Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khang: Giải trình về sử dụng đất KCN Tân Phước

Đăng lúc: Thứ tư - 17/07/2013 16:19
Trong buổi trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 - HĐND tỉnh khóa VIII ngày 11-7, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khang đã giải trình kiến nghị của cử tri và trả lời chất vấn của các đại biểu về những vấn đề bức xúc hiện nay, nhất là công tác quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn huyện Tân Phước.

Cử tri phản ảnh: Việc quy hoạch Khu công nghiệp (KCN) Tân Phước đã có trên 3 năm, nhưng đến nay chưa thấy triển khai thực hiện, đất của dân để hoang hóa gây lãng phí. Đề nghị UBND tỉnh cho biết nguyên nhân và khi nào thực hiện quy hoạch?

* Phần giải trình:

Dự án KCN Tân Phước 1 được chấp thuận tại Công văn 2522/UBND-CN ngày 28-5-2009 cho liên doanh Công ty Thái Sơn và Tổng Công ty Bến Thành đầu tư thực hiện dự án với quy mô 300 ha. Đến ngày 30-3-2010, Thủ tướng Chính phủ có Công văn 523/TTg-KTN về điều chỉnh diện tích KCN Tân Phước 1 - tỉnh Tiền Giang từ 300 ha lên 470 ha.

Trong quá trình triển khai dự án gặp khó khăn nên liên doanh Công ty Thái Sơn đã xin gia hạn 2 lần và lần gia hạn thứ 2 đến nay đã hết hạn (theo Công văn 1079/UBND-CN thì thời gian gia hạn đến ngày 17-3-2012).

Khi hết thời gian gia hạn dự án, liên doanh Công ty Thái Sơn vẫn chưa hoàn thành các thủ tục để triển khai xây dựng, nên ngày 27-4-2012 Ban Quản lý các KCN tổ chức họp với liên doanh Công ty Thái Sơn, đề nghị liên doanh Công ty Thái Sơn và Tổng Công ty Bến Thành báo cáo tiến độ bằng văn bản về Ban quản lý, thời gian báo cáo trước ngày 10-5-2012 nhưng đến nay liên doanh Công ty Thái Sơn vẫn chưa có báo cáo.

Ngày 24-5-2013, Ban Quản lý các KCN có công văn 186/BQL-PQH&MT báo cáo kết quả rà soát các cơ sở pháp lý để thu hồi việc đầu tư dự án KCN Tân Phước 1. Hiện UBND tỉnh cùng các ngành chức năng đang xem xét.

* Cử tri phản ảnh: Hiện nay đất đai ở Nông trường Tân Lập không ai quản lý, sang nhượng tự do. Nông trường không điều hành sản xuất, không thu mua sản phẩm theo hợp đồng đã ký kết, không ký bảo lãnh cho dân vay vốn, không dự họp với dân từ năm 2005 đến nay. Đề nghị UBND tỉnh kiểm tra  trách nhiệm, năng lực điều hành sản xuất của Nông trường Tân Lập và Công ty CP Rau quả Tiền Giang.

* Phần giải trình:

- Về việc quản lý đất giao khoán: Nông trường Tân Lập (bên A) vẫn duy trì quản lý đất đai và thực hiện theo hợp đồng giao khoán đã ký kết với hộ nhận khoán (bên B). Theo hợp đồng nhận khoán quy định về quyền của bên B: được chuyển tiếp hợp đồng cho người thừa kế. Trong trường hợp bên B chuyển đi nơi khác, chuyển sang làm nghề khác, hoặc không còn khả năng lao động thì đề nghị bên A thanh lý hợp đồng. Khi thực hiện đủ các thủ tục thì hộ nhận khoán mới được chuyển nhượng lại quyền nhận khoán cho hộ khác. Việc chuyển nhượng này đã được nông trường thực hiện từ năm 2008 trở về trước.

