Văn chương có cần “kiễng chân” để đạt vạn bản in?

Đăng lúc: Thứ tư - 23/10/2013 15:26
Cứ nghĩ sách văn chương trong thời buổi thóc cao gạo kém ế ẩm lắm. Vậy mà đâu đó vẫn có những thông tin cuốn này, cuốn kia in tới một, hai vạn bản. Đây là con số thực hay là cách PR?

Ai bảo văn chương không thể đạt vạn bản in?

Nếu ai đó đặt câu hỏi: Nhà văn nào ăn khách nhất Việt Nam? Chắc hẳn sẽ nhiều người không cần phải đắn đo nhiều, suy nghĩ nhiều và mất thời gian hỏi google có ngay câu trả lời là Nguyễn Nhật Ánh và sau nữa là Nguyễn Ngọc Tư.

Nguyễn Nhật Ánh và Nguyễn Ngọc Tư là hai nhà văn thành danh, được nhiều giải thưởng nên sách của họ có nhiều bạn đọc, được tái bản và in với số lượng lớn là điều dễ hiểu. 

Nhưng còn những ai? Rất khó trả lời. Hoặc chỉ có thể trả lời chung chung theo “phán đoán” của mình rằng; khó mà tìm được một cuốn sách nào mà số lượng bản in đạt tới “năm con số” để được chuyển từ “nghìn” sang “vạn”.

Và xin thưa, trong khi các cuốn sách văn học chỉ xuất bản trong mức 1000 - 3000 bản thì thực sự có những cuốn sách đã vượt ngưỡng, tiến đến năm con số như vậy. Không những thế, các tác giả sở hữu cuốn sách “năm con số” phần lớn là tác giả trẻ.

Có thể kể đến các trường hợp sách có lượng bản in như thế như cuốn: Nếu biết trăm năm là hữu hạn của Phạm Lữ Ân do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và công ty văn hoá Phương Nam ấn hành. Phạm Lữ Ân là bút danh chung của cặp vợ chồng nhà báo Phạm Công Luận và Đặng Nguyễn Đông Vy, là người “quen mặt” hai tờ báo Hoa học trò và Sinh viên Việt Nam. Cuốn sách là tập hợp 40 tản văn chất chứa nhiều cảm xúc tinh tế, gần gũi. Sau khi phát hành đã nhanh chóng trở thành “hiện tượng” của giới trẻ. Cho đến nay, theo đơn vị phát hành thì cuốn sách đã đạt đến 40.000 bản in và vẫn còn nhận được đơn đặt hàng từ một số nhà sách.

Ví dụ điển hình nữa là các tác phẩm của Dương Thuỵ do nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Dương Thuỵ sở hữu gần chục đầu sách và dường như cuốn nào cũng được tái bản. Mà lại tái bản với con số… trong mơ!. Cuốn Oxford thương yêu tái bản 14 lần với tổng cộng 51.000 bản. Cuốn Nhắm mắt thấy Paris tái bản với tổng cộng 28.000 bản. Cuốn Cáo già, gái già và Tiểu thuyết diễm tìnhtái bản lần thứ 9 với tổng cộng 23.500 bản… Cho đến nay, nhắc đến Dương Thuỵ là độc giả nghĩ ngay đến tác giả có số lượng sách khổng lồ bán chạy của giới trẻ.

Ngoài hai trường hợp kể trên, còn có sự xuất hiện của các tác giả rất trẻ như Phong Việt và Anh Khang. Phong Việt tạo ấn tượng khó quên với tập thơ Đi qua thương nhớ do Nhà xuất bản Văn học ấn hành với 20.000 bản in, làm mưa làm gió suốt từ cuối năm 2012 đến 2013. Theo thông tin mới nhất từ nhà sách Phương Đông, cho đến nay hiệu ứng Đi qua thương nhớ vẫn chưa tạm dừng với các đơn đặt hàng từ phía độc giả tại các nhà sách là 5.000 cuốn. Dự kiến khoảng một tháng nữa tập thơ tái bản này sẽ hoàn thành và nâng mức tổng số sách là 250.000 bản.

