Tòa xử vụ tranh chấp đất nội bộ gia đình liệt sĩ gây bức xúc

Đăng lúc: Thứ sáu - 02/08/2013 10:06
Đây là một vụ tranh chấp đau lòng giữa hai người là bà và cháu nội. Sau khi cưỡng chế thi hành án, các đoàn thể: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và cả Chi bộ ấp Long Hòa, Hội đồng nhân dân xã Quơn Long đều làm bản kiến nghị gởi các cấp có thẩm quyền đề nghị xem xét lại.
Vợ chồng ông Ba và các nhân chứng cung cấp chứng cứ.

Vợ chồng ông Ba và các nhân chứng cung cấp chứng cứ.

DIỄN BIẾN VỤ VIỆC

Phần đất tranh chấp giữa bà Nguyễn Thị Đẩu và ông Nguyễn Văn Ba có diện tích 5.267m2, tọa lạc tại ấp Long Hòa (Quơn Long, Chợ Gạo). Đây là phần đất cách mạng cấp cho gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Nên (con của bà Nguyễn Thị Đẩu, cha của ông Nguyễn Văn Ba) vào khoảng năm 1963.

Sau khi Liệt sĩ Nguyễn Văn Nên hy sinh, năm 1973 bà  Phạm Thị Cẩm (vợ của Liệt sĩ Nguyễn Văn Nên) tái giá. Bà Cẩm để lại phần đất trên cho con là Nguyễn Văn Ba và mẹ chồng là bà Nguyễn Thị Đẩu canh tác. Vào năm 1997, hai bà cháu được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) và người đứng tên là ông Nguyễn Văn Ba.

Vào một đêm đầu năm 2008, bà Nguyễn Thị Quơ là con bà Đẩu, cô ruột ông Ba rước mẹ về nhà mình tại huyện Gò Công Tây để giành quyền nuôi dưỡng. Chỉ mấy tháng sau, bỗng nhiên bà Đẩu (lúc này 92 tuổi) đã làm đơn thưa ra tòa tranh chấp quyền sử dụng đất với cháu nội và ủy quyền cho bà Quơ đứng ra kiện giành lại phần đất cách mạng cấp cho gia đình Liệt sĩ Nguyễn Văn Nên.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 307/DSST, ngày 19-8-2008, Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân huyện Chợ Gạo xác định đất cách mạng cấp cho bà Đẩu, nên đã tuyên buộc ông Nguyễn Văn Ba phải giao phần đất tranh chấp cho bà Nguyễn Thị Đẩu.

Bản án bị nhân dân và chính quyền cơ sở phản ứng, nhưng án có hiệu lực pháp luật buộc phải cưỡng chế thi hành. Lúc đó lúa chưa kịp thu hoạch nhưng bà Quơ đã dùng thuốc đổ xuống ruộng tiêu hủy lúa để lấy đất cho bằng được, sau đó bán đất. Sự việc trở nên đau lòng bởi khi giành được đất thì bà Đẩu qua đời, không được thừa hưởng số tiền bán đất, còn đứa cháu nội của mình thì trắng tay.

Sự việc không dừng lại ở đó, bà cô ruột còn làm đơn thưa đòi lại 1.250m2 đất ruộng và 825m2 đất vườn đã sang nhượng cho cháu mình vào năm 1991 với giá 9 chỉ vàng 24K. Khi sang nhượng, nghĩ tình cô cháu nên ông Ba không làm giấy tờ mua bán. Vì vậy, trước tòa mặc dù có ít nhất 3 người làm chứng nhưng thiếu “giấy trắng mực đen” không được tòa chấp thuận.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 306/DSST, ngày 19-8-2008, HĐXX - Tòa án nhân dân huyện Chợ Gạo đã tuyên buộc ông Ba phải giao trả cho bà Quơ phần diện tích đất tranh chấp nói trên.

