Nhiều phương thức liên kết sản xuất lúa

Đăng lúc: Thứ năm - 11/12/2014 08:59
Nhiều phương thức liên kết sản xuất lúa đã và đang được triển khai, nhất là sau khi Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn ra đời.

Đa dạng về hình thức liên kết

Là đơn vị tham gia liên kết sản xuất lúa từ nhiều năm nay và cũng là một trong những đơn vị kinh doanh xuất khẩu gạo có quy mô lớn nhất của tỉnh hiện nay, Công ty Lương thực Tiền Giang (Tigifood) đã triển khai chương trình liên kết sản xuất lúa vụ đông xuân năm 2014 - 2015 với nhiều điểm mới. Ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Tigifood cho biết, điểm mới thứ nhất là quy mô diện tích được ký hợp đồng liên kết sản xuất lúa được mở rộng chưa từng có.

Theo đó, tính đến ngày 4-12, tổng diện tích mà Tigifood đã ký hợp đồng là 1.565 ha; dự kiến đến cuối tháng 12 sẽ ký đồng loạt ở huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy thêm 620 ha, nâng tổng diện tích mà công ty ký hợp đồng trong vụ đông xuân tới đây lên 2.185 ha, với tổng sản lượng lúa khoảng 16.000 tấn. Về phương thức ký hợp đồng của Tigifood cũng đa dạng hơn.

Thu hoạch lúa trên Cánh đồng lớn vụ đông xuân 2013 - 2014 ở xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây.
Thu hoạch lúa trên Cánh đồng lớn vụ đông xuân 2013 - 2014 ở xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây.

Phương thức thứ nhất là Tigifood sẽ đầu tư bao tiêu trọn gói, từ việc cung ứng giống, phân bón, đến hướng dẫn kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm. Đây là phương thức mới áp dụng trong vụ đông xuân năm 2014 - 2015. Nếu như trước đây, công ty chỉ bao tiêu theo kiểu “ngắt khúc”, thì phương thức mới năm nay sẽ thực hiện bao tiêu theo chuỗi giá trị. Đến nay, công ty đã ký hợp đồng bao tiêu theo dạng này được 536 ha.

Phương thức thứ hai là công ty chỉ đầu tư một phần, chủ yếu là giống, thuốc trừ sâu và bao tiêu sản phẩm. Hiện công ty đã ký hợp đồng được 374 ha theo phương thức này.

Phương thức thứ ba là theo hình thức truyền thống trước đây là đặt hàng, cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm chứ không có đầu tư vật tư nông nghiệp. Đến nay, công ty đã ký hợp đồng theo phương thức này được 625 ha và dự kiến sẽ ký thêm 620 ha trong thời gian tới.

Nếu như các năm trước đây, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xuất khẩu gạo chủ yếu tập trung ký hợp đồng ở những vùng sản xuất lúa tập trung như huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy, thì năm nay lần đầu tiên được trải rộng trên phạm vi toàn tỉnh.

Theo đó, có một số vùng sản xuất lúa ở một số huyện lần đầu tiên được thực hiện bao tiêu như huyện Tân Phước, huyện Châu Thành, TX. Cai Lậy, TX. Gò Công. Bên cạnh đó, về giống lúa nằm trong chương trình liên kết cũng đa dạng hơn. Giống lúa chủ lực mà các DN ký kết sản xuất vẫn là giống lúa thơm Jasmine, hạt dài, giống lúa đặc sản ở các huyện phía Đông.

Tuy nhiên, cũng có điểm mới là ở những nơi còn tập quán sản xuất giống lúa IR50404 vẫn được một số DN ký hợp đồng với bà con nông dân. Bởi chủ trương của các DN là vừa đa dạng hình thức kinh doanh theo thị trường tiêu thụ, vừa đa dạng về giống.

“Hợp tác xã cũng đã chủ động liên kết với 1 DN trên địa bàn để bao tiêu 200 ha lúa của xã viên trong vụ đông xuân 2014 - 2015 theo hình thức đầu tư vật tư và bao tiêu sản phẩm nhằm bảo đảm đầu ra ổn định” - ông Trần Văn Chí, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ nông thôn Bình Nhì (huyện Gò Công Tây) cho biết.

