong nước và quốc tế. Để ghi nhận những cống hiến của ông cho nghệ thuật nhiếp ảnh, năm 2007 ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (chuyên ngành ảnh).

Nhà báo – Nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính
(Theo VTC)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 427
  • Khách viếng thăm: 419
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 3447
  • Tháng hiện tại: 1869226
  • Tổng lượt truy cập: 48243353