Chân dung 3 Mẹ Việt Nam anh hùng ở huyện Tân Phước

Đăng lúc: Thứ năm - 19/06/2014 15:05
Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) là danh hiệu mà Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng hoặc truy tặng những phụ nữ Việt Nam có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.

Sáng 24-4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức Lễ trao tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ VNAH cho 34 mẹ ở huyện Tân Phước (7 mẹ còn sống và 27 mẹ đã từ trần), nâng đến nay huyện Tân Phước có 77 Mẹ VNAH. Dưới đây là chân dung 3 Mẹ VNAH tại xã Phước Lập.

MẸ VNAH HỒ THỊ PHIẾN (SN 1907) ẤP MỸ LỢI, XÃ PHƯỚC LẬP: 2 lần khóc thầm lặng lẽ

“Ôi… đủ thứ chuyện, làm sao mà nhớ hết!...”.

Má Phiến mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế rồi ngưng lại thở mệt nhọc. Gia đình cho biết mấy ngày nay má không được khỏe.

“Thằng Gần, thằng Bương của má đẹp trai nhứt xóm - má lại tiếp tục kể - 2 anh em nó cao ráo, trắng trẻo. Má nhớ thằng Gần thích ăn chè… 2 đứa nó hy sinh bà con ai cũng thương tiếc”.

11 lần sinh hạ, một tay má nuôi con. Chắt chiu từng hạt lúa, nhổ từng cọng bàng về nhà, giã ra để đương đệm, đương giỏ đổi gạo; trồng dâu nuôi tằm, nghề nào má cũng làm được.

Má khéo tay đương đệm đẹp nhất vùng. Các con lớn lên trên đôi tay tần tảo của má. Anh Gần (Liệt sĩ Nguyễn Văn Gần) đi bộ đội và hy sinh năm 1974 để lại cho má 4 đứa cháu nội. Anh tám Bương (Liệt sĩ Nguyễn Văn Bương) lúc hy sinh chưa tới 20. Khổ nghèo, đau thương chồng chất lên đôi vai gầy, má cố chịu đựng. Thương 2 núm ruột của mình, má chỉ khóc thầm trong đêm vắng.

Má nói: “Hồi đó bộ đội về vui lắm, xong công việc là hát hò. Có gì ăn má hay để dành cho tụi nó. Đứa nào cũng xa nhà, gặp là ôm lưng, nắm tay gọi má nghe rất thân mật. Bây giờ đêm nằm má nhớ từng nụ cười, từng gương mặt…”.

Má kể rất nhiều, những câu chuyện không đầu không đuôi quay về từ ký ức xa xăm… Chợt nhói lòng. Cả thế kỷ làm người, chưa ngày nào má sống cho riêng mình!

MẸ VNAH PHAN THỊ CHÍNH (SN 1924) ẤP MỸ LỢI, XÃ PHƯỚC LẬP:Tới bây giờ má vẫn chờ con

Mắt má Chính không còn tinh tường, nhưng trên gương mặt phúc hậu vẫn lưu giữ những đường nét cho thấy thời thanh xuân má là người phụ nữ xinh đẹp. Má có 6 người con (4 trai, 2 gái). 2 người con trai lớn là liệt sĩ Phạm Văn Mạnh và Liệt sĩ Phạm Văn Kỳ cùng tham gia trận Ấp Bắc và hy sinh năm 1963.

Má nói: “2 anh em nó hứa đánh xong trận sẽ về thăm má, nhưng rồi nó không về…! Thằng Kỳ chưa vợ đã đành. Vợ thằng Mạnh ôm con thơ hàng đêm trằn trọc nhớ chồng. Má hiểu, nên nỗi đau càng tăng thêm gấp bội…

Tới bây giờ đêm đêm má vẫn thao thức, chờ tiếng gọi “má ơi!” của 2 anh em thằng Mạnh... Mấy năm nay vợ thằng Mạnh không về, tội nghiệp không biết mẹ con nó lưu lạc nơi đâu. Má già rồi làm sao mà đi kiếm mẹ con nó được”.

Cả tuổi xuân má chỉ biết cấy lúa, nhổ bàng, rồi đêm thức đương đệm, sáng đem ra chợ Vàm kinh bán lấy tiền mua con cá cho cả nhà, mua tấm vải may áo cho con.

Má nhìn ra con đê vắng và ao ước: “Má mong ơn trên cho mình mạnh khỏe, để chờ vợ con thằng Mạnh quay về để biết bây giờ mẹ con nó sống ra sao”.

MẸ VNAH NGUYỄN THỊ HAI (SN 1939) ẤP KINH 2B, XÃ PHƯỚC LẬP: Ước mong của má

75 tuổi, má Nguyễn Thị Hai còn rất khỏe mạnh, hàng ngày má đi mua phế liệu để có “đồng ra, đồng vô”, tích lũy tiền để khi không còn sức khỏe lấy đó mà ăn đỡ phải phiền con cháu.

Hồi trẻ, chồng má (Liệt sĩ Phạm Văn Châu hy sinh ngày 14-7-1972) là một thanh niên đẹp trai, hiền lành lại giỏi việc ruộng đồng. Yêu những ưu điểm của ba, má bằng lòng làm vợ.

Cha mẹ nghèo nên cả hai tự lập, rồi ba tham gia cách mạng, vài bữa ghé thăm, khi mang thai, giặc càn vô thấy không chồng chúng hoạnh họe, má khai là mình không có chồng nhưng do “lầm lỡ” nên phải nuôi con một mình.

Vừa nuôi con, má còn nấu cơm nuôi bộ đội, cuộc sống vất vả nhưng vui. Cứ lâu ngày ba không về các con lại mong ngóng. Những giây phút ba tạt qua nhà, là các con quấn quít, nhà đầy tiếng cười, hạnh phúc tính từng giây. Vậy mà trong một lần ghé lại rồi đi ngay, ba không về nữa. Đồng đội báo tin ba bị địch bắn trên đường đi công tác, năm đó má vừa 35 tuổi.

Giọng má nghèn nghẹn: “15 tuổi thằng Bò (Liệt sĩ Phạm Văn Bò) làm giao liên bị địch bắt, tra khảo không khai nên chúng thả ra. Ba nó hy sinh được 1 năm thì thằng Bò xin vào bộ đội địa phương của huyện Châu Thành, năm đó nó 17 tuổi. Đi chưa đầy 1 năm nó lại hy sinh, đó là ngày 25-8-1974 . Thương con hiền lành, chỉ biết chài lưới, giặm lúa, nhổ cỏ… giúp má. Nó mất khi chưa có vợ nên má chẳng có đứa cháu nội nào…”.

Mắt má Hai long lanh lệ, hình ảnh chồng con hiện về như mới hôm qua. Má có 6 người con nhưng anh Bò là con trai duy nhất đã hy sinh. Má thở dài, cười trong nước mắt: “Hồi xưa, chiến tranh, nghèo khổ, chồng cứ xa nhà, đêm nằm má khấn nguyện cho mau hết chiến tranh để gia đình sum họp, vợ chồng con cái được ăn chung mâm, sống chung nhà… Bây giờ độc lập đã gần 40 năm nhưng cha con thằng Bò không còn sống để hưởng thanh bình, má thấy ray rứt và nhớ cha con nó lắm!...”.

Ngọc Lệ
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 438
  • Khách viếng thăm: 430
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 47006
  • Tháng hiện tại: 1912785
  • Tổng lượt truy cập: 48286912