Mở rộng diện tích

Trước thềm vụ đông xuân năm 2014 - 2015, liên kết sản xuất lúa được tập trung triển khai thực hiện. Tuy nhiên, một trong những điểm mới trong việc thực hiện chủ trương này là có nhiều phương thức liên kết được triển khai.

Theo dự kiến của Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), vụ đông xuân năm 2014 - 2015 sẽ có trên 6.200 ha sản xuất lúa được các DN tham gia ký hợp đồng liên kết với nhiều phương thức khác nhau; tập trung vào các DN kinh doanh, xuất khẩu lương thực có quy mô lớn trong và ngoài tỉnh như: Tigifood; Công ty TNHH Việt Hưng; Công ty cổ phần BVTV An Giang; Công ty TNHH Phương Quân…

Thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn vụ đông xuân 2013 - 2014 ở xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè. Ảnh: NGUYỄN SỰ
Thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn vụ đông xuân 2013 - 2014 ở xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè. Ảnh: Nguyễn Sự

Thật ra, việc liên kết sản xuất lúa hiện tại được thực hiện theo chủ trương chung của Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, điểm chính yếu của việc liên kết là xuất phát từ thực tiễn sản xuất và tiêu thụ lúa gạo hiện nay. Bởi theo đánh giá của Sở NN&PTNT, việc thu mua lúa hàng hóa thời gian dài vừa qua chủ yếu thông qua hệ thống thương lái và được tạm trữ trong kho của các cơ sở xay xát, một phần do các hộ nông dân tự bảo quản nên tỷ lệ hao hụt cao, chất lượng lúa xuống cấp nhanh và thời gian bảo quản ngắn.

Qua rà soát nhu cầu tạm trữ để chờ giá là rất lớn nhưng do không đủ thiết bị sấy, nhà kho nên tỷ lệ lúa tạm trữ chỉ từ 8 - 10% trên tổng sản lượng lúa (khoảng 130.000 tấn). DN kinh doanh, xuất khẩu gạo chủ yếu thu mua từ thương lái hoặc DN cấp 1.

Thực hiện chủ trương của Bộ NN&PTNT về xây dựng mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Quyết định 62 ngày 25-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, nhất là qua 3 năm (2011 - 2013) triển khai thực hiện, kết quả đạt được chủ yếu là xây dựng mô hình tại các huyện sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh, thực hiện tại 23 xã thuộc 4 huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Gò Công Tây và Gò Công Đông.

Các DN tham gia ký kết hợp đồng tiêu thụ lúa với tổng diện tích thực hiện 7.031 ha; tổng sản lượng thu mua 15.438 tấn, đạt tỷ lệ 38% so với sản lượng thu hoạch. Các hình thức liên kết chủ yếu như: Không đầu tư vật tư - thu mua sản phẩm; đầu tư giống - thu mua sản phẩm; đầu tư toàn bộ vật tư - thu mua sản phẩm thông qua hợp đồng kinh tế ký kết với hợp tác xã hoặc tổ hợp tác, với mức giá đảm bảo cho nông dân có lãi trên 30%.

Tuy nhiên, điểm cốt yếu là hiệu quả của các liên kết. Bởi thực tế những năm qua cho thấy, hiệu quả của liên kết sản xuất thông thường không đạt được theo mục tiêu đề ra. Để giải bài toán này, ông Lê Thanh Khiêm cho rằng, điểm mấu chốt hàng năm vẫn là nằm ở khâu mua.

“Tới đây, công ty sẽ thành lập tổ thu mua mang tính chuyên nghiệp, bám sát địa bàn để nắm chắc lịch xuống giống, lịch thu hoạch để có kế hoạch thu mua chu đáo, tránh tình trạng thu mua chậm trễ và theo dõi giá sát thị trường trên cơ sở cùng khảo sát giá của chính quyền địa phương để định giá thu mua lúa phù hợp” - ông Lê Thanh Khiêm cho biết.

Thế Anh
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 427
  • Khách viếng thăm: 420
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 61437
  • Tháng hiện tại: 1810337
  • Tổng lượt truy cập: 48184464