Kể từ khi UBND tỉnh ban hành Quyết định 3441/QĐ-UBND ngày 21-9-2007 phê duyệt quy hoạch chung xây dựng công nghiệp khu vực Đông Nam Tân Phước đã quy hoạch 3.638,8 ha đất, trong đó có phần diện tích Nông trường Tân Lập là 3.116,6597 ha (bao gồm cả KCN Long Giang), các tổ công tác của tỉnh đã chỉ đạo tạm thời ngưng không cho hộ được chuyển nhượng hợp đồng để không làm xáo trộn diện tích, thuận tiện khi bồi thường, giải tỏa.

Tuy nhiên, vào năm 2008 chỉ mới có dự án KCN Long Giang tiến hành thu hồi đất của hộ, còn các dự án khác chưa được tiến hành. Trong thực tế, các hộ có nhu cầu vẫn thường xuyên chuyển nhượng ngầm với nhau, nhưng do có chỉ đạo tạm thời nên Nông trường Tân Lập chưa thực hiện việc lập thủ tục sang tên, công nhận, ký hợp đồng với hộ mới.

Vào ngày 20-7-2012, UBND tỉnh đã ban hành Công văn 3211 /UBND-CN giao cho Tổ công tác 882 của tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh về việc chuyển nhượng hợp đồng khoán đất của hộ nhận khoán tại Nông trường Tân Lập. Tổ công tác 882 đã thống nhất đề nghị UBND tỉnh cho phép Nông trường Tân Lập được tiếp tục thực hiện thủ tục sang tên hợp đồng mới cho các hộ đã nhận chuyển nhượng, thời hạn ký hợp đồng đến ngày 16-11-2013. Hiện UBND tỉnh đang xem xét vấn đề này.

Thời gian qua đã có một số hộ tự ý cho thuê đất khoán cho các tổ chức khác để trồng mì, trồng mía. Nông trường đã phối hợp cùng chính quyền địa phương và cơ sở ngăn chặn việc cho thuê, lập biên bản việc vi phạm và báo cáo về UBND xã, UBND huyện chỉ đạo thực hiện.

 - Về việc điều hành sản xuất: Hợp đồng khoán đất quy định quyền của bên nhận khoán là: “Chủ động sản xuất trồng cây khóm, thơm trên diện tích đất nhận khoán, được hưởng kết quả đầu tư trên diện tích đất nhận khoán”, trong đó nông trường có nghĩa vụ “Quy hoạch sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây”. Tuy nhiên, thời gian qua quy trình sản xuất không thay đổi, cho nên hộ nhận khoán vẫn tiếp tục thực hiện như trước đây. Hợp đồng không quy định nông trường điều hành việc bơm tát.

Tuy nhiên sau khi ký hợp đồng từ năm 2002, nông trường vẫn tiếp tục tổ chức bơm tát đến năm 2004. Trong năm 2005, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, nông trường đã bàn giao toàn bộ hệ thống trạm bơm, đê bao cho địa phương quản lý và tổ chức điều hành công tác chống úng, chống lụt. Thực tế từ khi nhận bàn giao đến nay, thực hiện đảm bảo việc chống úng cho các hộ dân. Ngoài ra, hàng năm nông trường có phân công cán bộ tham gia công tác chống úng, chống lụt cùng với địa phương.

- Về việc tổ chức tiêu thụ sản phẩm của hộ: Tại điểm a Điều 2 phụ lục hợp đồng nhận khoán quy định: Việc tiêu thụ sản phẩm tại nông trường có 2 hình thức: Nếu bên B đăng ký bán cho khách hàng bên ngoài, giá mua được căn cứ vào giá thị trường theo thời điểm tại Nông trường Tân Lập; nếu bên A có nhu cầu mua thì mua theo giá thỏa thuận. Nếu bên B đăng ký bán cho bên A, được bên A thông báo giá trước theo từng tháng, giá mua ổn định trong tháng.

Ngoài ra, nông trường cũng đã thành lập Đội kinh doanh - dịch vụ, thu mua khóm của hộ nhận khoán để giao cho nhà máy của công ty. Thời gian qua do hộ đăng ký giao bán cho công ty rất ít, cho nên đã giải thể đội này. Hiện tại, chính sách thu mua nguyên liệu của công ty rất đa dạng, thông thoáng, hộ được trực tiếp giao bán sản phẩm tại nhà máy của công ty.

