Khoảng cách nghệ thuật, khoảng cách nhân sinh

Đăng lúc: Thứ bảy - 05/01/2013 11:19
Những năm gần đây, hội hoạ Việt Nam có những cuộc giao lưu thường xuyên với các nước trong khu vực và thế giới, chủ yếu qua ba hoạt động chính là triển lãm nghệ thuật, trại sáng tác quốc tế và các chương trình lưu trú của cá nhân hay nhóm nghệ sĩ. Ở đây chỉ xin đưa ra một vài nhận xét về hội hoạ trong nước với các nước ASEAN qua hai sự kiện workshop “Nghệ thuật dưới mái nhà sàn” tổ chức tại bảo tàng Không gian văn hoá Mường (Hoà Bình) và triển lãm “Java Spices” tổ chức tại thành phố Yogjakarta, Indonesia vào cuối năm 2012.
 
Tranh của Anton Antonov, hoạ sĩ Bulgaria.

Những tâm trạng đa đoan, bối rối, hỗn loạn và bất ổn

Workshop “Nghệ thuật dưới mái nhà sàn” có sự tham dự của hơn 60 nghệ sĩ từ Việt Nam và 15 quốc gia khác trên thế giới, trong đó đông nhất vẫn là những nhóm nghệ sĩ đến từ Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Philippines. Sau đó là triển lãm của nhóm như vậy với tên gọi “Java Spices”, có gần 40 nghệ sĩ cả bản địa và nước ngoài, tác phẩm được bày tại bảo tàng Nghệ thuật quốc gia ở thành phố Jogjakarta, đảo Java, Indonesia.

Những năm trước, một vài họa sĩ Việt Nam kết hợp với đồng nghiệp ở Malaysia và Philippines tổ chức chương trình triển lãm cho nghệ sĩ chung của ba nước, sau đó là workshop lần lượt luân phiên giữa các quốc gia.

Cảm nhận chung của người xem đối với tranh của nhóm các nghệ sĩ Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam là tâm trạng đa đoan, bối rối, hỗn loạn và bất ổn, hoặc hướng đến những mơ mộng viễn vọng phi thực tế. Đó có lẽ là một tâm lý chung của người dân các nước khu vực cùng chung bối cảnh địa lý, lịch sử và những xu thế phát triển của xã hội hiện đại vô hình trung được nghệ thuật phản ánh.

Trong khi đó, nghệ thuật của các nghệ sĩ châu Âu và Mỹ ổn định, vững chắc, truy cầu những cảm xúc và trạng thái tinh thần cao dẫu hình thức tác phẩm tương đối lý trí và khó tiếp cận. Nghệ thuật của các nghệ sĩ Đài Loan hoặc rất truyền thống dựa trên kỹ thuật và ý tứ từ quốc hoạ Trung Hoa cổ, hoặc rất hiện đại với gợi ý từ nền công nghiệp kỹ thuật số và đời sống hàng hoá.

Xét từng tác phẩm, khó nhận thấy sự khác biệt lớn về trình độ và năng lực nghề nghiệp của nghệ sĩ nước ta với nước bạn, một phần cũng vì tính chất các sáng tác nghệ thuật tại workshop và triển lãm mang tính giao lưu thường ít có nghệ thuật đỉnh cao. Tuy nhiên, sáng tác của ngay các nghệ sĩ trong khu vực cũng đã cho thấy một quá trình làm việc có chiều sâu. Họ không đa đoan hay sa đà vào nhiều loại hình sáng tác mà chỉ chọn phong cách phù hợp với mình, sau đó là có thể đi cả đời với con đường đó. Nghệ sĩ Việt Nam có thể hứng khởi trong một vài tác phẩm, ở một vài thời điểm, nhưng lại thiếu cái nhìn và tư duy ở chiều sâu, thứ đòi hỏi một quá trình lao động và suy tư tập trung lâu dài và không thể khắc phục bằng kỹ thuật dù cao đến đâu. Tác phẩm do vậy nhìn qua có hấp dẫn, song xem lâu lại chả có gì bởi sự thiếu hụt đầu tư cảm xúc và trí tuệ. Tuy nhiên điều này cũng có những ảnh hưởng nhất định từ nhân tố xã hội.

