Quá trình chuẩn bị thành lập Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho và Gò Công

Đăng lúc: Thứ tư - 22/01/2014 09:22
Nhân dân tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công có truyền thống yêu nước nồng nàn, lại ở vị trí chiến lược, có đường giao thông thủy - bộ thuận lợi, là nơi có tầng lớp trí thức tương đối đông đảo, cho nên nhân dân 2 tỉnh sớm tiếp thu những tư tưởng yêu nước tiến bộ.

Sau những cuộc khởi nghĩa của nhân dân chống thực dân Pháp của các sĩ phu yêu nước như: Trương Định, Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương, Đốc Binh Kiều..., nhiều phong trào yêu nước đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ ra đời và nhanh chóng lan rộng, tạo ảnh hưởng rộng lớn trong nhân dân.

Năm 1926, các đồng chí trong Kỳ bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Nam kỳ liên lạc với một số người yêu nước ở 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công, qua đó tuyển chọn, giới thiệu một số thanh niên yêu nước sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện (1). Đầu năm 1927, một số thanh niên yêu nước ở tỉnh Mỹ Tho và Gò Công đã được gửi đi học (2).

Sau khi dự lớp huấn luyện ở Quảng Châu (Trung Quốc), số thanh niên yêu nước này được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và được phân công về địa phương vận động, xây dựng cơ sở, phát triển phong trào cách mạng.

Nửa cuối năm 1927, theo sự chỉ định của Kỳ bộ, Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Mỹ Tho được thành lập, do đồng chí Trần Ngọc Giải làm Bí thư (3). Cơ quan tỉnh bộ đóng tại thị xã Mỹ Tho. Các đồng chí trong Tỉnh bộ phân công đi xây dựng cơ sở cách mạng ở các địa phương trong tỉnh như ở thị xã Mỹ Tho, xã Vĩnh Kim (quận Châu Thành), xã Lộc Thuận (quận An Hóa)…

Tháng 11-1927, Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Gò Công được Kỳ bộ chỉ định thành lập, do đồng chí Nguyễn Văn Côn làm Bí thư (4). Cơ quan tỉnh bộ đóng tại xã Vĩnh Hựu, có lúc dời về tỉnh Gò Công.

Cơ sở Hội Việt Nam cách mạng thanh niên phát triển rộng rãi trong tỉnh. Ở thị xã Mỹ Tho có chi bộ thị xã; ở quận Châu Thành có chi bộ xã Vĩnh Kim, sau phát triển ra các xã khác trong quận; ở quận Cai Lậy có chi bộ thị trấn Cai Lậy và các chi bộ xã Long Khánh, Thanh Hòa, Mỹ Hạnh Đông, Nhị Mỹ; ở quận Chợ Gạo có xã Tân Thuận Bình, Quơn Long, Bình Phục Nhứt, An Thạnh Thủy; ở quận An Hóa có chi bộ ghép 3 xã: Lộc Thuận, Vang Quới, Phú Vang...

Các chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên dựa vào tài liệu sách báo được bí mật lưu như: Báo Thanh niên, cuốn Đường Cách mệnh, các sách, báo tiếng Pháp viết về chủ nghĩa Mác-Lênin để tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho nhân dân.

Mỗi cán bộ, hội viên đều có nhiệm vụ tuyên truyền giác ngộ các tầng lớp nhân dân về tinh thần yêu nước, ý thức đấu tranh chống áp bức bóc lột, chống mọi bất công trong xã hội, về tinh thần yêu thương giúp đỡ nhau, về sức mạnh đoàn kết của nhân dân...

Để vận động, tập hợp quần chúng trong phong trào cách mạng, các hội viên thường xuyên tuyên truyền về Cách mạng Tháng Mười Nga, về vai trò của đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong sự nghiệp cứu nước của dân tộc… Vì vậy, tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ngày càng có ảnh hưởng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.

Cuối năm 1927, thực hiện chủ trương của Tỉnh bộ, Chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên xã Vĩnh Kim lập ra gánh hát “Đồng Nữ Ban” nhằm lợi dụng sâu khấu để tuyên truyền, khơi gợi lòng yêu nước chống giặc ngoại xâm, bài trừ tư tưởng phong kiến, giáo dục, hướng dẫn nhân dân về tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau; tạo điều kiện tập hợp con em gia đình yêu nước để giáo dục và rèn luyện họ trở thành người có ích cho cách mạng. Gánh hát có khoảng 30 diễn viên, đều là nữ.

