Thảo luận ở Hội trường về dự thảo Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật

Đăng lúc: Thứ năm - 31/10/2013 08:54
Buổi sáng ngày 29/10/2013, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng

Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng

Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang)tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, để nội dung quy định của dự thảo Luật đảm bảo cụ thể và chặt chẽ hơn, ông đề nghị xem xét một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, tại Điều 5, quy định chính sách của Nhà nước về hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

- Đề nghị bổ sung vào Khoản 2 điều này nội dung quy định nguồn kinh phí được huy động tự nguyện từ các cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, cùng với nguồn kinh phí được bố trí tại địa phương phục vụ có hiệu quả cho hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Tuy nhiên, để việc thực hiện quy định này đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, đề nghị dự thảo Luật giao Chính phủ quy định cụ thể việc huy động này.

- Tại Khoản 3, để nâng cao trách nhiệm của các nhà sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật và tích cực trong các hoạt động nhằm góp phần thực hiện nghiêm việc hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả, đề nghị xem xét bổ sung thêm nội dung quy định khuyến khích các cơ sở này đóng góp kinh phí cho việc xây dựng và vận hành hệ thống thu gom, xử lý bao, gói, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng. Việc bổ sung quy định này sẽ là một trong những giải pháp tích cực nhằm bổ sung nguồn kinh phí cho xây dựng và vận hành hệ thống này, giảm bớt gánh nặng về ngân sách Nhà nước; đồng thời, thiết nghĩ đây cũng là việc cần phải làm để phát huy trách nhiệm của các chủ thể này đối với các hoạt động bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, việc bổ sung này sẽ đảm bảo hoàn chỉnh quy định của Luật và là giải pháp để thực hiện có hiệu quả việc bảo đảm kinh phí cho vấn đề xử lý bao, gói, chai lọ các loại thuốc bảo vệ thực vật đã được quy định tại Khoản 2, Điều 75 (vì nội dung quy định ở đây chỉ đề cập đến vấn đề kinh phí cho việc xử lý mà chưa quy định cụ thể đến vấn đề kinh phí cho việc thu gom trước khi xử lý).

Thứ hai, về trách nhiệm quản lý Nhà nước, Chính phủ và các bộ, các ngành.

Đề nghị dự thảo Luật cụ thể hóa các quy định về trách nhiệm của một số Bộ, ngành đối với một số việc, nhất là trách nhiệm trong việc tổ chức tiêu hủy thuốc, bao, gói và chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau khi đã sử dụng. Đây là việc làm rất khó nếu không quy định cụ thể thì dễ dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau giữa các cơ quan chức năng.

Do vậy, đề nghị đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự thảo Luật cần quy định rõ hơn trách nhiệm (được quy định tại Điểm d, Khoản 3) trong việc thực hiện chủ trì hướng dẫn xây dựng hệ thống thu gom, tiêu hủy thuốc, nhất là việc thực hiện tiêu hủy các loại bao, gói và chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, xây dựng các lò tiêu hủy đạt tiêu chuẩn kỹ thuật trên phạm vi toàn quốc; đối với Bộ Tài chính, đề nghị quy định tại Điểm d, Khoản 3, Điều 7 bổ sung thêm việc hướng dẫn và bố trí nguồn kinh phí xây dựng các lò tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật, bao, gói và chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng.

Thứ ba, về trách nhiệm của các tổ chức chính trị xã hội (được quy định tại Điều 10). Đề nghị bổ sung thêm một khoản quy định rõ hơn về vai trò giám sát của các tổ chức này để góp phần thực hiện tốt các quy định của pháp luật. Cụ thể cần bổ sung thêm khoản quy định về hoạt động giám sát việc thi hành pháp luật, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Thứ tư, đối với hành vi bị cấm (được quy đinh tại Điều 13). Từ thực tế hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật hiện nay, đề nghị xem xét bổ sung quy định về cấm các nhà sản xuất thuốc bảo vệ thực vật khi đưa sản phẩm ra thị trường mà không công bố hợp quy thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật. Đây là vấn đề rất quan trọng nhằm góp phần xử lý nghiêm tình trạng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng trên thị trường hiện nay gây nhiều thiệt hại cho người tiêu dùng.

Thứ năm, về trình tự thủ tục, thẩm quyền cấp, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất buôn bán thuốc bảo vệ thực vật (được quy định tại Khoản 4, Điều 65).

Nội dung quy định tại các Điểm a và b của khoản này chỉ quy định về thủ tục, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật. Do vậy, đề nghị chỉnh lý, bổ sung đầy đủ vào các Điểm a và b của khoản này nội dung quy định về thủ tục, thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật nhằm đảm bảo hoàn chỉnh quy phạm pháp luật.


(Theo tiengiang.gov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 282
  • Khách viếng thăm: 281
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 44629
  • Tháng hiện tại: 2413054
  • Tổng lượt truy cập: 48787181