Tìm thế cân bằng

Cách đây hơn mười năm, khi Việt Nam bắt đầu có những thành tựu của cải cách kinh tế và hội nhập văn hoá, khi được hỏi so sánh với các nước trong khu vực, một người nước ngoài đã nhận xét “hiện tại các bạn còn sau Thái Lan 20 năm và sau Singapore chừng 50 năm phát triển”. Khoảng cách đó đến nay, dường như không bị thu hẹp mà còn giãn cách lớn hơn. Đó không chỉ là các vấn đề nhân sinh, kinh tế, khoa học mà còn có nguyên nhân lớn từ văn hoá, điều có thể nhận thấy qua một vài hoạt động giao lưu nghệ thuật đơn lẻ.

Ở các nước bạn như Malaysia, Thái Lan, Indonesia đã hình thành một cơ chế phát triển toàn diện và cân bằng, cân bằng giữa các ngành thượng tầng và hạ tầng, giữa kinh tế và văn hoá, hay ngay trong bản thân văn hoá cũng có sự cân bằng giữa khai thác và bảo tồn văn hoá, hay giữa văn hoá cổ với hiện đại. Các di tích cổ có cơ chế bảo tồn, tôn tạo, đầu tư và khai thác du lịch theo một vòng quay hợp lý, nghệ thuật hiện đại có được chỗ đứng trong xã hội, được các tổ chức tư bản trong nước đầu tư, sưu tập và lưu giữ. Trong thời gian tại Java, tôi ghé thăm một nhà tư bản sưu tập tranh của danh hoạ bản xứ Afandi, một người cùng thời với các hoạ sĩ Đông Dương như Tô Ngọc Vân hay Trần Văn Cẩn. Tranh của ông này ảnh hưởng nặng chủ nghĩa ấn tượng và biểu hiện của châu Âu, đặc biệt ưa thích và theo đuổi lối vẽ điểm hoạ của P. Seurat cho đến cuối đời, nghệ thuật không có quá nhiều tính dân tộc nhưng vẫn được tôn vinh như một hoạ sĩ hàng đầu của quốc gia. Tranh của ông được nhà nước và các nhà sưu tập danh tiếng trong nước lưu giữ, bản thân Afandi cũng có một bảo tàng riêng, khá lớn do gia đình tự xây dựng, giá vé vào cửa cũng không hề rẻ (khoảng 100.000 đồng).

Nhìn lại trong nước, đến nay, những điều nghệ sĩ làm được cho đời sống thẩm mỹ và nhân văn không hề ít, cơ hồ có thể vượt trội so với khu vực, song sự đãi ngộ của xã hội với nghệ thuật lại chưa bao giờ được như vậy.

Hoạ sĩ Việt Nam tư chất và tài năng không thua kém các đồng nghiệp, nhưng tính bất ổn trong đời sống và thiếu sự kết nối, ủng hộ từ cộng đồng khiến cho họ chưa bao giờ chuyên tâm sáng tác và theo đuổi những điều lớn lao, hội hoạ vì thế rất khó vươn lên tầm thế giới. Khó có thể đánh giá hội hoạ chúng ta thua sút so với khu vực hay luôn ở mức nghiệp dư, mà vấn đề chính là xã hội của chúng ta đã sẵn sàng cho nghệ thuật chuyên nghiệp hay chưa.

Nguyễn Anh Tuấn
(Theo Sài Gòn tiếp thị)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 429
  • Khách viếng thăm: 414
  • Máy chủ tìm kiếm: 15
  • Hôm nay: 60405
  • Tháng hiện tại: 1926184
  • Tổng lượt truy cập: 48300311