Đoàn biểu diễn nhiều nơi như: Mỹ Tho, Bến Tre, Cao Lãnh, Cần Thơ, Rạch Giá, Thủ Đức, Thủ Dầu Một… Nhiều vở tuồng được ra mắt như: Giọt máu chung tình, Hai Bà Trưng, Vị anh hùng trẻ tuổi Trần Quốc Toản, Máu chảy ruột mềm, Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút... được khán giả hoan nghênh.

Đến năm 1928, trước sự phá hoại và khủng bố của bọn đế quốc và tay sai, gánh hát buộc phải giải tán. Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nhưng gánh hát đã đáp ứng được yêu cầu, mục đích đặt ra. Phần đông diễn viên sau này đều là đảng viên cộng sản hoặc cán bộ cốt cán của Đảng.

Năm 1928, trước sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và phong trào đấu tranh của quần chúng ở địa phương, Kỳ bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Nam kỳ phân công đồng chí Nguyễn Ngọc Ba, phái viên của Kỳ bộ về phụ trách tỉnh Mỹ Tho, nhằm tăng cường sự lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng ở đây.

Cũng năm 1928, thực hiện chủ trương của Tổng bộ, Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Mỹ Tho đã đưa cán bộ, hội viên đi “vô sản hóa”. Nhiều đồng chí được phân công vào các nhà máy, hãng xưởng, đi kéo xe hoặc về vùng nông thôn (5). Phong trào “vô sản hóa” ở tỉnh Mỹ Tho và Gò Công có tác dụng tích cực.

Một mặt, qua phong trào, chủ nghĩa Mác-Lênin được truyền bá rộng rãi vào quần chúng, tạo ra nhiều hạt nhân mới; mặt khác, qua phong trào, các cán bộ, hội viên, phần đông xuất thân từ tầng lớp trí thức yêu nước, đã thấy rõ thêm cơ sở kinh tế - xã hội của thực dân, phong kiến đang rệu rã, cơ cấu xã hội bất công đối với nhân dân lao động và các tầng lớp quần chúng bị áp bức, sự cần thiết phải tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin và vận động quần chúng đứng lên làm cách mạng đánh đổ chế độ đang thống trị; đồng thời thực tế phong trào “vô sản hóa” có tác dụng rèn luyện các chiến sĩ tiên phong.

Quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin của tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên nhằm loại dần các phần tử cơ hội, tập hợp, tổ chức quần chúng đấu tranh chống đế quốc xâm lược và bọn địa chủ bóc lột, là sự hình thành, ăn sâu bám rễ của hệ tư tưởng vô sản vào quảng đại quần chúng.

Nhờ tiếp thu đường lối và phương pháp đấu tranh mới, phong trào yêu nước của nhân dân tỉnh Mỹ Tho và Gò Công phát triển. Trước tình hình thực dân Pháp và bọn tay sai bắt nhân dân đi canh tuần ban đêm, đi bòn xâu; bọn làng lính thì hách dịch, đánh đập, hăm dọa, làm tiền nhân dân, sưu thuế nặng nề...,

Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Mỹ Tho chủ trương vận động nhân dân đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ với các khẩu hiệu như: Chống bắt canh tuần ban đêm, chống bắt làm xâu, bỏ thuế thân, giảm các thứ thuế khác...

Hằng đêm, cán bộ, hội viên được sự phân công của các chi bộ, đến trực tiếp các chòi canh tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, động viên nhân dân không đi canh tuần ban đêm, không đi làm xâu. Phong trào này khá sôi nổi ở quận Châu Thành, có rải truyền đơn, căng biểu ngữ.

Đặc biệt, cuộc đấu tranh của nhân dân chống làm lộ Me từ Song Thuận qua Vĩnh Kim, Long Hưng gây tiếng vang lớn trong tỉnh. Tên quận Trụ và Ban biện Én cấu kết với nhau bắt dân làng trong tổng Thuận Bình (Châu Thành) làm lộ đất từ Song Thuận qua Vĩnh Kim, Long Hưng. Những người bị bắt đi làm xâu rất khổ sở. Tiền, gạo không có ăn, công việc kéo dài suốt mấy năm liền.

