Trên 2.000 tỷ đồng đã được đầu tư vào "nông thôn mới"

Đăng lúc: Thứ tư - 15/04/2015 14:21
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Tiền Giang, từ khi khởi động chương trình đến nay (trên 4 năm), tổng nguồn lực huy động cho mục tiêu này là 2.274 tỷ đồng; trong đó 10% là vốn Trung ương, còn lại là nội lực địa phương và trong số này đã có trên 300 tỷ đồng “tiền mặt”, hơn 52 ha đất cùng hoa màu, vật kiến trúc... đã được người dân tự nguyện hiến xây dựng các công trình hạ tầng mà không hề so đo, tính toán.
Sau 4 năm xây dựng NTM, cảnh quan, môi trường nông thôn ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy ngày càng khởi sắc. (Trong ảnh: Các em học sinh xã Ngũ Hiệp nô nức đến trường trên con đường rợp bóng cây xanh và hoa). Ảnh : NGỌC LAN
Sau 4 năm xây dựng NTM, cảnh quan, môi trường nông thôn ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy ngày càng khởi sắc. (Trong ảnh: Các em học sinh xã Ngũ Hiệp nô nức đến trường trên con đường rợp bóng cây xanh và hoa). Ảnh : Ngọc Lan

Được biết, trong tổng nguồn lực huy động trên thì vốn hỗ trợ trực tiếp cho chương trình là 656 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương 222 tỷ đồng, ngân sách địa phương 444 tỷ đồng), vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh 744 tỷ đồng, vốn tín dụng 326 tỷ đồng (chủ yếu từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm), vốn huy động từ doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác 150 tỷ đồng (chủ yếu đầu tư xây dựng chợ nông thôn, điện, phát triển sản xuất…), đặc biệt vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư cũng tạo nên nguồn lớn:

Tiền mặt trên 309 tỷ đồng, 1.200 ngày công và “cái quý nhất của người nông dân” là trên 52,4 ha đất kèm hoa màu, vật kiến trúc cũng được tự nguyện “sung vào việc làng”; số còn lại huy động từ nguồn cấp bù thủy lợi phí, vốn bảo vệ và phát triển đất lúa...

Từ sự nỗ lực huy động nguồn lực trên, cộng với nhiều giải pháp đồng bộ khác, tính đến cuối năm 2014, Tiền Giang đã ra mắt được 4 xã NTM (Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đề ra đến năm 2015 ra mắt 10 xã) là Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho), Tân Thanh (huyện Cái Bè), Tam Bình (TX. Cai Lậy) và Bình Nghị (huyện Gò Công Đông).

Tính tổng thể thì toàn tỉnh có 139 xã triển khai, tạm chia thành 5 nhóm, kết quả đến nay như sau: Nhóm 1 (đạt 19 tiêu chí) có 4 xã nêu trên, chiếm 2,88%; nhóm 2 (đạt từ 15 - 18 tiêu chí) có 7 xã, chiếm 5,03%; nhóm 3 (đạt từ 10 - 14 tiêu chí) có 24 xã, chiếm 17,26%; nhóm 4 (đạt từ 5 - 9 tiêu chí) có 95 xã, chiếm 68,34% và nhóm 5 (dưới 5 tiêu chí) có 9 xã, chiếm 6,47%.

Nhìn chung bình quân số tiêu chí đạt được trên địa bàn tỉnh đến nay là 8,79 tiêu chí/xã, tăng 3,32 tiêu chí so với năm 2011, tuy nhiên cũng còn thấp hơn bình quân toàn quốc là 10 tiêu chí (tăng 5,38 tiêu chí so với năm 2010). Riêng số tiêu chí đạt được đối với xã điểm và xã diện thì đều cao hơn mức bình quân cả nước, cụ thể là số tiêu chí bình quân của 11 xã điểm (có bổ sung 1 xã so với Nghị quyết Đảng bộ) đạt 16,72 tiêu chí/xã và bình quân của 30 xã diện chỉ đạo xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015 đã đạt 12,37 tiêu chí/xã.

Nét nổi bật trong kết quả xây dựng NTM của tỉnh chính là đã tạo nên phong trào rộng lớn và sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, được người dân quan tâm bởi họ đã tận mắt nhìn thấy các “mong muốn của mình” (hạ tầng, môi trường, sản xuất...) đã có sự thay đổi từng ngày, qua đó tạo được niềm tin nên nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất, góp công lao động nâng cấp giao thông nông thôn, các công trình công cộng (như đã nêu trên); đồng thời người dân cũng đã tự tu sửa nơi ở, tường rào, vận động nhau tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở xóm, ấp...