Tập tản văn Ngày trôi về phía cũ của tác giả Anh Khang do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và công ty Phương Nam ấn hành đạt mức 20.000 bản. Tiếp nối thành công từ cuốn sách đầu tiên, Anh Khang tiếp tục cho ra mắt độc giả cuốn thứ hai là Đường hai ngả, người thương thành lạ. Phương Nam cho biết, Anh Khang tiếp tục gây bão khi dành vị trí Best seller trên nhiều trang bán hàng online ngay khi chưa xuất bản với đơn đặt hàng gần 10.000 bản. Tác phẩm phải tái bản ngay khi chưa phát hành. Hiện giờ, để đáp ứng độc giả nhà sách đã in tiếp 5.000 bản.

Những ví dụ trên chỉ là điểm lại mà chưa thật đầy đủ danh sách các tác giả có tác phẩm chạm đến ngưỡng từ mười nghìn bản trở lên để chứng minh một nhận định rằng: Các tác phẩm văn học hoàn toàn có thể “đắt như tôm tươi”, có thể xuất bản chạm tới con số “hàng vạn” ngay cả khi tác giả mới đặt bút viết và đặt chân vào làng văn.

Hoá giải những nghi ngờ

Trong khi đã và đang thực hiện loạt bài liên quan đến vấn đề này thì xuất hiện bài báo nghi ngờ về tính xác thực những con số xuất bản trong mơ kia. Dẫn chứng được đưa ra là ngay cả Giám đốc Nhà xuất bản Văn học - ông Nguyễn Anh Vũ cho rằng NXB cũng không biết được chính xác số lượng bản in.

Vậy làm thế nào để độc giả có thể tin rằng cuốn sách kia thực sự đạt đến một vạn, hai vạn mà không phải là một chiêu “PR”, một cách “đôn tác giả” lên. Bởi nếu “khai vống” lên số lượng bản in một đầu sách thì độc giả sẽ tò mò đặt ra câu hỏi; cuốn sách viết gì mà nhà sách in nhiều thế, độc giả đọc nhiều thế?... để thoả mãn tò tò, tự tìm câu trả lời cho riêng mình thì cách tốt nhất là bỏ tiền ra mua về đọc. Không những thế, các kênh truyền thông cũng chú ý hơn. Như vậy thì từ con số xuất bản ảo dễ có cơ hội trở thành con số thật. Chỉ có tác giả thiệt thòi là không được nhận nhuận bút thực với số sách “khai vống” kia thôi. Trong tương lai, nếu cách làm này hiệu quả, số lượng in tăng dần đều thì tác giả được hưởng sau cũng chưa muộn.

Tuy nhiên, nói thì đơn giản nhưng thực hiện là một mạo hiểm.

Bởi mỗi cuốn sách tái bản là có cả một quy trình mà giấy phép xuất bản chính là “bảo hiểm” đáng tin cậy. Khi một cuốn sách ra đời, đến được tay độc giả bắt buộc phải có giấy phép xuất bản. Thiếu giấy phép thì bị coi là sách lậu, sách cấm, sách không phép… Mỗi một lần tái bản, hay nối bản cũng phải có giấy phép xin nối bản hay tái bản với số lượng cụ thể. Nếu không có những thủ tục bắt buộc này thì nhà in sẽ không in, nếu in là vi phạm. Vì vậy muốn biết một cuốn sách có tổng cộng bao nhiêu bản in thì phải cộng gộp tất cả số lượng bản in đã được xin trong các lần xin cấp phép, xin tái bản, nối bản.

