Lịch sử Đảng bộ địa phương- một kênh để giáo dục truyền thống

Đăng lúc: Thứ bảy - 03/12/2016 13:32
Theo thống kê của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đến ngày 26-2-2016, trên địa bàn tỉnh đã có 9/11 đơn vị cấp huyện, 146 đơn vị cấp xã đã xuất bản sách Lịch sử Đảng bộ (LSĐB); các đơn vị cấp huyện, cấp xã còn lại đang trong quá trình biên soạn hoặc chưa biên soạn LSĐB vì lý do khách quan.
Sách Lịch sử Đảng bộ là tài liệu để tuổi trẻ tìm hiểu truyền thống cách mạng Lịch sử địa phương.
Sách Lịch sử Đảng bộ là tài liệu để tuổi trẻ tìm hiểu truyền thống cách mạng Lịch sử địa phương.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác sưu tầm, biên soạn, xuất bản sách LSĐB là nhu cầu cần thiết của cán bộ và nhân dân, huyện Cái Bè đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xuất bản sách LSĐB ở cấp huyện và ở tất cả 25 xã, thị trấn. Ông Nguyễn Văn Diệm, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cái Bè cho biết: “Công tác sưu tầm, biên soạn sách LSĐB trên địa bàn huyện có rất nhiều thuận lợi như: Sự quan tâm và ưu tiên về tài chính của Tỉnh ủy; được các cán bộ về hưu ủng hộ, nhiệt tình cung cấp tư liệu; lực lượng biên soạn nhiệt tâm và đề cao trách nhiệm…”.

Mặc dù công tác biên soạn LSĐB địa phương trong 2 năm qua được các cấp ủy quan tâm chỉ đạo, tập trung tổ chức triển khai thực hiện, nhưng do TX. Cai Lậy mới thành lập (năm 2014), với 16 xã, phường, nên đến nay mới có xã Long Khánh cho xuất bản sách LSĐB, 4 xã chuẩn bị xuất bản (2 xã sẽ xuất bản vào cuối năm 2016), còn lại 5 xã và 1 phường đang trong giai đoạn biên soạn, biên tập. Theo Ban Tuyên giáo Thị ủy Cai Lậy, công tác biên soạn sách LSĐB gặp không ít khó khăn do cán bộ có trình độ chuyên môn, khả năng sưu tầm, biên soạn lịch sử trên địa bàn thị xã ít; tư liệu lưu trữ hạn chế, mất nhiều thời gian cho việc sưu tầm, tập hợp tư liệu. Mặt khác, do 5 phường mới thành lập, nên Ban Tuyên giáo Thị ủy đã chỉ đạo tổ chức biên niên để làm nguồn tư liệu cho công tác biên soạn sách LSĐB sau này.

Ông Lê Văn Tý, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: “Dù được sự quan tâm và ưu tiên của Tỉnh ủy về kinh phí cũng như các chính sách hỗ trợ, nhưng công tác biên soạn sách LSĐB các cấp trên địa bàn tỉnh chỉ mới hoàn thành 67,82% ở cấp xã (tính đến tháng 2-2016) do gặp không ít khó khăn: Đội ngũ biên soạn còn thiếu và nhiều người phụ trách biên soạn không phải là người địa phương nên nội dung không sát với thực tế LSĐB hoặc chưa rõ ràng, thiếu căn cứ; do quá trình ghi chép, lưu trữ tài liệu trong các giai đoạn cách mạng bị thất lạc hoặc các văn bản của xã, huyện, tỉnh có sự khác nhau về thời gian, nhân vật lịch sử, dẫn đến không thống nhất khi tổ chức biên soạn, mất nhiều thời gian cho hội thảo thẩm định, làm chậm tiến độ biên soạn…”.

Về việc sử dụng sách LSĐB làm tư liệu để tuyên truyền, giáo dục, ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Long Hưng (huyện Châu Thành) cho biết: “Công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử địa phương (LSĐP) chủ yếu thông qua các buổi mít tinh và lồng ghép vào các buổi lễ khai giảng, tổng kết năm học, sinh hoạt hè, sinh hoạt định kỳ của các đoàn thể để giáo dục LSĐP cho các em học sinh, đoàn viên, hội viên trong xã. Đối với cán bộ, đảng viên được trang bị một quyển LSĐB để làm tư liệu học tập, nghiên cứu”.

