Đôi điều về thể lệ các cuộc thi văn chương

Đăng lúc: Thứ năm - 28/11/2013 08:07
Thể lệ là một trong những yêu cầu bắt buộc phải có trong bất cứ cuộc thi nào, các cuộc thi văn chương cũng không ngoại lệ. Thể lệ không những là quy định của ban tổ chức mà còn đảm bảo quyền lợi cho người tham dự. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào quyền lợi giải thưởng hấp dẫn, người tham dự vẫn có thể bị thua thiệt nếu như không đọc kỹ.

Trước nay nhiều người cứ nghĩ các cuộc thi văn chương ở Việt Nam là đặc quyền của các đơn vị tổ chức uy tín lâu năm trong hệ thống nhà nước. Vươn ra được “tư nhân”, hay “xã hội hoá” cũng chỉ là “góp thêm” chứ tính ổn định và nghệ thuật xem ra còn gian nan và nhiều bàn cãi, không thể có ngay được trong ngày một ngày hai.

Thử vào mạng internet tìm hiểu thêm về các cuộc thi văn chương mới thấy bất ngờ. Cộng đồng mạng còn có cả một trang chuyên đăng tải các thể lệ cuộc thi. Từ cuộc thi trên các báo văn chương chính thống đến các cuộc thi chỉ có ở trên mạng, do một nhóm người tự đứng ra tổ chức. Điểm chung của các cuộc thi văn chương trên mạng là thời gian tham dự cuộc thi ngắn, giá trị giải thưởng thấp, đối tượng tham gia và được giải là những người còn trẻ và tên tuổi tương đối mới lạ. Có lẽ, với những cuộc thi văn chương như thế này là một sân chơi có mức độ vừa phải cho các cây bút không chuyên hoặc mới chập chững bước vào văn chương.

Cuộc thi văn chương thuần tuý trên mạng, giải thưởng cao nhất được đưa ra có khi chỉ trên dưới một triệu. Vậy nhưng, kết quả cuối cùng lại không có giải cao nhất, chỉ có giải nhì, ba và khuyến khích. Việc một cuộc thi không tìm ra giải nhất là chuyện cũng bình thường. Nhưng với những cuộc thi văn chương có quy mô nhỏ, diễn ra trên mạng, và giá trị giải thưởng quá thấp thì sẽ khó hút được người tham dự. Và khi độ hấp dẫn của cuộc thi không còn, việc kiếm được tác giả cứng tay, tác phẩm chất lượng tham dự chẳng khác nào mò kim đáy bể. Cái vòng luẩn quẩn này sẽ lại dẫn đến việc để trống giải cao nhất. Vô hình chung, các cuộc thi văn chương trên mạng khó có bước đột phá, được dư luận chú ý và công cuộc tìm kiếm tác giả vô cùng gian nan.

Không những thế, nhiều cuộc thi văn chương trên các trang web, không có cơ quan chủ quản, không có địa chỉ rõ ràng thì ai dám đảm bảo giải thưởng sẽ được trao, hoặc không trao thì biết đòi ở đâu? Hay cuộc thi được mở ra chỉ là cách tận dụng bài viết mới của đông đảo độc giả mà không phải trả nhuận bút (hoặc có trả chỉ là một khoản kinh phí không đáng kể)?.

Mới đây, cuộc thi viết truyện mini “Cầu vồng sáu sắc” do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) đứng ra tổ chức, viết tắt là LGBT cũng khiến không ít người đặt ra câu hỏi trong phần thể lệ cuộc thi. Nếu chỉ nhìn vào giải thưởng, có độ tiến từ 2.000.000-10.000.000Đ từ giải khuyến khích đến giải nhất cho truyện mini không quá 500 chữ thì vô cùng hấp dẫn. Người tham dự không đọc kỹ sẽ chẳng có lý do gì đắn đo để đặt bút tham dự. Nhưng đọc kỹ đến phần “Quy định về quyền sở hữu đối với tác phẩm đạt giải” thì thấy rất đáng bàn.

