Đầu tư dàn trải, chưa phát huy hết hiệu quả trong đào tạo nghề

Đăng lúc: Thứ sáu - 25/10/2013 09:46
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 hệ thống cơ sở đào tạo nghề, đó là hệ thống trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) do Sở GD-ĐT quản lý và hệ thống trường trung cấp nghề (TCN) do Sở LĐ-TB&XH quản lý. Bên cạnh đó còn có Trường Cao đẳng Nghề do UBND tỉnh quản lý, các trung tâm dạy nghề (TTDN) do UBND huyện và hội, đoàn thể quản lý. Việc đầu tư dàn trải hệ thống cơ sở đào tạo nghề dẫn đến nảy sinh một số hệ lụy, đó là không đủ kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, các trường tuyển không đủ chỉ tiêu, thiếu giáo viên cơ hữu…
Học viên Trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Cái Bè trong giờ thực hành.

Học viên Trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Cái Bè trong giờ thực hành.

Cơ sở đào tạo trùng lắp

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 10 trường đào tạo nghề, nằm rải đều trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó còn có hệ thống các Trung tâm đào tạo nghề của các huyện và hội, đoàn thể quản lý. Cụ thể, trên địa bàn TP. Mỹ Tho có các trường: Cao đẳng Nghề Tiền Giang, Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật (KT-KT) tỉnh và các trung tâm: GDTX tỉnh, GDTX TP. Mỹ Tho. Ngoài ra, trên địa bàn TP. Mỹ Tho còn có các trường: Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật, TCN Giao thông - Vận tải, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân quản lý) và các trường do Trung ương quản lý. Ở TX. Gò Công có Trường TCN khu vực Gò Công và Trung cấp Bách khoa Gò Công. Huyện Cái Bè có Trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Cái Bè và TTDN huyện Cái Bè. Ở huyện Cai Lậy có Trường TCN khu vực Cai Lậy và Trung cấp Kinh tế - Công nghệ Cai Lậy. Các huyện: Châu Thành, Tân Phước, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông đều có TTDN huyện và trung tâm GDTX (chỉ có huyện Tân Phú Đông chưa có trung tâm GDTX).

Các trường cao đẳng, TCN đã được đầu tư xây dựng với quy mô đào tạo từ 750 - 1.000 học viên/trường, đào tạo 13 nghề: Công nghệ ô tô, cắt gọt kim loại, hàn, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, điện lạnh, đồ họa… TTDN các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông đã hoàn thành dự án xây dựng trong năm 2012 và đã được đầu tư thiết bị dạy nghề: Tiện, hàn, sửa chữa máy động lực, điện công nghiệp, may công nghiệp, xây dựng, máy tính… với quy mô đào tạo 500 học sinh/trung tâm. Các TTDN của các huyện còn lại đang trong giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng. Vì vậy, để giúp cho các trung tâm hoạt động, UBND các huyện đã bố trí 1 phòng làm việc tạm thời cho bộ phận quản lý. Do đó, các trung tâm phải tổ chức dạy nghề lưu động, vì trung tâm không có cơ sở vật chất.

Còn đối với hệ thống trường TCCN và trung tâm GDTX thì ngoài Trường Trung cấp KT-KT Tiền Giang có cơ sở vật chất tương đối đầy đủ, các trường TCCN còn lại sử dụng cơ sở vật chất của trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp đã được xây dựng hơn 15 năm. Cụ thể, Trung tâm GDTX - Hướng nghiệp Gò Công Đông đã được xây dựng nhưng đã xuống cấp. Trung tâm GDTX TP. Mỹ Tho sử dụng 1 trường học xây dựng kiên cố nhưng đã 40 năm. Trung tâm GDTX - Hướng nghiệp Chợ Gạo thì sử dụng cơ sở cũ của Phòng GD-ĐT, nay đã xuống cấp. Còn Trung tâm GDTX - Hướng nghiệp Châu Thành và Tân Phước thì mượn tạm phòng học của các trường để hoạt động. Chính vì cơ sở vật chất của các trung tâm GDTX đa số đều xuống cấp, thiếu thốn, do đó các hoạt động GDTX, dạy nghề phổ thông tổ chức tại trung tâm rất ít, chủ yếu thực hiện tại các trường phổ thông.