Đối với ngành GD-ĐT, những năm qua, công tác giáo dục LSĐP được ngành tỉnh thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT. Theo đó, tỷ lệ của số tiết học LSĐP so với học lịch sử dân tộc chiếm tỷ lệ rất ít, cụ thể: Từ lớp 6 đến lớp 11, số tiết học LSĐP là 1/35 tiết; lớp 12 là 2/35 tiết. Thầy Nguyễn Công Chánh, chuyên viên môn Lịch sử của Sở GD-ĐT cho biết, đa số học sinh chưa hứng thú với môn LSĐP do điểm của môn học này không ảnh hưởng đến kết quả học tập. Nếu muốn thu hút học sinh học LSĐP thì giáo viên phải tâm huyết, chủ động sưu tầm các tài liệu về LSĐB để làm phong phú bài học; thay đổi hình thức giảng dạy kết hợp tổ chức tham quan các di tích lịch sử hay tổ chức cho học sinh tiếp xúc với các nhân vật lịch sử… thì mới mong thu hút học sinh.

Theo ông Lê Văn Tý, các địa phương, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh cần thực hiện các biện pháp sau đây để hoàn thành việc biên soạn và xuất bản sách LSĐB vào năm 2019: Triển khai, quán triệt Công văn 56-CV/BTGTU ngày 23-3-2016 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về “Tiếp tục thực hiện công tác lịch sử trên địa bàn tỉnh (2016 - 2020)”; tiếp tục rà soát lại kế hoạch, chương trình nghiên cứu, biên soạn LSĐB các cấp, lịch sử cách mạng của đơn vị đến hết tháng 12-2016 và bổ sung kế hoạch, chương trình công tác nghiên cứu, biên soạn, giáo dục LSĐB, lịch sử cách mạng cho 5 năm 2016 - 2020, nhất là công tác biên soạn LSĐB cấp xã. Đối với các địa phương, ban, ngành, đoàn thể đã hoàn thành công tác biên soạn, xuất bản thì phải xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, giáo dục LSĐB, lịch sử cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ở đơn vị mình; nơi nào chưa hoàn thành công tác biên soạn thì tiếp tục đôn đốc thực hiện việc biên soạn và tổ chức tuyên truyền, giáo dục LSĐP, lịch sử cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hằng quý, 6 tháng và cuối năm các địa phương, ban, ngành, đoàn thể báo cáo tiến độ thực hiện và phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong công tác nghiên cứu, biên soạn, giáo dục LSĐP về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để tổng hợp, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy xem xét, giải quyết.

 

Thẩm định quyển “Lịch sử Đảng bộ xã Tân Hòa Tây giai đoạn 1975 - 2010”

Ngày 24-11, Hội đồng nghiệm thu huyện Tân Phước tổ chức Hội nghị thẩm định quyển “Lịch sử Đảng bộ xã Tân Hòa Tây giai đoạn 1975 - 2010”. Ông Lê Văn Tý, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Nguyễn Bình Xuyên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy và ông Lê Trường Sơn, Phó Chủ tịch HĐND huyện Tân Phước chủ trì hội nghị. Cùng dự có các thành viên Hội đồng nghiệm thu và Ban Thường vụ Đảng bộ xã Tân Hòa Tây.

Triển khai thực hiện từ năm 2013, sau nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung, bản thảo quyển “Lịch sử Đảng bộ xã Tân Hòa Tây giai đoạn 1975 - 2010” trình thẩm định lần này (gồm 5 chương, dày 124 trang) đã được đa số đại biểu nhất trí; đồng thời đề nghị Ban biên soạn tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung, bố cục, số liệu trước khi in, phát hành (dự kiến vào tháng 3-2017). Đây là nguồn tài liệu quý giá, góp phần giáo dục thế hệ trẻ.

 

Phan Thắng - Vĩnh Sơn
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 134
  • Khách viếng thăm: 130
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 18856
  • Tháng hiện tại: 225906
  • Tổng lượt truy cập: 67200397