Vũ điệu thổ dân Australia đến Việt Nam

Đăng lúc: Thứ tư - 27/02/2013 14:51
Trong căn phòng rộng 800 m2 bên bờ vịnh Walsh ở Sydney, Australia, 10 vũ công của Nhà hát Bangarra đang chăm chỉ luyện tập cho vở múa “Spirit” sắp trình diễn tại VN đầu tháng 3.

Bangarra Dance Theatre là nhà hát biểu diễn nghệ thuật thổ dân hàng đầu Australia. Nhà hát nổi tiếng trong nước và quốc tế nhờ những vở múa mang đậm tinh thần văn hóa truyền thống với cách kể chuyện hiện đại. Mỗi năm Bangarra có hơn 110 buổi trình diễn tại những vùng xa xôi, hẻo lánh nhất ở Australia cũng như ở nước ngoài. Nhà hát đã đi tour nhiều nơi trên thế giới, châu Âu, châu Á, Bắc Mỹ và đây là lần đầu đến Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đoàn nghệ thuật Bangarra sẽ biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào 2/3 và tới Nhà hát TP HCM vào 6/3.

Ban1-Studio-AndySolo1-jpg-1361328884_500
Các nghệ sĩ luyện tập tại studio của Bangarra Dance Theatre ở Walsh Bay, Sydney. Ảnh: Andy Solo.

Bangarra sẽ mang sang VN tác phẩm Spirit (Linh hồn) có độ dài 75 phút, với sự tham gia của 13 vũ công. Spirit là sự kết tinh từ 5 vở múa kinh điển của Nhà hát, là những gì tinh túy nhất, đặc trưng nhất cho Bangarra. Hợp nhất giữa điệu nhảy truyền thống và múa đương đại, vở múa nói lên sự kết nối giữa linh hồn của mảnh đất và những con người sống trên đó. Tác phẩm tái hiện cuộc sống về đêm của những người bản xứ, từ lúc nắng chiều vụt tắt đến lúc những ngón tay hồng đầu tiên của rạng đông ló rạng. 

Cô Nathalie Vallejo, phụ trách Truyền thông và Tiếp thị của Nhà hát, dẫn nhóm nhà báo Việt Nam vào studio xem các vũ công luyện tập cho vở diễn. Căn phòng tranh tối tranh sáng, ngập âm thanh, lúc là trống dồn dập, lúc véo von nhạc cụ thổ dân. Mấy vũ công ở khu vực khởi động liếc nhanh ra mấy vị khách lạ, rồi lại chăm chú duỗi mình, xoải chân, sẵn sàng cho màn diễn. Các nghệ sĩ đang múa thì hoàn toàn tập trung vào các động tác, hết mỗi màn thì có người ra nghỉ ngơi chờ nhiệm vụ kế tiếp, có người ra rồi lại vào ngay màn múa sau.

“Đang tập dượt nên các nghệ sĩ chưa vận trang phục biểu diễn. Khi diễn, họ sẽ trét đất sét lên người, vẽ màu để thể hiện nhân vật của họ: vàng là đàn bà, đen là đàn ông, màu trắng thể hiện linh hồn…”, bà Catherine Baldwin - Giám đốc Điều hành - giới thiệu. “Hôm nay, nghệ sĩ múa chính Kathy Balngayngu Marika không có mặt vì đang theo đoàn đi diễn ở một số địa điểm sâu trong đất liền Australia”.

Kathy Balngayngu Marika - nghệ sĩ múa chính trong vở
Kathy Balngayngu Marika - nghệ sĩ múa chính trong vở "Spirit". Ảnh: Bat Erdene.

Spirit ra đời cách đây vài năm, các diễn viên đã luyện tập cho vở múa này từ lâu, nhưng trước mỗi cuộc trình diễn, họ lại ôn lại cho thật nhuần nhuyễn, phối hợp giữa các bộ phận cho thật ăn khớp”, bà Baldwin cho biết. Các vũ công đều tập luyện từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều, giữa giờ ăn nghỉ luôn tại phòng tập, mỗi người có một tấm đệm trải dưới mặt đất cùng đồ dùng cá nhân.

Các vũ công ở đây đều là người bản xứ; các nhà soạn nhạc, biên đạo, thiết kế… trong nhà hát cũng có gốc gác thổ dân. “Đó là điều bắt buộc”, bà Balwin cho biết. “Tuy nhiên, mới đây chúng tôi đã tuyển thêm hai vũ công người Trung Quốc, để làm phong phú thêm màu sắc cho các vũ điệu”.

Trong đoàn nghệ sĩ sang VN biểu diễn đầu tháng 3 này, có cả Stephen Page - Giám đốc Nghệ thuật, linh hồn của Nhà hát Bangarra. Ông đã gắn bó với Nhà hát hơn 20 năm, là biên đạo của hàng chục vở múa tạo nên tên tuổi Bangarra. Stephen là hậu duệ của những người Nunukul và tộc Munaldjali của bộ lạc Yugambeh sinh sống tại miền đông nam Queensland. Ông là đạo diễn toàn bộ phần biểu diễn nghệ thuật thổ dân trong lễ khai mạc và bế mạc Olympic Sydney 2000. 

Hunters-JeffBusby1-jpg-1361328884_500x0.
Các vũ công nam trong một trường đoạn tả cảnh đi săn. Ảnh: Jeff Busby.

Dưới sự lãnh đạo của Stephen, Bangarra tạo được danh tiếng lớn tại khu vực và quốc tế. Nhà hát đã giành được nhiều giải thưởng uy tín như giải Helpmann 2011 cho “Tác phẩm mới xuất sắc của Australia”, “Tác phẩm múa xuất sắc” (vở Ochres, Skin), giải Helpmann 2004 “Tác phẩm múa xuất sắc” cho vở Bush; vở Mathinna năm 2009 cũng giành được danh hiệu tương tự cùng giải “Biên đạo xuất sắc”... (Helpmann Awards tôn vinh những thành tựu trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn của Australia). Bản thân Stephen Page năm qua vừa nhận được giải "NAIDOC Nghệ sĩ của năm" dành cho những đóng góp nổi bật trong việc cải thiện cuộc sống, phát huy giá trị văn hóa của người Australia bản xứ. Anh trai ông là David Page cũng là nhạc sĩ chính của Bangarra.

Trong buổi trưa nóng nực của mùa hè Sydney, những con người nhễ nhại mồ hôi vẫn căng mình ra cho những vũ điệu, lúc bò trườn, khi nhào lộn, lúc lại công kênh nhau lên hoặc quăng người trên sàn tập. Tất cả nhằm hoàn thiện tác phẩm ở chất lượng cao nhất để có cuộc ra mắt thành công trước khán giả Việt. Họ, các vũ công Bangarra, sẽ góp phần tạo nên một trong những điểm nhấn văn hóa Australia tại VN trong năm đặc biệt này.

Mai Liên
(Theo VnExpress)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

thổ dân, Australia

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 414
  • Khách viếng thăm: 411
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 56958
  • Tháng hiện tại: 2221618
  • Tổng lượt truy cập: 46188851