NỖI BỨC XÚC

Qua vụ việc và phán quyết của tòa cùng việc thi hành án, nhiều cán bộ lão thành cách mạng, các đoàn thể và HĐND xã đều làm bản kiến nghị gởi các cấp có thẩm quyền đề nghị xem xét lại. Với những chứng cứ thu thập đã chứng minh phần đất của cách mạng cấp cho gia đình Liệt sĩ Nguyễn Văn Nên do chính bà Phạm Thị Cẩm, vợ của ông Nên đứng ra nhận để canh tác nuôi chồng tham gia kháng chiến, nuôi con và cha mẹ chồng.

Ngay cả chính quyền xã cũng khẳng định đất cách mạng cấp cho vợ chồng ông Nên. Phần đất này được canh tác ổn định từ năm 1963 đến đầu năm 2008, tròn 45 năm và đã được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Nguyễn Văn Ba. Bà Quơ rước mẹ về nuôi với mục đích và thủ đoạn chiếm đoạt đất của gia đình liệt sĩ. Bởi ở tuổi 92, bà Đẩu không thể làm chủ hành vi thưa kiện.

Bên cạnh đó, tòa còn cho rằng ông Ba không nuôi bà nội, cho nên bà Quơ được bà Đẩu ủy quyền yêu cầu ông Ba phải trả lại đất để bà Quơ canh tác nuôi mẹ là không xác thực. Trong quan hệ bà và cháu nội, chính ông Ba là người trực tiếp chăm sóc bà nội cho đến khi bà Quơ đến rước. Đó là khoảng thời gian dài đến 22 năm.

Quá trình xét xử vụ án ông Nguyễn Văn Ba còn bị mất quyền kháng cáo vì không có mặt tại phiên tòa phúc thẩm. Bởi lẽ trên, HĐXX phúc thẩm đã quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án. Vì vậy, 2 bản án sơ thẩm của TAND huyện Chợ Gạo bị kháng cáo, vẫn trở thành án có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Lý giải về việc vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm, ông Nguyễn Văn Ba buồn rầu cho biết: Tôi mồ côi cha từ khi còn trong bụng mẹ, lớn lên gặp cảnh bần hàn nên học hành không được bao nhiêu, vì vậy hiểu biết về pháp luật hạn chế. Nghe nhiều người bảo nhờ luật sư. Tôi đã tìm đến Luật sư Nguyễn Tương Lai nhờ giúp đỡ.

Luật sư Lai đồng ý bào chữa cho tôi với mức thù lao 6 triệu đồng. Tôi đã nộp trước 2 triệu đồng. Ngày tòa triệu tập dự phiên tòa phúc thẩm, vợ chồng tôi có đến gặp Luật sư Lai, nhưng Luật sư Lai cho biết phiên tòa bị hoãn và bảo vợ chồng tôi về. Nào ngờ tôi bị mất quyền kháng cáo và HĐXX - TAND tỉnh đã quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án.

Thiết nghĩ, nếu đúng như lời trình bày của ông Ba thì đây là một yếu tố khách quan, một lý do chính đáng để các cấp có thẩm quyền xem xét nhằm phục hồi quyền kháng cáo của ông Ba. Có như vậy mới hy vọng 2 bản án sơ thẩm có dấu hiệu oan sai nêu trên sẽ được đưa ra xét xử theo trình tự giám đốc thẩm nhằm đảm bảo công lý và lấy lại niềm tin của nhân dân đối với pháp luật.

Được biết, trong quá trình thi hành án, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã nhiều lần xuống làm việc với chính quyền xã Quơn Long nhưng gặp rất nhiều khó khăn vì nhân dân và chính quyền xã không đồng tình và một phần bản án chưa thực hiện. Đó là, tòa buộc ông Ba phải trả cho bà Đẩu và bà Quơ 120 triệu đồng mới được ở trên phần diện tích đất còn lại. Về phần đất này, Đảng ủy và UBND xã chưa đồng tình, vì trên đó có căn nhà tình nghĩa đang là nơi thờ cúng Liệt sĩ Nguyễn Văn Nên.

Hy vọng nỗi bức xúc của gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Nên sẽ được các cấp có thẩm quyền quan tâm giải quyết.


(Theo Báo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 441
  • Khách viếng thăm: 439
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 52726
  • Tháng hiện tại: 2334383
  • Tổng lượt truy cập: 48708510