Một đề án đem đến cơ hội phát triển bình thường cho trẻ

Đăng lúc: Thứ năm - 16/08/2012 10:46

Tháng 6-2007, Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh (nay là Chi cục DS-KHHGĐ) tiếp nhận Đề án “Nâng cao chất lượng dân số thông qua việc tuyên truyền, vận động phát hiện bệnh, tật thai nhi và sơ sinh”. Sau hơn 5 năm thực hiện, đề án này đã đem đến cuộc sống bình thường cho hàng trăm trẻ em. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trẻ sơ sinh chưa được hưởng lợi từ đề án này.

HẠN CHẾ NGUY CƠ DỊ TẬT Ở TRẺ

Hiện nay, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) tỉnh đã mở rộng Đề án “Nâng cao chất lượng dân số thông qua việc tuyên truyền, vận động phát hiện bệnh, tật thai nhi và sơ sinh” ra 10/10 huyện (thành, thị) toàn tỉnh.

Mục tiêu của đề án là nâng cao nhận thức về sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho cán bộ và nhân dân trong địa bàn triển khai đề án, phấn đấu đến năm 2015 có 98% thai phụ được tuyên truyền, tư vấn về lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh; 50% thai phụ được thực hiện sàng lọc trước sinh và 60% trẻ em sinh ra được thực hiện sàng lọc sau sinh.

Sau 5 năm, đã có trên 19.000 bé sinh ra tại các bệnh viện trong tỉnh được gửi mẫu máu đến Bệnh viện Từ Dũ xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm, có 296 bé thiếu men G6PD, 1 bé bị tăng sản tuyến thượng thận và 3 bé bị suy giáp bẩm sinh. Tất cả trường hợp này đều được Chi cục DS - KHHGĐ thông báo kịp thời và tư vấn cho gia đình để có hướng điều trị sớm, giúp bé hồi phục được nhanh hơn.

Chị B.N ở ấp Pháo Đài (Phú Tân, Tân Phú Đông) cho biết: “Con trai tôi lúc mới sinh ra nặng 3 kg, bụ bẫm đáng yêu lắm! Tôi không nghĩ là con mình mắc bệnh. Hơn một tuần sau, tôi và gia đình bàng hoàng khi nhận tin báo từ bệnh viện cho biết con tôi bị suy giáp bẩm sinh. Qua được giải thích và hướng dẫn cặn kẽ của các thầy thuốc, tôi tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ nên con trai tôi phát triển tốt, khỏe mạnh. Cháu đã biết đi và nói chuyện khá rành rẽ”.

Trái ngược với niềm vui của chị B.N, một người phụ nữ khác xã Phú An (Cai Lậy) lại ân hận vì không tin con mình bị bệnh nên không điều trị bệnh kịp thời cho con. Nhìn con người ta đã bi bô kêu cha gọi mẹ, chạy nhảy tung tăng, người phụ nữ ấy xót xa: “Lúc mới sinh cháu nặng 2,8kg, mặt mày thanh tú nên khi bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ báo tin cháu bị thiểu năng tuyến giáp, gia đình tôi không tin.

Thế nhưng nuôi gần 5 tháng vẫn không thấy lớn, bé lại quấy khóc, lưỡi cứ thè ra ngoài. Thấy vậy gia đình đưa lên Bệnh viện Nhi đồng 2 khám thì tá hỏa ra chẩn đoán ban đầu là đúng. Mặc dù được điều trị tích cực nhưng bé cũng không lanh lợi như con người ta cùng trang lứa. Bốn tuổi rồi mà mới tập đi, còn nói thì chưa rành câu. Nhìn con mà tôi cứ muốn trào nước mắt, ân hận vì đã không cho con cơ hội phát triển bình thường”.


 

CÒN NHIỀU TRẺ CHƯA CÓ CƠ HỘI

Theo chị Lê Trần Thu Thủy, Trưởng phòng Nghiệp vụ của Chi cục DS - KHHGĐ, Đề án “Nâng cao chất lượng dân số thông qua việc tuyên truyền, vận động phát hiện bệnh, tật thai nhi và sơ sinh” đang phát huy tác dụng. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực nên tiến bộ y học này chưa đến được với toàn bộ trẻ em sinh ra.

Hiện nay, Bệnh viện Phụ sản tỉnh chỉ đào tạo được kỹ thuật lấy máu gót chân để sàng lọc sơ sinh. Các kỹ thuật sàng lọc trước sinh phải do Trung tâm Khu vực (Bệnh viện Từ Dũ) đào tạo, hiện số lượng bác sĩ được đào tạo kỹ thuật sàng lọc trước sinh (siêu âm và xét nghiệm sinh hóa) còn quá ít, không đáp ứng được nhu cầu.

Vì vậy việc sàng lọc trước sinh chủ yếu chỉ thực hiện tại Bệnh viện Từ Dũ. Các bệnh viện tuyến tỉnh và một vài bệnh viện tuyến huyện thực hiện siêu âm đo độ mờ da gáy, siêu âm hình thái học thai nhi, các xét nghiệm: công thức máu, Rubella, HIV… nhưng không thực hiện được xét nghiệm: double test, triptest, xét nghiệm nước ối, sinh thiết gai nhau.

Sàng lọc sơ sinh đã được triển khai thực hiện toàn tỉnh nhưng việc phân bổ giấy thấm để thực hiện sàng lọc trước sinh từ Trung tâm Khu vực (Bệnh viện Từ Dũ) chưa kịp thời. Hàng năm, thường đến tháng 6, Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh mới được phân bổ nên hầu hết bé sinh ra trong 6 tháng đầu năm không được hưởng lợi. Hơn nữa, số lượng giấy thấm quá ít so với số trẻ được sinh ra trong tỉnh, chỉ đủ phục vụ cho chưa đầy 20% số trẻ sinh ra hàng năm.

Mặt khác, kinh phí thực hiện đề án chủ yếu từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia Dân số, không có kinh phí địa phương hỗ trợ. Ngoài ra, chi phí cho việc sàng lọc trước sinh quá cao, những đối tượng nghèo, khó khăn ở vùng sâu, vùng xa không có khả năng chi trả (chi phí đi lại, chi phí xét nghiệm, điều trị khi mắc bệnh…).

Đối với sàng lọc sơ sinh, người dân chấp nhận đóng tiền để xét nghiệm (khoảng 100.000 đồng/mẫu) nhưng triển khai thực hiện như thế nào thì Chi cục DS - KHHGĐ chưa được sự hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền.

Thủy Hà
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

gia đình, trẻ em, đề án

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 395
  • Khách viếng thăm: 388
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 53702
  • Tháng hiện tại: 2218362
  • Tổng lượt truy cập: 46185595