Làm theo Bác Hồ: "Sống yêu thương con người"

Đăng lúc: Thứ năm - 28/03/2013 15:56
Câu chuyện về tấm lòng nhân ái dành cho các đối tượng xã hội của chị Nguyễn Thúy Hằng, nhân viên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Tiền Giang bắt đầu từ một điều bình thường, giản dị. Trong một lần tình cờ nghe Nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát ca khúc: "Bác Hồ, một tình yêu bao la" của nhạc sĩ Thuận Yến, tâm hồn chị chợt dâng trào niềm xúc động và sự thành kính thiêng liêng.
Chị Nguyễn Thúy Hằng chăm sóc người già.

Chị Nguyễn Thúy Hằng chăm sóc người già.

Chị Hằng nhớ lại, lời bài hát có đoạn: "Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân, cả cuộc đời Bác hi sinh cho dân tộc Việt Nam. Bác thương các cụ già xuân về gửi biếu lụa, Bác yêu đàn cháu nhỏ trung thu gửi cho quà.". Chia sẻ về sức lay động của bài hát: "Bác Hồ, một tình yêu bao la" đối với tâm hồn mình, chị Hằng cho biết: "Từ bài hát này đã thôi thúc tâm hồn, giúp tôi có động lực để làm tốt công việc của một nhân viên chăm sóc đối với các đối tượng xã hội.". Suốt thời gian dài, hình ảnh về tấm lòng nhân ái sâu nặng, bao la của Bác Hồ dành cho đồng bào cứ hiện rõ trong tâm hồn, thôi thúc chị phải làm điều gì cụ thể, thiết thực để thể hiện tình thương yêu của mình đối với những người chịu đau khổ, bất hạnh trong xã hội.

Hơn 5 năm trước, tình nguyện vào công tác ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, thời gian đầu, chị Nguyễn Thúy Hằng gặp nhiều bỡ ngỡ xen lẫn sự lo sợ. vì tuổi còn trẻ, chưa có kinh nghiệm giao tiếp và chăm sóc người cao tuổi cô đơn và trẻ em khuyết tật cơ nhỡ. Chị lo sợ những bệnh nhân tâm thần khi lên cơn kích động tấn công. Công việc của một nhân viên chăm sóc không nặng nhọc, nhưng đòi hỏi phải có sự chịu khó, tỉ mỉ, chu đáo và nhất là phải thể hiện được tình thương yêu đối với các đối tượng xã hội. Từng lời nói, cử chỉ, hành vi của một nhân viên chăm sóc đều phải bộc lộ sự chân tình, gần gũi và yêu thương.

Chị Hằng tâm niệm, sống yêu thương con người chưa đủ, điều quan trọng là phải biết cách bộc lộ tình yêu thương phù hợp với tâm lý và nhu cầu tình cảm của từng đối tượng. Có như vậy mới mang đến niềm vui và sự hài lòng cho đối tượng. Chị đã tự nghiên cứu, tìm hiểu về tâm lý của người cao tuổi cô đơn, tâm lý của bệnh nhân tâm thần và trẻ em cơ nhỡ để có sự ứng xử và cách quan tâm, chăm sóc phù hợp.

Chia sẻ về cách thể hiện tình thương yêu đối với đối tượng người cao tuổi cô đơn và bệnh nhân tâm thần, chị Hằng cho biết: "Các cụ già sợ nhất là sự cô đơn. Sự bù đắp dành cho họ chính là sự quan tâm, chia sẻ. Mình có thể dành cho họ khoảng 5 đến 10 phút trong một ngày để trò chuyện trong lúc cho họ ăn, chăm sóc, tắm cho họ... Đối với bệnh nhân tâm thần, dù khi họ nói những lời không ý nghĩa, nhưng mình cũng không nên phản bác để họ tin tưởng mình, tâm sự với mình những điều thầm kín, từ đó sẽ hỗ trợ trong việc điều trị bệnh được tốt hơn...".

Hơn 5 năm qua, không ít người xin vào làm nhân viên chăm sóc của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, nhưng chỉ một thời gian ngắn đã âm thầm bỏ việc. Chị Nguyễn Thúy Hằng hiện vẫn "bám trụ" và gắn bó với công việc của mình. Điều giản dị chị rút ra từ công việc của nhân viên chăm sóc, đó là khi sống yêu thương mọi người, thì bản thân sẽ nhận lại được tình yêu thương, sự cảm thông của những tấm lòng. Bà Nguyễn Thị Bé, 71 tuổi cho biết: "Cô Hằng gần gũi, chăm sóc tốt những người cao tuổi... Tôi xem cô giống như con cháu trong nhà."

Tình yêu thương của chị Hằng đã tạo sự lan tỏa, khơi gợi việc nâng cao ý thức về trách nhiệm và tình thương của cán bộ, nhân viên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đối với các đối tượng xã hội. Ông Trần Quang Vinh, Trưởng phòng Y tế Điều dưỡng, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh nhận xét: "Cô Hằng xông xáo, làm đầu tàu, gương mẫu trong việc chăm sóc người cao tuổi cô đơn và xung phong đi nuôi các cụ điều trị bệnh ở các bệnh viện Thành phố Hồ Chí Minh..."

Sự quan tâm, chăm sóc ân cần, chu đáo của chị Hằng giúp các đối tượng xã hội vượt qua sự cô đơn, bệnh tật, tìm niềm vui sống. Không chỉ có thế, chị đã tự rèn luyện bản thân để tự hoàn thiện. Chị Hằng bộc bạch: "Tôi rút ra bài học cho bản thân. Đó là phải can đảm và kiên trì trong công việc, nhất là đối với việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần. Tình yêu thương con người đối với những đối tượng xã hội thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau".

Câu chuyện về tấm lòng nhân ái của chị Nguyễn Thúy Hằng chính là bài học về sự yêu thương và cách thể hiện tình yêu thương dành cho con người. Chị đã giúp mỗi người chúng ta hiểu hơn về ý nghĩa và vẻ đẹp nhân văn của câu tục ngữ: Thương người như thể thương thân của dân tộc Việt Nam.

Võ Tấn Cường
(Theo tiengiang.gov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 422
  • Khách viếng thăm: 419
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 26543
  • Tháng hiện tại: 1892322
  • Tổng lượt truy cập: 48266449