Nên cần phải hiểu ý của vị giám đốc đã nói để tránh hiểu nhầm là, với sách liên kết, phía Nhà xuất bản không đưa ra hay quyết định số lượng bản in cụ thể là bao nhiêu mà chỉ thẩm định nội dung theo giấy phép đã được cấp. In số lượng bao nhiêu do phía đối tác quyết định nhưng Nhà xuất bản phải nắm được số lượng sách đã in ra qua các lần được cấp phép.  Nhà xuất bản chỉ không thể nắm được số lượng sách mỗi lần xuất bản khi giấy phép xin một đằng, thực tế làm một nẻo, giấy phép xin in một mà thực tế lại in hai. Hoặc sách in lậu, trôi nổi trên thị trường thì không thể biết chính xác số lượng bao nhiêu.

Cách thủ công khác để biết được tổng số lượng sách là cộng gộp số lần bản in đầu tiên với các lần tái bản. Những thông số này thường có ở đầu (ghi số lần tái bản) và cuối (ghi số lượng bản in) mỗi cuốn sách.

Nhà xuất bản và đối tác liên kết xuất bản cùng giữ giấy phép. Nếu độc giả nghi ngờ trường hợp Đi qua thương nhớ của Phong Việt không thể đạt đến con số 20.000 cuốn thì công ty sách Phương Đông sẵn sàng chứng thực. Còn phía Nhà xuất bản Văn học cho biết, vì cuốn sách không vi phạm pháp luật gì, nên chỉ cung cấp khi có yêu cầu từ phía cơ quan có trách nhiệm với lý do hợp lý, mục đích rõ ràng. Còn việc vì sao trong Hội sách tại Thành phố Hồ Chí Minh cuối năm 2012 vì sao Đi qua thương nhớ không nằm trong top sách bán chạy nhất là vì chính công ty phát hành - Phương Đông không có điều kiện tham gia Hội sách.

Đặt một giả thiết ngược lại, nhằm mục đích PR, có thể có trường hợp sẵn sàng bỏ ra vài triệu xin giấy phép xuất bản với lượng bản in nhất định nhưng thực tế lại… không in. Và như vậy trên giấy tờ hợp pháp, tác giả sở hữu một con số… đẹp chỉ với khoản tiền không thật lớn. Tuy nhiên, luật xuất bản khá chặt chẽ với quy định sách phải nộp lưu chiểu mỗi lần xuất bản.

Một phụ trách truyền thông trong công ty sách có “bật mí” thêm; khi mang giấy phép (có số lượng bản in trong đó) đến nhà in thì thường nhà in còn in dư vài chục cuốn để phòng in lỗi, còn không có chuyện in thiếu. Việc in với số lượng lớn cũng có lợi cho độc giả, đó là giá sách sẽ giảm, độc giả sẽ được mua sách rẻ hơn.

Một cửa hàng bán sách cũng “tiết lộ” thêm rằng, trong cửa hàng sách của họ có một khu riêng bán rất chạy. Người mua chủ yếu là lớp trẻ. Các tác phẩm dạng này thường dễ đọc, cảm xúc… Và việc một đầu sách in tới vài vạn bản là chuyện rất bình thường.

Ở Việt Nam đã có Luật Xuất bản. Dù vậy, những sai phạm vẫn liên tiếp xảy ra. Trong khuôn khổ bài viết đi tìm câu hỏi có hay không, ít hay nhiều những cuốn sách có số lượng bản in lên tới vạn bản là căn cứ vào việc tuân thủ luật định. Và xin khẳng định là có, có rất nhiều cuốn sách cán đích vạn bản. Còn việc lách luật để đạt một mục đích nào đó trên thực tế xin, không nhắc tới. Bởi thực sự nếu có sai phạm thì trách nhiệm không phải của báo chí nữa rồi.

Hiền Nguyễn
(Theo Văn học quê nhà)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 181
  • Hôm nay: 51746
  • Tháng hiện tại: 2284296
  • Tổng lượt truy cập: 46251529