Nguyên văn của phần quy định trên là: Toàn bộ các tác phẩm đạt giải sẽ là nguồn tư liệu phong phú về đề tài LGBT để CSAGA và các đối tác hoạt động vì quyền của LGBT có thể sử dụng trong truyền thông và vộn động chính sách. Do đó, các tác phẩm có thể được sử dụng cho bất kỳ hoạt động nào liên quan đến quyền của LGBT, hoạt động phát triển cộng đồng, không có mục đích cá nhân và mang tính chất kinh doanh. BTC không trả bất kỳ khoản tiền nào cho việc sử dụng tác phẩm.

Bản quyền tất cả các tác phẩm tham gia dự thi thuộc về trung tâm CSAGA.

Trong thời gian diễn ra cuộc thi, tác giả không được sử dụng các tác phẩm tham gia cuộc thi này để tham dự bất kỳ cuộc thi nào khác.

Nếu vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan theo quy định của pháp luật, BTC sẽ thu hồi tiền giải thưởng”.

Như vậy, có thể được hiểu: tác phẩm đạt giải đương nhiên hoàn toàn thuộc quyền sử dụng của ban tổ chức. Điều này không có gì đáng bàn. Vậy còn các tác phẩm đạt chất lượng cao nhưng không được giải thì sao? Nếu đúng quy định, thì bất kể tác phẩm được giải hay không, khi đã gửi dự thi là thuộc toàn quyền của ban tổ chức. Điều này rất vô lý, dù rằng ban tổ chức có cho rằng chúng tôi cung cấp tư liệu cho tác giả, chúng tôi vì mục đích cộng đồng, không mang tính chất kinh doanh.

Cứ cho là, ở các cuộc thi văn chương khác, tác phẩm có chất lượng, dù không được giải, nhưng được in trên sách hay báo thì tác giả vẫn được trả nhuận bút là ít nhiều mang tính kinh doanh. Nhưng cao hơn hết, là tác giả vẫn được giữ bản quyền. Họ có thể từ chối để in chỗ này và quyết định in chỗ khác. Họ có thể tuỳ ý sử dụng đứa con tinh thần mà mình dứt ruột đẻ ra.

Giả sử ban tổ chức vì một vài lý do nào đó, đến phút cuối cuộc thi, dù bài dự thi rất nhiều lại công bố không có giải nhất, thì hoá ra với một khoản tiền nhỏ bỏ ra để tạo cuộc thi, ban tổ chức đã có trong tay rất nhiều tác phẩm… hợp pháp sao?

Dù với mục đích gì thì ban tổ chức cũng nên coi trọng vấn đề bản quyền của tác giả. Hoặc có thể thương lượng với tác giả sau khi cuộc thi đã kết thúc, chứ không nên quy định cứng nhắc ngay từ đầu, như thế rất khó có thiện cảm cho người tham dự.

Cuộc thi thơ hay về mẹ do báo Vũng Tàu tổ chức cũng được chú ý ở phần thể lệ. Theo đó quy định, bài dự thi bao gồm các thể loại thơ (trừ diễn ca, trường ca; và các tác phẩm đã được giải ở các cuộc thi khác). Với quy định này, độc giả sẽ hiểu là cuộc thi cho phép tác giả thể hiện nội dung dưới các hình thức thơ như lục bát, thơ có vần, không vần, thơ tự do, thơ văn xuôi… và chỉ trừ thể loại diễn ca và trường ca. Riêng phần không chấp nhận “Các tác phẩm đã được giải ở các cuộc thi khác” được nhiều người hiểu là cuộc thi chấp nhận cả những tác phẩm cũ, cùng viết về đề tài mẹ nhưng không hoặc chưa từng được giải. Khi đọc thể lệ cuộc thi này, có độc giả nói với tôi rằng, phải chăng cuộc thi chấp nhận những tác phẩm cũ để đánh giá lại giá trị. Vì rằng trước nay, có rất nhiều bài thơ viết về mẹ hay mà chưa từng được giải. Phần vì thời điểm ra đời của bài thơ không có cuộc thi thơ nào nên tác giả không tham dự. Phần vì có tham dự nhưng ban giám khảo không có con mắt xanh để nhìn ra cái hay nên… bị bỏ sót!.

