Giữ gìn bản sắc dân tộc về múa phục vụ tiệc cưới trong nghi lễ thành hôn

Đăng lúc: Thứ ba - 05/07/2011 13:31
Múa tiệc cưới ở nhà hàng Làng Việt.

Múa tiệc cưới ở nhà hàng Làng Việt.

Theo trào lưu hiện nay, các đám tiệc tổ chức tại nhà hàng, ngoài sự có mặt của MC cùng ban nhạc, còn có phần phục vụ của các vũ công với một hoặc hai tiết mục múa trong phần nghi lễ đầu tiên. Bên cạnh những bài múa mang sắc thái của phong tục Việt Nam như có mâm trầu, cau, lễ vật và trang phục áo dài truyền thống, vẫn còn không ít những bài múa trong nghi lễ với trang phục và âm nhạc gây phản cảm cho quan khách.

Khi hỏi về công việc múa phục vụ tiệc cưới, chị Kim Hạnh, diễn viên múa Đoàn Nghệ thuật tổng hợp (NTTH) kể rằng: "Cách đây khoảng 6 năm, chị Hướng Thị Thu Hương (hiện là Trưởng Phòng Xây dựng Nếp sống văn hoá & Gia đình), lúc đó là một trong hai MC của nhà hàng Thành Minh bảo tôi thành lập nhóm múa đám cưới, vì chị muốn mỗi MC có một nhóm múa riêng. Thế là tôi mời một số diễn viên múa trong đoàn lại thành lập nhóm và tập vài bài múa theo yêu cầu của chị. Nhóm hoạt động một thời gian, khi chị Hương không làm MC nữa thì tan rã. Sau đó, nhà hàng Sông Tiền mời tôi xuống dạy cho nhân viên nhà hàng múa, nhưng anh, chị, em ở đây không múa được nên nhà hàng đã hợp đồng với điều kiện nhóm múa phải ưu tiên phục vụ cho Sông Tiền khi có yêu cầu và từ đó nhóm múa đám cưới thứ nhất của tôi ra đời gồm 8 diễn viên múa chuyên nghiệp của đoàn."

Cũng qua cuộc trao đổi ấy chúng tôi được biết nhóm múa phục vụ tiệc cưới của Kim Hạnh nổi tiếng nhờ bài múa "Kết tóc, xe duyên" bằng kỹ thuật múa mâm: lật mâm, uốn dẻo; đạo cụ là mâm trầu cau, rất phù hợp với phong tục lễ cưới truyền thống Việt Nam. Bài múa này được thể hiện khi rước cô dâu chú rể lên sân khấu để làm lễ ra mắt. Khi MC giới thiệu sui gia với quan khách và hai họ thì nhóm múa thay trang phục chuẩn bị bài thứ hai. Bài kế tiếp với trang phục hiện đại, được múa trong nền nhạc lúc cô dâu chú rể rót rượu, có thể là múa balet hay nhạc Trung Quốc hoặc Ấn Độ... nội dung thường diễn tả tình yêu, hạnh phúc của đôi uyên ương. Thời gian gần đây, nhu cầu của các nhà hàng có tăng nên Kim Hạnh đã cho ra đời nhóm múa đám cưới thứ hai, nhóm này trẻ hơn về tuổi đời và tuổi nghề. Ngoài hai diễn viên múa chính là "lính múa" chuyên nghiệp của đoàn, Kim Hạnh mời một số em đang theo học lớp Trung cấp múa của Trường Trung cấp Văn hoa nghệ thuật tham gia. Những năm qua, hai nhóm múa của Kim Hạnh không những phục vụ ở các nhà hàng ở Tiền Giang như: Sông Tiền, Chương Dương, Rạng Đông,... còn mở rộng ra cả hai tỉnh lân cận là Bến Tre và Long An.

Thành lập nhóm múa phục vụ tiệc cưới sớm nhất phải kể đến nhóm của chị Bích Vân nguyên là diễn viên của Đoàn Nghệ thuật tổng hợp, hiện nay chị có 2 nhóm: nhóm lớn và nhóm thiếu nhi, điểm phục vụ chính là nhà hàng Thành Minh. Nhóm múa lớn chuyên phục vụ tiệc cưới, nhóm thiếu nhi biểu diễn cho các buổi tiệc sinh nhật, lễ mừng thọ, tiệc mừng thi đậu,... với những bài hát múa: Chúc mừng sinh nhật, Cho Con, Ơn nghĩa sinh thành và một số bài nhạc nước ngoài. Bên cạnh đó còn có thêm nhóm múa của anh Công Danh, hiện là diễn viên múa của Đoàn Nghệ thuật tổng hợp, hợp đồng phục vụ cho nhà hàng Làng Việt. Cũng có xuất hiện một số nhóm múa khác, nhưng hiện nay có một số tan rã, những thành viên ở đó cộng tác với những nhóm mới. Theo dân "trong nghề" cho biết thì chính nhà hàng Làng Việt và Thành Minh là nơi phát sinh múa phục vụ tiệc cưới sớm nhất ở TP. Mỹ Tho. Các trưởng nhóm cho biết: Mỗi tháng ít nhất cũng múa được 10 tiệc, một thành viên được bồi dưỡng từ 80 ngàn đến 100 ngàn/tiệc. Đây là công việc làm thêm của những diễn viên và học sinh có năng khiếu múa, vì các đám tiệc thường làm lễ ngoài giờ hành chính.

Múa phục vụ đám tiệc, nhất là tiệc cưới, sinh nhật... trong các nhà hàng là một nhu cầu của giới trung lưu, nó đánh dấu sự phát triển của xã hội theo hướng hiện đại, tuy nhiên cũng phải giữ và phát triển đúng theo phong tục tập quán của dân tộc, tức là vũ khúc trong lễ giao bôi phải có phong cách Việt Nam. Vẫn còn không ít tiệc cưới của người Việt lúc cô dâu, chú rể làm lễ ra mắt hai họ mà lại rộn rã nhạc Ấn Độ, nhạc Trung Quốc và vũ công với trang phục đưa rốn, "mát mẻ" trông rất phản cảm. Bàn về vấn đề này, ông Trần Thanh Phúc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: "Hiện nay, Sở đang soạn thảo công văn quản lý các ban nhạc lễ và hướng dẫn cho các ban nhạc này hoạt động đúng qui định theo tinh thần Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Riêng về tình hình múa phục vụ đám tiệc trong các nhà hàng, chúng tôi đã nắm bắt được, nhưng chưa có văn bản cụ thể, chỉ kiểm tra nhắc nhở chung. Hướng tới, chúng tôi sẽ xem xét, bổ sung vào qui chế hoạt động của nhà hàng, khách sạn để chấn chỉnh lại hoạt động này".

Ngọc Lệ
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 430
  • Khách viếng thăm: 418
  • Máy chủ tìm kiếm: 12
  • Hôm nay: 102440
  • Tháng hiện tại: 1851340
  • Tổng lượt truy cập: 48225467