Tuyển sinh không đạt chỉ tiêu

Ngoài cơ sở vật chất còn thiếu thốn, vấn đề thiếu giáo viên dạy nghề ở các cơ sở đào tạo nghề cũng đang là bài toán nan giải. Cụ thể, TTDN ở các huyện: Cái Bè, Gò Công Đông và Tân Phú Đông mỗi nơi chỉ có 1 giáo viên dạy nghề. Vì vậy, để đảm bảo cho công tác đào tạo, các cơ sở dạy nghề phải thỉnh giảng giáo viên từ cơ sở khác. Bình quân mỗi TTDN phải thỉnh giảng 10 giáo viên dạy nghề theo yêu cầu đào tạo của từng đơn vị. Ngoài ra, đối với các TTDN, tuy giáo viên có trình độ cao đẳng và đại học trên 85%, nhưng đa số là cán bộ, giáo viên mới, chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động đào tạo.
Tuyển sinh cũng là một vấn đề nan giải đối với các cơ sở đào tạo nghề. Hàng năm, hầu hết các trường đều không tuyển đủ chỉ tiêu. Dù các trường thực hiện nhiều giải pháp nhằm tìm kiếm học viên, nhưng xem ra vẫn chưa có kết quả khả quan. Cụ thể, mỗi năm Trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Cái Bè được ngành GD-ĐT giao tuyển 300 chỉ tiêu. Thế nhưng, từ năm học 2009-2010 đến nay, trường luôn tuyển không đủ chỉ tiêu.

Thầy Nguyễn Văn Khởi, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ Cai Lậy cho biết: Trường được ngành GD-ĐT giao chỉ tiêu hàng năm là 200, thế nhưng khóa đầu tiên của trường chỉ tuyển được 26 chỉ tiêu, còn khóa thứ 2 chỉ tuyển được 29 chỉ tiêu. Trường TCN khu vực Cai Lậy dù được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, nhưng nhiều năm qua vẫn không thu hút được học sinh. Ngoài năm đầu tiên (năm 2008) trường tuyển vượt chỉ tiêu (256/240), các năm còn lại đều không tuyển đủ. Ông Nguyễn Minh Vỹ, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tâm tư: Ngoài Trường Cao đẳng Nghề hàng năm tuyển gần đạt chỉ tiêu, 2 trường TCN trực thuộc sở quản lý tuyển sinh chỉ đạt khoảng 60% chỉ tiêu. Đối với các trường TCCN, ngoài Trường Trung cấp KT-KT Tiền Giang tuyển gần đạt chỉ tiêu, trong những năm qua, các trường TCCN còn lại khó tuyển đủ chỉ tiêu.

Cần tổ chức lại hệ thống trường nghề

Trước những bất cập nêu trên của hệ thống cơ sở đào tạo nghề, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Minh Vỹ đề xuất: Trên địa bàn các huyện: Châu Thành, Tân Phước, Chợ Gạo, Gò Công Tây và Gò Công Đông cần sáp nhập 2 TTDN và GDTX - Hướng nghiệp thành Trung tâm GDTX - Hướng nghiệp và Dạy nghề. Trung tâm này sẽ thực hiện 4 chức năng: GDTX, hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm. Huyện Cái Bè cần sáp nhập TTDN vào Trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Cái Bè. Trường sẽ thực hiện các chức năng: đào tạo TCCN, GDTX, hướng nghiệp, dạy nghề trình độ sơ cấp, dạy nghề dưới 3 tháng và giới thiệu việc làm. Huyện Tân Phú Đông chỉ có TTDN thì bổ sung thêm chức năng GDTX, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm. Đối với huyện Cai Lậy, TX. Gò Công và TP. Mỹ Tho thì cần giữ nguyên hiện trạng hệ thống trường đào tạo nghề. Chức năng GDTX, hướng nghiệp vẫn giao cho Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ Cai Lậy thực hiện. Ở TX. Gò Công, chức năng dạy nghề vẫn do Trường TCN khu vực Gò Công thực hiện và bổ sung thêm chức năng giới thiệu việc làm. Chức năng GDTX, hướng nghiệp vẫn do Trường Trung cấp Bách khoa Gò Công thực hiện. Ở TP. Mỹ Tho, Trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang và các cơ sở giáo dục khác trên địa bàn thực hiện chức năng dạy nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng. Chức năng hướng nghiệp vẫn do Trường Trung cấp KT-KT Tiền Giang thực hiện, chức năng GDTX do Trung tâm GDTX TP. Mỹ Tho thực hiện. 

Nguyên Chương
(Theo Báo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 239
  • Khách viếng thăm: 237
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 70836
  • Tháng hiện tại: 2439261
  • Tổng lượt truy cập: 48813388