Tuy nhiên, bên cạnh ý kiến tán đồng, cũng có ý kiến cho rằng, nếu như tác phẩm có giá trị, đã được thời gian sàng lọc thì việc trao giải là không cần thiết. Chưa kể những tác giả xa xưa đã trở về với cát bụi từ lâu rồi thì trao cho vợ, con hay cháu họ?. Hơn nữa, mục đích của một cuộc thi bên cạnh tìm kiếm tác phẩm giá trị còn là cuộc tìm kiếm gương mặt tác giả mới cho văn chương. Nên nếu chỉ vinh danh tác phẩm cũ sẽ khó thành công trong việc tìm kiếm tác giả.

Mặc dù, đến thời điểm này, “Cuộc thi thơ hay về mẹ” của báo Vũng Tàu đã hết thời hạn nhận bài, chuẩn bị công bố giải nhưng vì tò mò, muốn biết trước một số thông tin quanh cuộc thi, chúng tôi đã liên lạc với nhà thơ Lê Huy Mậu - chánh chủ khảo. Thật bất ngờ khi nhà thơ Lê Huy Mậu cho biết, tác phẩm dự thi hoàn toàn là tác phẩm mới, chứ không phải “trừ các tác phẩm đã được giải ở các cuộc thi khác” là chấp nhận tác phẩm cũ chưa từng đạt giải. Đây là lỗi sai văn bản và ông gửi lời xin lỗi nếu như khiến độc giả hiểu lầm.

Trước đấy, cuộc thi Truyện ngắn trên báo Văn nghệ cũng đưa ra thể lệ “Truyện chưa in trong sách hoặc trên các báo và tạp chí Trung ương... Trong thời gian cuộc thi, tác phẩm dự thi không được gửi in sách, báo hay tạp chí nào khác”. Thực ra, với một cuộc thi văn chương lớn, lại có truyền thống như ở báo Văn nghệ, nhiều khi mọi người vẫn cứ luôn nghĩ, luôn mặc định rằng tác phẩm dự thi phải là mới nhất, chưa từng xuất hiện dưới bất cứ hình thức nào chứ không nghĩ rằng, cuộc thi chỉ hạn chế tác phẩm gửi in trên sách, báo hay tạp chí Trung ương. Và ngược lại, các tạp chí ở địa phương thì… in được. Thành ra, khi có tác phẩm được giải, mà trước đó ở địa phương cũng đã trao mới khiến độc giả lật lại thể lệ và biết rằng… tác phẩm không phạm quy!. Có lẽ, trong số các tác giả đoạt giải có người đã tiếc hùi hụi vì không đọc kỹ thể lệ. Nếu đọc kỹ, có khi họ được thêm vô số giải thưởng văn học từ địa phương để bảng thành tích văn chương sẽ dài thêm. Trong khi, những người làm báo đều mong muốn tờ báo mình làm không phải là nơi “đăng lại” bài vở thông thường chứ chưa nói đến một tác phẩm dự thi.

Mỗi cuộc thi đều có một thể lệ riêng. Có thể lệ chặt chẽ, được độc giả tán đồng cao. Có thể lệ chưa thật chặt chẽ, hoặc là do chủ ý của ban tổ chức, nhưng đôi khi cũng là do sơ suất. Và sự thiếu chặt chẽ này rất dễ gây hiểu lầm và làm thiệt thòi cho số đông độc giả.

Hiền Nguyễn
(Theo Văn học quê nhà)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 182
  • Khách viếng thăm: 180
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 40932
  • Tháng hiện tại: 2273482
  • Tổng lượt truy cập: 46240715