Qua đó, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh; sản xuất phát triển dần theo hướng hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn ngày càng được củng cố; cảnh quan, môi trường nông thôn dần được cải thiện.

Đặc biệt các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề lao động nông thôn đã giúp nhiều hộ dân cải thiện thu nhập, có thêm việc làm, nâng cao tay nghề và phương pháp tổ chức sản xuất, từ đó các tiêu chí liên quan trực tiếp đến đời sống người dân là “Thu nhập” và “Lao động có việc làm thường xuyên” trong Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM đã đạt nhiều tiến bộ so với thời điểm đầu chương trình:

Thu nhập bình quân của người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh năm 2014 đạt 20,5 triệu đồng/người, tăng 3 triệu đồng so với năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên địa bàn tỉnh năm 2014 giảm còn 4,98%, trong khi năm đầu chương trình (2011) là 8,03%...

Giao thông nông thôn thông thoáng góp phần phát triển sản xuất của người dân xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy. Trong ảnh: Vân chuyển sầu riêng để bán cho các điểm thu mua xuất khẩu. Ảnh: NGỌC LAN
Giao thông nông thôn thông thoáng góp phần phát triển sản xuất của người dân xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy. Trong ảnh: Vận chuyển sầu riêng để bán cho các điểm thu mua xuất khẩu. Ảnh: Ngọc Lan

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề bức xúc ở nông thôn là tiêu chí “môi trường” cũng đã được cải thiện nhiều qua phong trào xây dựng NTM. Cụ thể, hiện nay đa số các hộ chăn nuôi đều đã có ý thức về tác hại của ô nhiễm môi trường và đã biết áp dụng các biện pháp xử lý môi trường như ủ kín phân cho phân hủy rồi dùng bón cây, bón ruộng hoặc đưa vào túi ủ, hầm biogas để xử lý phân và lấy gas đun nấu, thắp sáng (đến nay trong tỉnh có trên 10.000 túi ủ và 6.000 hầm biogas).

Mặt khác, nhờ ý thức được nâng cao nên người dân cũng đã mạnh dạn, không e ngại khi phản ảnh về ô nhiễm môi trường do các cơ sở chăn nuôi gây ra, giúp ngành chức năng kịp thời xử lý. Vấn đề thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn cũng có chuyển biến tốt hơn (dễ thấy nhất là tại nhiều chợ trên địa bàn nông thôn), đến nay đã có khoảng 65% số xã đã tổ chức được việc thu gom rác từ các chợ và khu dân cư chuyển về bãi rác tập trung của tỉnh, huyện.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một thực tế là việc xây dựng NTM cho đến giờ này cũng chưa “dứt điểm” những hạn chế như: Một số xã còn biểu hiện trông chờ, ỷ lại vào trên; có địa phương lại nghiêng về việc triển khai các chỉ tiêu đầu tư hạ tầng, chưa tập trung cao cho khâu tổ chức chỉ đạo, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và cải thiện môi trường nông thôn; việc huy động nguồn vốn lồng ghép và ngân sách địa phương phân bổ cho các xã thực hiện chương trình còn những mặt khó khăn nhất định giữa nhu cầu và khả năng cân đối...

Mục tiêu từ nay đến cuối năm Tiền Giang tập trung xây dựng 19 xã cơ bản đạt chuẩn NTM (cơ bản đạt chuẩn là mức độ hoàn thành các tiêu chí theo quy định ít nhất là 80% trở lên) và có thêm ít nhất 7 xã được công nhận là xã đạt chuẩn NTM (cuối năm tỉnh có 11 xã đạt chuẩn) và phấn đấu đến năm 2020 có 50% số xã cơ bản đạt 19 tiêu chí xây dựng NTM, các xã còn lại đạt từ 14 tiêu chí trở lên...

Tin rằng, phát huy kết quả đã có, cộng với sự nỗ lực cao hơn của năm kết thúc nhiệm kỳ, đặt tiền đề cho sự phát triển mới, các mục tiêu đề ra sẽ sớm đi tới thành công, tạo diện mạo mới cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn trong toàn tỉnh.

Quốc Anh
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 377
  • Khách viếng thăm: 375
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 66334
  • Tháng hiện tại: 1707747
  • Tổng lượt truy cập: 48081874