- Về việc bảo lãnh cho hộ vay vốn tại Ngân hàng: Kể từ năm 2002, công ty bảo lãnh cho các hộ nhận khoán được trực tiếp vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp huyện Tân Phước với định mức cho vay sản xuất trong năm 2002 và 2003 là 1.500.000 đồng/ha/năm; từ năm 2004 đến nay là 3.000.000 đồng/ha/năm và được giải ngân 1 lần vào đầu năm. Trong năm 2011, các hộ nhận khoán thông qua HĐND xã đã đề nghị tăng mức cho vay sản xuất hằng năm và mức cho vay đầu tư khi cải tạo trồng mới.

Vào ngày 15-8-2012, UBND xã Tân Lập 1 đã có Công văn 53/CV-UBND đề nghị công ty bảo lãnh nâng mức vay vốn để sản xuất hằng năm từ 3.000.000đồng/ha lên 10.000.000đồng/ha. Tuy nhiên, về định mức cho vay là do ngân hàng quy định, không thuộc thẩm quyền giải quyết của công ty. Với trách nhiệm của mình, công ty chỉ ký bảo lãnh tín chấp khi hộ nhận khoán được vay vốn theo đúng định mức được ngân hàng chấp thuận cho vay.

- Về việc tiếp xúc với hộ nhận khoán: Mối quan hệ giữa nông trường với hộ nhận khoán là quan hệ về hợp đồng, trong đó nông trường giao quyền cho hộ nhận khoán chủ động sản xuất trồng cây khóm, thơm và tiêu thụ sản phẩm. Trường hợp hộ có vấn để phát sinh liên quan đến quản lý đất đai, quy trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cần sự hướng dẫn, trao đổi thì hai bên liên hệ trực tiếp để giải quyết. Quy chế làm việc của nông trường quy định thời gian hội họp, thời gian tiếp xúc hộ nhận khoán tại Đội sản xuất vào ngày thứ ba hàng tuần; tiếp xúc tại Phòng tiếp nhận hộ nhận khoán (văn phòng nông trường) vào ngày thứ tư hàng tuần.

- Về mô hình quản lý của Nông trường Tân Lập: Nhiệm vụ của Nông trường Tân Lập chỉ quản lý đất đai, quản lý hợp đồng giao khoán, giao quyền chủ động trong sản xuất do hộ quyết định, cho nên kể từ năm 2002 nông trường chuyển sang tập trung quản lý hộ để thu hồi công nợ cũ đã đầu tư trước đây.

Tổ chức cho hộ mua bán sản phẩm theo giá thị trường, trong đó phân ra dạng hộ mua bán với Công ty Rau quả và dạng hộ mua bán với khách hàng bên ngoài, với các nguồn thu từ phí thu hồi công nợ do công ty trả, phí cân giao sản phẩm do công ty và khách trả, lợi nhuận từ Đội kinh doanh - dịch vụ mua bán khóm, nguồn thu phí quản lý từ 15% định suất thuế sử dụng đất nông nghiệp do hộ nhận khoán nộp theo quy định.

Nhưng kể từ năm 2006 không còn thu phí quản lý; kể từ năm 2008 (khi tỉnh triển khai Dự án KCN Long Giang) không thu hồi được công nợ cho nên nông trường đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối chi để hoạt động.

Kể từ khi UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch công nghiệp Đông Nam huyện Tân Phước, nông trường cử cán bộ phục vụ các số liệu, các yêu cầu có liên quan, hoặc tham gia giải quyết khiếu nại, tranh chấp của hộ, hoặc cung cấp thông tin phục vụ cho các ban, ngành, tổ công tác, tòa án.

Mặc dù những công việc này không thuộc nhiệm vụ chính của nông trường, nhưng vẫn phát sinh thêm chi phí tiền lương, tiền công, văn phòng phẩm làm tăng thêm phần mất cân đối tài chính của nông trường. Hiện tại nhân sự của nông trường chỉ còn 5 người nhưng vẫn phải quản lý toàn bộ mọi hoạt động của nông trường.

LH
(Theo Báo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 190
  • Hôm nay: 46705
  • Tháng hiện tại: 2279255
  • Tổng lượt truy cập: 46246488