HTX NN-DV nông thôn Bình Nhì: Chỗ dựa vững chắc của xã viên

Đăng lúc: Thứ năm - 28/05/2015 13:27
Tuy còn khó khăn nhưng HTX Nông nghiệp - Dịch vụ nông thôn Bình Nhì (gọi tắt HTX) đã chủ động vươn lên, đến nay có trên 75% xã viên trong toàn xã tin tưởng và sử dụng các dịch vụ do HTX cung cấp, góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Những kết quả đạt được ngày càng khẳng định vai trò cầu nối của HTX đối với chính quyền, nông dân và doanh nghiệp.
HTX sửa chữa, nâng cấp mở rộng tuyến ống, bảo đảm cung cấp đủ nước cho các xã viên.
HTX sửa chữa, nâng cấp mở rộng tuyến ống, bảo đảm cung cấp đủ nước cho các xã viên.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nền kinh tế thị trường đòi hỏi ngày một cao, người nông dân phải chịu nhiều chi phối của những yếu tố như: Cạnh tranh thị trường, biến động giá cả, chất lượng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, nguồn đầu vào và đầu ra cho sản phẩm…

Nếu không có tổ chức đại diện có uy tín bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân thì việc xóa đói, giảm nghèo ở khu vực nông thôn khó có thể thực hiện hiệu quả và bền vững. HTX đã và đang làm được những điều này, chính vì vậy trở thành tổ chức kinh tế thiết thân với nông dân. Đến nay, HTX có khoảng 1.990 xã viên và có trên 75% xã viên sử dụng các dịch vụ do HTX cung cấp.

Ông Huỳnh Văn Lượng, Giám đốc HTX cho biết: “Đảng ủy và UBND xã Bình Nhì rất chú trọng đến các chính sách hỗ trợ ngành Nông nghiệp và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó tiêu chí thứ 13 về phát triển kinh tế tập thể, HTX có vị trí quan trọng nhằm hỗ trợ nông dân nâng cao thu nhập. Vì vậy, UBND xã giao cho HTX đầu tư mở rộng các dịch vụ phục vụ nông dân sản xuất nông nghiệp với giá ưu đãi như: Dịch vụ cung cấp nước, cung cấp giống, tư vấn kỹ thuật nông nghiệp, các thiết bị, máy móc phục vụ nông nghiệp như lò sấy, máy gặt đập liên hợp...

Nhằm giúp cho xã viên có được hạt giống tốt, kháng được sâu bệnh, có năng suất cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, Tổ lúa giống của HTX kết hợp với các ngành hữu quan đưa về sản xuất một số giống lúa mới thích nghi với thổ nhưỡng như: OM 5451, OM 5472, OM 6976, OM 6377, OM 4900, VD 20… Mỗi năm sản xuất trên 100 ha lúa giống từ cấp nguyên chủng ra giống xác nhận và có trên 100 hộ xã viên tham gia sản xuất trên mỗi vụ. Xã viên được ứng trước lúa giống để sản xuất, đến khi thu hoạch bán trả lại, bình quân 1 ha sản xuất lúa giống lãi hơn sản xuất lúa thường từ 2 - 3 triệu đồng/ha/vụ, nhờ vậy giúp nông dân tăng thu nhập.

HTX còn được tỉnh và huyện chọn tham gia Dự án “Cạnh tranh nông nghiệp” do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Năm 2014, dự án này hỗ trợ HTX tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng, bao gồm: 1 máy gặt đập liên hợp và 1 lò sấy lúa công suất 40 tấn/mẻ. Ngoài ra, HTX được UBND huyện hỗ trợ 150 triệu đồng để hạ trạm điện 2 pha phục vụ cho lò sấy lúa. Sau khi đưa vào hoạt động, mức thu của HTX giảm hơn so với lò sấy của tư nhân 50 đồng/kg lúa; máy gặt đập liên hợp giảm 200.000 đồng/ha.

HTX còn có 1 Câu lạc bộ Khuyến nông, hàng năm kết hợp với các ngành hữu quan tổ chức tốt “Cánh đồng sinh thái” (trồng hoa quanh ruộng lúa), tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tập huấn về phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, chuyển giao những tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới cho xã viên áp dụng nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo HTX, trong sản xuất nông nghiệp hiện nay còn gặp nhiều khó khăn như: Dịch bệnh thường xuyên xảy ra, giá cả đầu ra không tăng nhưng giá vật tư đầu vào lại tăng, gây bất lợi cho người sản xuất. Để từng bước giúp các xã viên giảm bớt khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, HTX đã nghiên cứu và đề ra các giải pháp trong thời gian tới.

Cụ thể, đối với cây lúa, HTX sẽ kết hợp với UBND xã quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng Cánh đồng lớn có diện tích từ 50 - 100 ha, sản xuất từ 1 - 2 loại giống lúa chất lượng, cho năng suất cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đầu tư ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới, liên doanh với các doanh nghiệp để đầu tư vật tư và tiêu thụ sản phẩm. Song song đó, đầu tư xây thêm 1 lò sấy lúa công suất 40 tấn/mẻ; mua thêm 1 máy gặt đập liên hợp để phục vụ cho xã viên và bà con trong vùng nhằm giúp cho nông dân chủ động được trong khâu phơi sấy lúa và thu hoạch lúa kịp thời, giảm thất thoát sau thu hoạch.

Đối với cây màu luân canh, hiện nay các xã viên trồng 2 vụ lúa, 1 vụ màu/năm, diện tích trồng màu của Bình Nhì hàng năm từ 200 - 300 ha;

hướng tới HTX sẽ vận động xã viên có điều kiện chuyển sang trồng màu nhằm nâng diện tích trồng màu đến năm 2020 đạt trên 1.000 ha. Theo đó, sẽ chú trọng chọn những loại cây màu ít sâu bệnh, có khả năng tiêu thụ tốt; có kế hoạch cơ cấu thời vụ hợp lý, tránh chạy theo phong trào, trồng một lúc cùng một loại cây trên nhiều diện tích đến khi thu hoạch cung vượt cầu, thương lái ép giá dẫn đến thu nhập thấp.

Ngoài ra, HTX sẽ tìm đối tác đầu tư vật tư và tiêu thụ sản phẩm cây màu để giúp nông dân an tâm sản xuất; đồng thời sẽ tiếp tục đầu tư nguồn vốn nâng cấp trạm nước, đưa 100% hộ dân trong xã được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh.

Để làm được những phần việc nêu trên, bên cạnh sự nỗ lực của HTX thì rất cần sự quan tâm của lãnh đạo huyện, nhất là UBND xã Bình Nhì sớm có kế hoạch nạo vét các tuyến kinh để thuận tiện trong việc bơm tưới, tháo úng; đồng thời kết hợp vét kinh và làm thêm một số tuyến đường cặp bờ kinh để thuận tiện trong khâu vận chuyển lúa, máy vào làm đất và thu hoạch…

HT
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 317
  • Khách viếng thăm: 312
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 74447
  • Tháng hiện tại: 2356104
  • Tổng lượt truy cập: 48730231