Khoảng tháng 2-1928, Chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên xã Vĩnh Kim vận động, tổ chức nhân dân các xã biểu tình đưa yêu sách, chống bắt dân làm xâu, đắp đường, nếu bắt làm phải trả công. Trước sự đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, 2 tên này phải ra lệnh cho các làng xuất công nho (ngân sách ở xã) để chi trả công cho người làm đường.

Trước thắng lợi này, chi bộ tiếp tục lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi trả tiền công cho những người bị bắt đi làm xâu ở thời gian trước đây. Lúc này, công nho đã hết, trước khí thế đấu tranh của quần chúng, 2 tên này buộc phải lấy tiền túi ra trả.

Được sự lãnh đạo của Kỳ bộ và Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tỉnh Mỹ Tho và Gò Công, phong trào yêu nước của nhân dân những năm 1927 - 1929 phát triển mạnh. Các cuộc đấu tranh đều có tổ chức lãnh đạo và lan rộng từ thành thị đến nông thôn. Tính chất và nội dung đấu tranh ngày càng được nâng cao, ý thức đấu tranh chính trị ngày càng rõ nét hơn.

Đến năm 1929, phong trào đấu tranh của quần chúng đã phát triển mạnh mẽ, liên tục và rộng khắp trong toàn tỉnh. Phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng đòi hỏi phải có một chính đảng lãnh đạo với đường lối cách mạng triệt để.

Mặt khác, cán bộ, hội viên Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tiên tiến ngày càng tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin đầy đủ hơn và được trưởng thành trong đấu tranh, đã nhận thức rằng, đến lúc cần phải có một tổ chức đảng cộng sản lãnh đạo mới đáp ứng được yêu cầu phát triển của phong trào cách mạng.

Tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở tỉnh Mỹ Tho và Gò Công đã tích cực chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức, xây dựng lực lượng để tiến lên thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công. Vai trò lịch sử của tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đến cuối năm 1929 đã hoàn thành nhiệm vụ cách mạng rất vẻ vang.

Tháng 4-1930, Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho và sau đó là Đảng bộ tỉnh Gò Công ra đời, đánh dấu bước ngoặt vô cùng quan trọng trong tiến trình lịch sử cách mạng ở địa phương, mở ra một bước ngoặt mới trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta; đồng thời đánh dấu sự chấm dứt quá trình khủng hoảng về phương pháp đấu tranh cách mạng trong thời gian dài từ khi thực dân Pháp xâm lược; có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ quá trình phát triển và sự chuẩn bị tất yếu điều kiện cơ bản, góp phần vào thắng lợi oanh liệt trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.
 

1. Năm 1926, đ/c Phan Trọng Bình học viên khóa I Trường Huấn luyện cán bộ, được Tổng bộ Hội VNCMTN phân công về Nam kỳ hoạt động gây dựng cơ sở và chọn người gửi đi học. Đồng chí liên lạc với đồng chí Tôn Đức Thắng và một số người yêu nước ở Mỹ Tho, Gò Công để tuyển chọn thanh niên gửi đi học.

2. Thanh niên đi học có Trần Ngọc Giải, Trần Hòe, Lê Hoàng Chiêu, Nguyễn Trung Nguyệt, Nguyễn Thìn.

3. Tỉnh bộ Hội VNCMTN Mỹ Tho đầu tiên có: Trần Ngọc Giải, Trần Hòe, Lê Hoàng Chiêu.

4. Đồng chí Nguyễn Thìn là một trong số thanh niên yêu nước ở Gò Công đi học lớp huấn luyện ở Quảng Châu. Học xong, đồng chí Nguyễn Thìn về Gò Công, tháng 9-1927 kết nạp đồng chí Nguyễn Văn Côn vào tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.

5. Đồng chí Nguyễn Ngọc Ba vào làm ở Nhà máy in Thịnh Vượng, đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn vào làm ở Hãng Xáng Mỹ Tho, đồng chí Trần Ngọc Giải, Mai Bạch về vùng nông thôn...

Lê Văn Tý
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 387
  • Khách viếng thăm: 381
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 86433
  • Tháng hiện tại: 1727846
  • Tổng lượt truy cập: 48101973